Liên tục kêu cứu
Sau hàng loạt tập đoàn, tổng công ty như Điện lực, Than Khoáng sản, Lilama,... kêu khó về Nghị định 20, thì Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam cũng có văn bản phản ánh các vướng mắc của Nghị định này.
Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam cho rằng: Tổng chi phí lãi vay bị khống chế không được vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần quy định nêu trên là “tổng chi phí lãi vay” trong hoạt động sản xuất kinh doanh phát sinh từ các giao dịch đi vay đối với các bên có mối quan hệ liên kết với công ty.
Tuy nhiên, trong khi chưa có hướng dẫn chính thức từ Tổng cục Thuế, một số cục thuế địa phương cho rằng “tổng chi phí lãi vay” bị khống chế là toàn bộ chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của doanh nghiệp từ các giao dịch đi vay với tất cả các đối tượng (kể cả có mối quan hệ liên kết và độc lập).
Khống chế chi phí lãi vay được trừ khiến nhiều DN bị thất thế. |
Theo Hiệp hội này, cách hiểu như vậy dẫn tới chính sách thuế không công bằng cho doanh nghiệp, gây nhiều khó khăn, lúng túng cho doanh nghiệp trong việc hoạch định kinh doanh, cân đối nguồn vốn, cản trở thanh khoản trong lưu thông nguồn vốn, không khuyến khích doanh nghiệp mở rộng hoạt động kinh doanh và từ đó làm giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp. Mà lợi nhuận của doanh nghiệp chính là nguồn đóng góp chính cho ngân sách nhà nước.
“Những quy định thiếu rõ ràng, không nắm bắt được bản chất hợp lý của chi phí lãi vay, đánh đồng các giao dịch kinh doanh,... vô hình trung cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Thậm chí, một số doanh nghiệp có thể thua lỗ kéo dài, cắt mất nguồn thu thuế lâu dài cho ngân sách nhà nước”, HIệp hội Kinh doanh chứng khoán cảnh báo.
Mục tiêu ban đầu của quy định này là nhằm hạn chế tình trạng chuyển giá của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Song, theo đánh giá của các chuyên gia, đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc khống chế chi phí lãi vay được trừ 20% trên lợi nhuận thuần trước lãi và khấu hao lại là các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt những doanh nghiệp đang đầu tư vào những ngành trọng điểm cần số vốn rất lớn, như vậy là hoàn toàn trái với mục tiêu ban đầu khi ban hành Nghị định.
Ngoài ra, trong nền kinh tế hiện nay thì việc hình thành mô hình các Công ty holding (hay còn gọi là Công ty quản lý vốn) trong mô hình kinh tế tập đoàn là xu thế tất yếu trong kinh doanh để hỗ trợ về vốn cho các công ty thành viên khi mới thành lập và chưa thể tiếp cận được nguồn vốn vay.
Theo đó, việc áp dụng quy định này vô tình cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp, tập đoàn trong nước, làm suy yếu sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, dẫn đến tình trạng các DN nội thường “thua ngay trên sân nhà” khi tham gia các dự án có quy mô vốn lớn tại Việt Nam phải thực hiện đấu thầu quốc tế.
Không giống với các nước
Ông Chung Thành Tiến, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, chia sẻ: "Trước đây tôi đã nói quy định khống chế chi phí lãi vay này không khuyến khích DN mở rộng đầu tư. Giờ DN đầu tư thì làm sao họ có thể trả được chi phí lãi vay khi chưa có doanh thu. Toàn bộ chi phí lãi vay chắc chắn vượt qua 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ. Nếu như vậy, 1 đồng lãi vay thì DN cũng bị vượt so với quy định vì làm sao DN đã có doanh thu, phát sinh thêm biết bao nhiêu lãi vay thì bị loại bỏ, không được trừ".
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Ủy viên Hội Kế toán hành nghề Việt Nam, cũng thẳng thắn: “quy định này tại Nghị định 20 không mang tính thị trường”.
Theo ông Quang, thị trường phải có sự cạnh tranh sòng phẳng, rõ ràng. Riêng những công ty có mối quan hệ liên kết lại khống chế lãi vay của họ thì không khác gì áp đặt chi phí của DN không được nhiều, chỉ được thế này thôi. Điều này làm cho chi phí thuế, như thuế thu nhập doanh nghiệp của DN tăng lên, DN không thể cạnh tranh được. Trong khi các DN không có giao dịch liên kết lại được tính chi phí được trừ thoải mái hơn.
Ông Chung Thành Tiến, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, chỉ ra rằng quy định tại Nghị định 20 là không giống với các nước. Quy định về khống chế lãi vay được trừ như tại Nghị định 20, thì các nước OECD chỉ áp dụng cho các DN đa quốc gia, để chống chuyển giá bằng cách dịch chuyển lợi nhuận từ nước này sang nước khác nhằm hưởng chênh lệch về thuế suất. Trong khi đó, Việt Nam lại áp dụng cho cả các DN trong nước với nhau.
Chính vì thế, việc sửa đổi quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ tại Nghị định 20 là điều không thể trì hoãn thêm. Bởi mỗi ngày qua đi, quy định này đang “ăn” vào máu thịt của doanh nghiệp, khiến họ mất sức cạnh tranh trong môi trường ngày càng khốc liệt.
Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp trên 40% GDP của nền kinh tế và có dấu hiệu tăng lên nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đến năm 2018, ước tính kinh tế tư nhân đóng góp 42,1% GDP của nền kinh tế và có dấu hiệu tăng lên.
Thu ngân sách nhà nước từ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh liên tục tăng trên 16%. Năm 2018 là năm đầu tiên thu thu sách nhà nước từ sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân vượt khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực doanh nghiệp nhà nước. Những tín hiệu này phản ánh sự lớn mạnh về quy mô, số lượng chủ thể và sự cải thiện về hiệu quả của kinh tế tư nhân.
Để phát triển kinh tế tư nhân, trước hết phải xây dựngmột môi trường kinh doanh thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển. Tuy nhiên, với những quy định DN sẽ khó có thể đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế nếu như những quy định còn nhiều điểm chư phù hợp như tại Nghị định 20 chưa được gỡ bỏ. Cần lưu ý là, DN Việt Nam nguồn vốn đã mỏng, chịu thuế phí cao, nếu khống chế việc sử dụng vốn vay thì khó càng thêm khó.
H.Nam
Đã khó lại tăng thêm thuế, nộp tiền rồi sao rút ra được
Những lời kêu cứu của cộng đồng doanh nghiệp liên quan đến quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ như rơi vào hư không. Hàng loạt doanh nghiệp điện lực, than khoáng sản, xây dựng, bất động sản, tiêu dùng,... phải bấm bụng nộp thêm tiền thuế.