Đây có thể là một đòn chí mạng đối với các ngân hàng Nga, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ.

Khi các chính phủ phương Tây đe dọa Nga bằng một gói các biện pháp trừng phạt chưa từng có nhằm ngăn cản Nga đưa quân vào Ukraine, thì có một biện pháp đặc biệt gây ra nỗi sợ hãi cho Điện Kremlin: cắt nước này khỏi hệ thống ngân hàng toàn cầu.

Trong số các biện pháp trừng phạt, đây là biện pháp khắc nghiệt nhất đối với Moscow kể từ khi lực lượng của nước này tiến vào Ukraine và dự kiến nó sẽ giáng đòn nặng nề vào một quốc gia phụ thuộc nhiều vào nền tảng SWIFT cho hoạt động thương mại tài nguyên thiên nhiên quan trọng, đặc biệt là các khoản thanh toán cho xuất khẩu dầu và khí đốt. Việc cắt đứt một quốc gia khỏi SWIFT trong thế giới tài chính tương đương với việc hạn chế quyền truy cập Internet của một quốc gia. Trước đó, chỉ có một nước bị cắt khỏi SWIFT, đó là Iran.

Các nhà lập pháp cấp cao của Nga đã đáp trả bằng cách nói rằng các chuyến hàng dầu, khí đốt và kim loại đến châu Âu sẽ dừng lại nếu điều đó xảy ra.

Tất tần tật về SWIFT, đòn trừng phạt chưa từng có giáng xuống Nga - 1

SWIFT - hệ thống thanh toán bao phủ toàn cầu (Ảnh: beamingcoyote.com).

"Nếu Nga bị ngắt kết nối với SWIFT, chúng tôi sẽ không nhận được ngoại tệ, nhưng trước tiên các nhà nhập khẩu châu Âu sẽ không nhận được hàng hóa từ chúng tôi, bao gồm dầu, khí đốt, kim loại và các hàng hóa quan trọng khác", Nikolai Zhuravlev, Phó Chủ tịch Thượng viện Nga, tuyên bố trên hãng truyền thông nhà nước TASS.

Chính xác thì SWIFT là gì và tại sao nó lại quan trọng đến mức Mỹ và các quốc gia châu Âu đang sử dụng nó như một sự đe dọa lớn chống lại Nga?

SWIFT là gì?

SWIFT là viết tắt của Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication (Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng thế giới), được thành lập năm 1973 thay thế cho telex và là một nền tảng an toàn cho các tổ chức tài chính để trao đổi thông tin về các giao dịch tiền tệ toàn cầu như chuyển tiền.

SWIFT giống như Gmail hoặc SMS dành cho ngân hàng, nhưng để chuyển tiền. Nói một cách đơn giản, SWIFT là một hệ thống nhắn tin để chuyển tiền.

SWIFT có phạm vi bao phủ rộng rãi, bao gồm hơn 11.000 tổ chức tại hơn 200 quốc gia trên thế giới. Điều này khiến cho nó trở thành một hệ thống được chấp nhận rộng rãi. Thành viên của SWIFT gồm các ngân hàng trung ương của các quốc gia như Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore và những nước khác trong danh sách giám sát của nó.

Các ngân hàng và tổ chức tài chính sử dụng hệ thống thanh toán SWIFT để gửi và nhận các hướng dẫn chuyển tiền một cách an toàn và đáng tin cậy. Mỗi tổ chức được gán một mã duy nhất có 8 hoặc 11 ký tự.

SWIFT có trụ sở tại Bỉ và được điều hành bởi một hội đồng bao gồm 25 người, trong đó có Eddie Astanin, Chủ tịch hội đồng quản trị Trung tâm lưu ký thanh toán quốc gia Nga. SWIFT tự coi mình là một "cơ quan trung lập", được thành lập theo luật pháp Bỉ và phải tuân thủ các quy định của Liên minh châu Âu.

