Nhiều người vẫn nhớ, đầu năm 2010, chính nhờ sự kết nối của báo VietNamNet mà J. Nye đến Việt Nam. Trong một buổi thuyết trình dịp đó, J. Nye khẳng định: “Việt Nam là một câu chuyện rất hấp dẫn trong lịch sử về sự dũng cảm của con người cũng như văn hóa. Sức mạnh mềm Việt Nam trước hết là chủ nghĩa dân tộc lành mạnh. Việt Nam có thể tận dụng và phát huy điều đó cho sự phát triển của mình”.

Nói đến sức mạnh mềm, cả thế giới đều nhắc đến ông Joseph Nye, GS. Đại học Harvard, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cuối thập kỷ 90 thế kỷ trước. Ông được coi là “cha đẻ” của học thuyết “sức mạnh mềm” công bố năm 1990, dù trước ông, thuật ngữ này (Soft power) cũng đã được nhiều học giả khác sử dụng.

Điều J. Nye đáng được ca ngợi là ở chỗ, ông có cái nhìn xuyên thấu lịch sử, khái quát lại và phát hiện ra sức mạnh đặc biệt của văn hóa, tư tưởng và chính sách mà nhờ đó, nhiều quốc gia đã trở nên có sức hấp dẫn, thu hút và chinh phục được thế giới.

Rất may, Việt Nam là một trong số các quốc gia như vậy.

Theo J. Nye, “sức mạnh mềm” của một quốc gia được tạo nên bởi ba nguồn lực chính: nền văn hoá, hệ giá trị và hệ thống chính sách. Những quốc gia đã từng được J.Nye đánh giá ít nhiều tích cực về sức mạnh mềm là Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc… và một vài nước khác.

Nhiều người vẫn nhớ, đầu năm 2010, chính là nhờ sự kết nối của báo VietNamNet mà J. Nye đến Việt Nam. Trong một buổi thuyết trình dịp đó, J. Nye khẳng định: “Việt Nam là một câu chuyện rất hấp dẫn trong lịch sử về sự dũng cảm của con người cũng như văn hóa. Sức mạnh mềm Việt Nam trước hết là chủ nghĩa dân tộc lành mạnh. Việt Nam có thể tận dụng và phát huy điều đó cho sự phát triển của mình” [1].

Sau hơn 10 năm J.Nye đến Việt Nam, trong con mắt cộng đồng thế giới, Việt Nam đã có những bước phát triển được coi là ấn tượng, một phần sức mạnh mềm Việt Nam đã được giải phóng. Nhiều số liệu và dữ liệu về kinh tế - xã hội Việt Nam đã phản ánh điều này, mặc dù, với thực tế đời sống, vẫn còn không ít vấn đề mà chúng ta chưa thể hài lòng.

Từ cuối thập niên đầu thế kỷ XXI, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, có thành tích xóa đói, giảm nghèo được Liên Hợp Quốc đánh giá rất cao. Cùng với sự tăng trưởng kinh tế liên tục, kể cả trong khủng hoảng tài chính 2008 - 2012 và trong đại dịch Coid-19 2021 - 2022, diện mạo của xã hội ngày càng được cải thiện theo hướng hoà nhập sâu hơn vào cộng đồng thế giới và quan tâm nhiều hơn đến đời sống của người dân. Năm 2020, lần đầu tiên Việt Nam được xếp hạng trong số 52 nước có Chỉ số phát triển con người cao (High Human Development, theo tiêu chuẩn của UNDP - chỉ số HDI 0,700 - 0,800).

Về văn hóa, Việt Nam đã ngày càng nhập vào dòng chảy chung của văn hóa - văn minh nhân loại; chuẩn mực quốc tế đã trở nên phổ biến hơn trong đánh giá văn hoá - xã hội, nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể Việt Nam đã được công nhận là di sản thế giới, di sản ký ức thế giới; văn hoá truyền thống thực sự được tôn trọng; văn minh bên ngoài được tìm tòi tiếp thu; đời sống văn hóa của đại đa số cư dân đều có những chuyển biến theo chiều tốt lên, kể cả ở vùng sâu, vùng xa.

