{keywords}
Bà Mạnh Vãn Chu ra khỏi nhà ở Vancouver, Canada hôm 18/3. (Ảnh: AP)

Tháng 10/2020, sỹ quan biên phòng Canada Scott Kirkland khai trước tòa rằng mình vô tình trao mảnh giấy viết tay ghi mật khẩu điện thoại bà Mạnh cho cảnh sát Canada do lẫn trong tập tài liệu khác. Giám đốc Tài chính Huawei bị bắt tại sân bay Vancouver ngày 1/12/2018.

Kirkland thừa nhận hành vi này vi phạm luật quyền riêng tư và là sai lầm “đau lòng”.

Tuy nhiên, trong phiên tòa hôm 18/3, Tony Paisana, luật sư của bà Mạnh, khẳng định lời khai “hoàn toàn ngụy tạo” khi ông khẳng định vụ việc nằm trong nỗ lực che đậy, phi pháp nhằm thu thập bằng chứng chống lại bà Mạnh theo yêu cầu của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI).

Theo luật sư, lỗi của Kirkland không được ghi lại trong bất kỳ tài liệu nào của lực lượng biên phòng Canada. Nó chỉ ra Kirkland không vô tình chia sẻ mật khẩu mà có chủ đích. Trước mặt Thẩm phán Heather Holmes của Tòa án tối cao British Colombia, ông cho rằng “Kirkland không thành thật”.

Theo Mona Duckett, một luật sư khác của bà Mạnh, các sỹ quan biên phòng Canada xuất hiện trước tòa năm ngoái “đôi lúc làm chứng một cách liều lĩnh, đôi khi họ cố tình giả dối”. Chẳng hạn, họ khai rằng đã kiểm tra bà Mạnh vì lo ngại an ninh quốc gia. Song việc họ tự mình khám phá bằng chứng bà Mạnh gián điệp gần như là không thể.

Các luật sư của bà Mạnh nói cảnh sát và sỹ quan biên phòng Canada đã cấu kết với FBI một cách bất hợp pháp để thu thập bằng chứng chống lại bà Mạnh, lạm dụng quy trình, vi phạm quyền lợi của bà Mạnh. Các vi phạm này bao gồm tịch thu thiết bị điện tử, ép bà tiết lộ mật khẩu, tra hỏi về hoạt động của Huawei liên quan tới tội danh mà Mỹ gán cho bà.

Luật sư tranh luận thông tin thu được tại sân bay, chỉ vài giờ trước khi bà Mạnh bị bắt, sau đó được chia sẻ với cảnh sát và các bên khác đã vi phạm chính sách và quy định liên quan tới lực lượng biên phòng.

Luật sư của chính phủ Canada cho rằng các sỹ quan biên phòng có lý do chính đáng khi thực hiện kiểm tra đối với bà Mạnh. Ngoài ra, nếu mục đích của họ là thu thập bằng chứng cho FBI, họ đã có thể làm tốt hơn. Dù vậy, luật sư Paisana phản biện những sỹ quan làm không tốt không đồng nghĩa với họ không xâm phạm quyền lợi của bà Mạnh.

Thẩm phán Holmes hoãn phiên điều trần sang ngày 19/3.

Tranh luận được các bên đưa ra vào thời điểm quan trọng trong cuộc chiến 2 năm của Huawei chống lại việc dẫn độ bà Mạnh về Mỹ. Bộ Tư pháp buộc tội bà Mạnh lừa HSBC về các thỏa thuận kinh doanh với Huawei tại Iran, đẩy ngân hàng vào nguy cơ vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Tehran.

Mỹ muốn xét xử bà Mạnh tại New York. Bà Mạnh phủ nhận tội danh.

Luật sư kêu gọi thả tự do cho bà Mạnh vì quy trình bị lạm dụng. Họ cũng nói rằng Mỹ không có quyền tài phán với các hoạt động của bà Mạnh tại Hong Kong năm 2013.

Hôm 17/3, luật sư Paisana tố cáo các sỹ quan Canada thể hiện “coi thường trắng trợn” với quyền lợi của bà Mạnh, sau đó dàn dựng để che đậy hành vi.

Các phiên điều trần còn tiếp tục đến 1/4 khi cuộc chiến chống dẫn độ sắp đi tới hồi kết. Chặng cuối của phiên tòa được lên lịch từ 26/4 đến 14/5, sau đó Thẩm phán Holmes sẽ quyết định thả tự do cho bà Mạnh hay đưa sang Mỹ xét xử. Tuy nhiên, quyết định dẫn độ cuối cùng tùy thuộc vào Bộ trưởng Tư pháp Canada và quy trình phúc thẩm có thể kéo dài vài năm.

Vụ bắt giữ bà Mạnh khiến quan hệ giữa Trung Quốc với Canada và Mỹ xấu đi.

Du Lam (Theo SCMP)

Samsung, Apple sắp phải trả phí hàng tỉ USD cho Huawei

Samsung, Apple sắp phải trả phí hàng tỉ USD cho Huawei

Gặp khó trong mảng di động, song Huawei vẫn có những thế mạnh giúp họ thay đổi cách thức giao dịch với các OEM khác như Samsung, Apple.