Trong tuyên bố ngày 23/2/2021, SWFIT nêu rõ: "SWIFT là một hệ thống hợp tác toàn cầu trung lập được thành lập và hoạt động vì lợi ích chung của cộng đồng. Mọi quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia hoặc các tổ chức cá nhân hoàn toàn thuộc về các cơ quan chính phủ và các nhà lập pháp có thẩm quyền".

Tất tần tật về SWIFT, đòn trừng phạt chưa từng có giáng xuống Nga - 2

Mỹ và các nước phương Tây trừng phạt Nga bằng cách xóa bỏ nước này khỏi SWIFT (Ảnh: AdobeStock/GAlexS).

Mục đích của động thái loại bỏ Nga khỏi SWIFT

Việc loại trừ các ngân hàng Nga khỏi nền tảng SWIFT dự kiến sẽ ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế của đất nước - và theo cách nói của Nhà Trắng, điều đó sẽ khiến nước này dựa vào "điện thoại hoặc máy fax" để thanh toán.

Theo đó, tài sản của ngân hàng trung ương Nga dự kiến sẽ bị đóng băng, hạn chế khả năng tiếp cận nguồn dự trữ ở nước ngoài của Moscow. Mục đích của các động thái này là nhằm "cô lập Nga hơn nữa khỏi hệ thống tài chính quốc tế", một tuyên bố chung nêu rõ.

Theo cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Nga Sergei Aleksashenko: "Sẽ có một thảm họa trên thị trường tiền tệ Nga". Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy ban châu Âu, cho biết quyết định làm tê liệt tài sản của ngân hàng trung ương Nga sẽ ngăn Điện Kremlin "sử dụng hòm chiến tranh".

Các ngân hàng bị ảnh hưởng là "tất cả những ngân hàng đã bị trừng phạt bởi cộng đồng quốc tế, cũng như các tổ chức khác, nếu cần thiết", BBC trích dẫn một phát ngôn viên của Đức. Việc chỉ nhắm vào một số ngân hàng của Nga nhằm mục đích vừa tránh cho tình trạng leo thang thêm căng thẳng, vừa đảm bảo rằng các lệnh trừng phạt có tác động tối đa để đối với Moscow trong khi ngăn chặn tác động lớn đến các công ty châu Âu giao dịch với các ngân hàng Nga để thanh toán cho nhập khẩu khí đốt của họ. Ngoài ra, các hạn chế đối với ngân hàng trung ương của Nga sẽ ngăn ngân hàng này thâm nhập vào tiền gửi ngoại hối của mình để hạn chế ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt.

Tất tần tật về SWIFT, đòn trừng phạt chưa từng có giáng xuống Nga - 3

(Ảnh: Geoffroy van der Hasselt/AFP via Getty Images).

Nga sẽ bị ảnh hưởng như thế nào khi bị loại khỏi SWIFT?

Theo Hiệp hội SWIFT Quốc gia Nga, khoảng 300 ngân hàng và tổ chức tài chính ở nước này thuộc mạng SWIFT, nhóm người dùng lớn thứ hai sau Mỹ. Hơn một nửa số tổ chức tín dụng ở Nga cũng là thành viên của SWIFT.

Việc loại bỏ Nga khỏi SWIFT sẽ khiến các tổ chức tài chính gần như không thể gửi tiền vào hoặc ra khỏi nước này, gây ra "cú sốc" cho các công ty Nga và khách hàng nước ngoài của các công ty này - đặc biệt là những nhà nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt bằng đồng USD.

Việc loại một quốc gia khỏi hệ thống SWIFT đã từng xảy ra trước đây. Năm 2012, SWIFT đã loại các ngân hàng Iran ra khỏi hệ thống sau khi bị Liên minh châu Âu trừng phạt vì chương trình hạt nhân của nước này. Theo học giả Maria Shagina từ Viện Các vấn đề quốc tế Phần Lan, Iran đã mất gần một nửa doanh thu xuất khẩu dầu và 30% giá trị thương mại quốc tế sau động thái này.