Các mặt khác của đời sống xã hội, tuy chưa phải đã tiến bộ tương xứng với tiềm năng, nhưng tất cả đều có những chuyển biến tích cực.

Đáng chú ý là, trong quan hệ đối ngoại, ngày 10/9/2023, hai nước Việt Mỹ chính thức nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững”. Sự kiện này không bất ngờ nhưng gây ngạc nhiên đáng kể trong bầu không khí chính trị quốc tế và cả với một số người trong nước. Ngay sau đó, ngày 27/11/2023, Nhật Bản và Việt Nam ra Tuyên bố chung nâng cấp lên “Đối tác Chiến lược toàn diện vì Hoà bình và Thịnh vượng tại châu Á và thế giới”. Rồi ngày 12/12/2023, trong chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, Trung Quốc và Việt Nam ra tuyên bố xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc - Việt Nam”.

Ẩn giấu đằng sau quá trình thực hiện các sự kiện không kém phần phức tạp này chính là sức mạnh mềm Việt Nam. Không hề ngẫu nhiên, bước đi này của ngoại giao Việt Nam đã gây ấn tượng trong không gian địa chính trị. Sự tham dự ngày càng sâu của Việt Nam vào đời sống chính trị quốc tế trong nhiều năm gần đây, cùng với những quyết định đối ngoại mang tính đột phá năm 2023, đã khẳng định được vị thế của Việt Nam với Hoa Kỳ và các cường quốc khác trong cộng đồng thế giới.

Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa và góp phần phát triển đất nước bằng sức mạnh mềm là điều có thật.

bai-so-34-anh-danh-pham-1.jpg

Khát vọng phát triển

Những năm gần đây, người nước ngoài đến Việt Nam, nhất là các nhà nghiên cứu xã hội, thường có cảm nhận khá ngạc nhiên về sức mạnh mềm Việt Nam trong đời sống tinh thần xã hội. Không chỉ ở ý chí độc lập, tinh thần dân tộc trong bảo vệ cương vực lãnh thổ, mà còn ở thái độ thoát nghèo, khát vọng phát triển, hội nhập với thế giới. Ít nơi đâu như Việt Nam, người ta có thể thấy ở mọi tầng lớp cư dân, từ người dân bình thường đến những người có trách nhiệm của chế độ, ở tất cả đều cháy bỏng khát vọng phát triển.

Thật thú vị, một nghiên cứu mới đây của Viện Economic Affairs, thuộc Đại học Buckingham, Anh về thái độ đối với người giàu ở 7 nước châu Âu và 4 nước châu Á, cho kết quả là người Việt Nam khao khát thành công, có thái độ năng động trong kinh tế rất cao, cao hơn hầu hết các nước được khảo sát. Số người kỳ thị với người giàu rất thấp, chỉ 19% dân cư, nhiều hơn chút ít so với Nhật Bản (14%) [2].

Sâu xa hơn, sức mạnh mềm còn là tố chất con người. Những năm đầu thế kỷ XX, các nhà nghiên cứu người Việt thế hệ đầu tiên đã cùng với các nhà dân tộc học người Pháp chú ý khám phá tính cách con người Việt Nam. Những nét xấu xí, dĩ nhiên không ít. Nhưng có khá nhiều nét đẹp ưu trội đã được ghi nhận. Thông minh, khéo léo, cần cù, hiếu học, tôn trọng gia đình, cộng đồng… là những đặc trưng đã được khẳng định nhiều lần và được các nhà nghiên cứu có uy tín kiểm tra lại và xác nhận vào những năm đầu thế kỷ XXI.