Theo học giả Shagina, việc bị loại bỏ khỏi SWIFT sẽ chấm dứt tất cả giao dịch quốc tế của Nga, gây ra những biến động tiền tệ và khiến dòng vốn đổ ra ngoài cực lớn. Từ năm 2014, cựu Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin đã đưa ra con số ước tính rằng khi Nga bị loại khỏi SWIFT, quy mô nền kinh tế nước này sẽ sụt giảm 5%.

Tất tần tật về SWIFT, đòn trừng phạt chưa từng có giáng xuống Nga - 4

(Minh họa: bullfrag.com).

Mỹ và Đức sẽ chịu nhiều thiệt hại nhất nếu Nga bị cắt khỏi hệ thống này bởi vì ngân hàng của họ sử dụng SWIFT thường xuyên nhất để liên lạc với các ngân hàng Nga, theo Shagina.

Tờ Financial Times cho biết Ngân hàng Trung ương châu Âu đã cảnh báo những người cho vay có quan hệ mật thiết với Nga để chuẩn bị cho các biện pháp trừng phạt chống lại Moscow. Các quan chức Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cũng đã thăm dò phản ứng của các ngân hàng trong các tình huống, bao gồm động thái ngăn chặn các ngân hàng Nga truy cập SWIFT.

Tuy nhiên, liên minh vẫn chưa cho biết ngân hàng nào của Nga, hoặc có bao nhiêu ngân hàng đang nằm trong tầm ngắm.

Mỹ và các nước bị ảnh hưởng như thế nào bởi việc Nga bị loại bỏ khỏi SWIFT?

Mối quan tâm lớn nhất đối với Mỹ trong việc cấm các ngân hàng Nga là sự suy yếu của đồng USD: Kể từ năm 2014, Nga đã theo đuổi kế hoạch xóa sổ đồng đôla Mỹ trong giao dịch quốc tế, mặc dù Theo S&P Global, phần lớn doanh số bán dầu của họ vẫn bằng đôla.

Việc trục xuất Nga có thể làm suy yếu đồng đôla và ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu năng lượng của Mỹ.

Đức và Ý là hai trong số các quốc gia châu Âu ban đầu phản đối việc loại bỏ các ngân hàng Nga khỏi SWIFT, chủ yếu là do họ phụ thuộc vào dầu khí của Nga. Các quốc gia khác như Hà Lan có giao thương nhiều với Nga sẽ bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm.

Ý định của liên minh với việc cấm các ngân hàng Nga được chọn là nhằm tối đa hóa tác động tiêu cực lên Nga trong khi giảm thiểu tác động ngược trở lại châu Âu, theo BBC.

Các biện pháp trừng phạt khác đang được áp dụng đối với Nga là gì?

Mỹ đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế liên tục đối với Nga kể từ tuần trước.

Trước khi chiến sự bắt đầu, Mỹ đã đáp trả việc Nga công nhận sự độc lập của các khu vực Donetsk và Luhansk của Ukraine bằng cách ngăn chặn đầu tư vào các khu vực này, cũng như cấm nhập khẩu công nghệ. Sau đó, Bộ Tài chính đã đưa ra những hạn chế nghiêm trọng đối với một số ngân hàng và nhà phát triển thuộc sở hữu nhà nước của Nga.

Sau khi Nga tiến vào Ukraine chính thức bắt đầu vào ngày 24/2, Mỹ đã bổ sung các lệnh cấm và hạn chế đối với 10 tổ chức tài chính hàng đầu của Nga, chiếm khoảng 80% tổng tài sản ngân hàng ở nước này. Australia, Canada, EU, Nhật Bản và Anh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt tương tự.

Ngày 25/2, EU và Mỹ đều công bố các biện pháp trừng phạt cá nhân đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov và các thành viên khác của đội an ninh, bao gồm lệnh cấm đi lại.

Cùng với quyết định loại các ngân hàng Nga khỏi SWIFT, ngày 26/2, EU và Mỹ cũng cam kết hạn chế Ngân hàng Quốc gia Nga triển khai dự trữ quốc tế và khiến giới giàu có của Nga khó mua "hộ chiếu vàng" và trở thành công dân của các quốc gia khác.

Các biện pháp đáp trả của Nga

Ông Zhuravlev Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga, lưu ý rằng, mặc dù SWIFT rất tiện lợi nhưng nó không phải là cách chuyển tiền duy nhất. Chưa kể, quyết định ngắt kết nối của Nga với hệ thống này sẽ cần có sự nhất trí đồng loạt của các thành viên của SWIFT.

"SWIFT là một công ty của châu Âu, và là một hiệp hội có liên quan tới rất nhiều quốc gia", ông Zhuravlev nói. "Để đưa ra quyết định loại bỏ Nga thì cần phải có quyết định chung mà tất cả các nước tham gia SWIFT đều nhất trí. Tôi không chắc rằng các quốc gia có hợp tác thương mại đáng kể với Nga sẽ ủng hộ điều đó".

Trong những năm gần đây, Nga đã thực hiện các bước để giảm thiểu thiệt hại nếu họ bị loại khỏi SWIFT.

Tất tần tật về SWIFT, đòn trừng phạt chưa từng có giáng xuống Nga - 5

Mỹ và đồng minh tiến hành nhiều trừng phạt đối với Nga (Ảnh: Reuters).

Mặc dù các giải pháp thay thế cho SWIFT đã được thử nghiệm, nhưng không có giải pháp nào được chứng minh là có hiệu quả. Trong 7 năm qua, Nga cũng đã nghiên cứu các giải pháp thay thế, bao gồm SPFS (Hệ thống chuyển các thông điệp tài chính) - một hệ thống tương đương với hệ thống chuyển giao tài chính SWIFT do Ngân hàng Trung ương Nga phát triển. SPFS hiện có khoảng 400 người dùng. 20% hoạt động chuyển tiền ở Nga hiện được thực hiện thông qua SPFS nhưng kích thước tin nhắn bị hạn chế và hoạt động bị giới hạn trong giờ các ngày trong tuần.

Nga cũng được cho là đang hợp tác với Trung Quốc trong một dự án có thể sẽ là một thách thức tiềm năng đối với SWIFT. Trung Quốc đang phát triển Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS), một hệ thống nhắn tin thanh toán toàn cầu có khoảng 80 tổ chức tài chính thành viên vào cuối năm 2021. Theo Asia Markets, ít nhất 23 ngân hàng Nga sử dụng CIPS và nhiều ngân hàng khác có thể dễ dàng chuyển đổi. Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới còn non trẻ của Trung Quốc có thể cung cấp một giải pháp thay thế khác cho SWIFT, nhưng rõ ràng đây không phải là lựa chọn thay thế hấp dẫn.

Moscow đã và đang xây dựng một vùng đệm ngoại tệ sau vòng trừng phạt trước đó vào năm 2014, với dự trữ chạm mức cao kỷ lục 630 tỷ USD vào tháng 1 năm 2022. Các biện pháp mới sẽ làm giảm đáng kể dự trữ có sẵn cho ngân hàng trung ương của nước này, theo các chuyên gia.

Cần phải xem liệu Moscow có thể tận dụng nền tảng này ở một mức độ nào đó để vượt qua lệnh cấm một phần hay không, vốn có thể sớm trở thành lệnh cấm hoàn chỉnh.

Mặc dù lệnh cấm có thể mất một thời gian để có tác động, nhưng điều quan trọng là chúng thể hiện quyết tâm mạnh mẽ từ các quốc gia phương Tây. Đáp lại các lệnh trừng phạt kinh tế mới nhất, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal gọi họ là ""sự giúp đỡ thực sự trong thời kỳ đen tối này".

(Theo Dân Trí)

Đánh vào túi tiền TT Putin: Nga thiệt nặng, toàn cầu đối mặt mối nguy

Đánh vào túi tiền TT Putin: Nga thiệt nặng, toàn cầu đối mặt mối nguy

Các nước phương Tây đưa ra một quyết định chưa từng có lên Nga khi Kremlin đẩy mạnh cuộc chiến tại Ukraine. Đây là bước đầu cho một cuộc chiến có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào khủng hoảng nghiêm trọng.