Dù vẫn còn hoài nghi, nhưng những nét tích cực, ưu trội của người Việt là rất khó phủ nhận. Vấn đề chỉ còn là, thể chế hôm nay có tạo được điều kiện để mỗi người phát huy tối đa những nét tốt đẹp đó trong hoạt động của mình hay không. Thực tế chống tham nhũng, tiêu cực những năm gần đây cho thấy, đôi khi sự thông minh sáng tạo lại song hành với những mục tiêu không lành mạnh, trở thành thói khôn vặt, vụ lợi, tìm đến những kẽ hở của luật pháp, cơ chế.

Sử dụng sức mạnh mềm quốc gia

Một đội ngũ công chức chuyên nghiệp; những người bình thường và những người có địa vị xã hội đều cảm thấy dễ chịu như nhau, hạnh phúc như nhau, khi tiếp cận các dịch vụ xã hội - là những phương thức sử dụng sức mạnh mềm đã được Slovenia, Đức, Czech, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản… sử dụng thành công. Tôn trọng văn hoá truyền thống, giữ gìn nét đẹp bản sắc, nhưng sẵn sàng thích nghi, tiếp thu các giá trị mới của văn minh nhân loại, kể cả các hình thức công nghiệp văn hoá khác lạ - là những phương thức sử dụng sức mạnh mềm đã được các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Pháp, Hà Lan… sử dụng thành công.

Việt Nam có bề dày văn hóa truyền thống hàng nghìn năm. Ngày nay, điều được thừa nhận này có ý nghĩa quy định sự phát triển tiếp theo của đất nước. Quán tính lịch sử, khuôn mẫu văn hóa, bản lĩnh dân tộc, thói quen tư duy, cách thức phát triển, phương thức ứng xử… với tất cả thế mạnh và những hạn chế của nó, chắc chắn sẽ là một phần của hiện tại và ảnh hưởng đến tương lai. Điều đáng suy ngẫm là, những hạn chế thuộc về tập quán văn hóa sẽ rất khó loại bỏ hoặc vượt qua, trong khi đó, những thế mạnh của truyền thống đầy tiềm năng, lại không dễ phát huy tác dụng.

Nếu sức mạnh mềm là hành trang có thật, thì việc giải phóng, phát huy sao cho đúng chiều, đúng xu thế tiến bộ của văn minh nhân loại, để Việt Nam không bỏ lỡ cơ hội phát triển lại là thách thức đối với mỗi người, nhất là những người có trọng trách, trong giai đoạn hiện nay.

Theo kế hoạch, đến năm 2030 đất nước sẽ đạt mức thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 Việt Nam sẽ là nước phát triển có thu nhập cao. Để đạt được mục tiêu kỳ vọng đó, Việt Nam vẫn còn phải cầu thị học hỏi rất nhiều, để sử dụng được sức mạnh mềm tiềm ẩn của mình.

Các nước bứt phá và thành công đều là những nước biết sử dụng thông minh sức mạnh mềm quốc gia.

Chính sách xã hội nhất quán theo đuổi các mục tiêu vì con người, vì hạnh phúc cộng đồng; đặc biệt ưu tiên lợi ích công và phúc lợi xã hội - là những phương thức sử dụng sức mạnh mềm đã được nhiều quốc gia như Na Uy, Phần Lan, Hàn Quốc, Singapore… sử dụng thành công.

Văn hoá chính trường biết tôn trọng “bàn tay vô hình của thị trường”, coi trọng tự do kinh tế - xã hội, nhưng vẫn sẵn sàng điều chỉnh vĩ mô và can thiệp kịp thời để nền kinh tế thực hiện được các mục tiêu xã hội - là những phương thức sử dụng sức mạnh mềm đã được các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Singapore… sử dụng thành công.

Giáo dục được đặc biệt ưu tiên, không ai bị mất cơ hội học tập, nguồn nhân lực được đào tạo đón đầu mục tiêu phát triển; có bộ máy pháp lý mạnh và ng- hiêm và có hệ thống an sinh xã hội rộng, phong phú và hữu hiệu - là những phương thức sử dụng sức mạnh mềm đã được nhiều quốc gia như Phần Lan, Na Uy, Đức, Nhật Bản… sử dụng thành công.

Một đội ngũ công chức chuyên nghiệp; những người bình thường người và những người có địa vị xã hội đều cảm thấy dễ chịu như nhau, hạnh phúc như nhau, khi tiếp cận các dịch vụ xã hội - là những phương thức sử dụng sức mạnh mềm đã được Slovenia, Đức, Czech, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản… sử dụng thành công.

Tôn trọng văn hóa truyền thống, giữ gìn nét đẹp bản sắc, nhưng sẵn sàng thích nghi, tiếp thu các giá trị mới của văn minh nhân loại, kể cả các hình thức công nghiệp văn hoá khác lạ - là những phương thức sử dụng sức mạnh mềm đã được các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Pháp, Hà Lan… sử dụng thành công.

Một dân tộc nghị lực

Chính ông Lý Quang Diệu đã từng nhận xét: “Người Việt Nam là một trong những dân tộc nghị lực và có khả năng nhất Đông Nam Á. Sinh viên của họ đến Singapore theo diện học bổng ASEAN rất nghiêm túc với việc học hành và thường có điểm số cao nhất” [3].

Về phương diện địa - chính trị, trong thế kỷ XXI Việt Nam vẫn là quốc gia có vị thế rất đặc biệt trên bàn cờ chính trị thế giới, là nhân tố có ý nghĩa chi phối trật tự địa - chính trị. Điều này đã được Zbigniew Brezinski, Samuel Huntington dự báo từ rất sớm [4].

Vấn đề có liên quan mật thiết đến việc giải phóng và phát huy sức mạnh mềm là ở chỗ, đằng sau sức mạnh của các triều đại, bao giờ cũng là sức mạnh của dân. Không phải mọi triều đại đều đạt tới trình độ cao về tính chính đáng (Legitimacy, theo tiêu chuẩn mà John Locke đề ra cho phương Tây), nhưng ở mọi triều đại, sức dân đều là một đại lượng đủ vững mạnh tạo nên sức sống trường tồn của dân tộc.

Về vấn đề này, năm 1945, sau Cách mạng tháng Tám, trên báo Cứu quốc số 65 ra ngày 12/10/1945, Bác Hồ viết: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được đặc biệt chú ý. Muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy” [5].

Tư tưởng vĩ đại, sâu sắc và thấm đẫm tinh thần nhân đạo này của chủ tịch Hồ Chí Minh, đương nhiên, rất cần thiết phải được nhấn mạnh và phổ biến nhiều hơn nữa trong đời sống tinh thần xã hội Việt Nam hôm nay.

Đó là một trong những “sức mạnh mềm” Việt Nam.

GS.TS Hồ Sĩ Quý - Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương

[1] Joseph Nye (2010). Chủ nghĩa dân tộc lành mạnh là điểm tựa của Việt Nam. http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-01-12.

[2] Xem: Rainer Zitelmann (2022). Attitudes towards the rich in China, Japan, South Korea, and Vietnam. Economic Affairs. No. 42. https://onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1111/ ecaf.12524

[3] Lý Quang Diệu viết về Đông Nam Á và Việt Nam, http:// nghiencuuquocte.net/2014/01/14/ly-quang-dieu-ve-dna-va vn/#sthash.P5B8ZrlQ.dpuf

[4] Xem: Huntington, Samuel P (2005). Sự va chạm của các nền văn minh. Nxb. Lao động; Zbigniew Brzezinski (1992). Thất bại lớn - sự ra đời và cái chết của chủ nghĩa cộng sản trong thế kỷ XX, Viện Thông tin KHXH xuất bản.

[5] Hồ Chí Minh (2011). Toàn tập, tập 4. Nxb. CTQG. tr. 51.