Trong giây phút chịu phạt, người yêu của cô đã búng rất mạnh khiến cô đau và bất giác cảm thấy tổn thương.

Đó là lần đầu tiên cô cảm nhận mình không được nâng niu, “làm sao mà người yêu của mình có thể búng một cái thiệt đau như vậy với mình được nhỉ”. 

Phút ấy, bỗng nhiên trong đầu cô chạy về rất nhiều hình ảnh giữa cô và người yêu. Tất cả đều là những hình ảnh anh ta “giành” phần hơn về mình. Đi trong mưa, anh ta cầm dù và nghiêng về phía mình, để mưa không ướt anh ta, mặc cho người yêu bị ướt. Đi ăn, cả hai cùng đói nhưng khi đồ ăn ra, thay vì chờ hoặc chia phần ăn cho người yêu, anh ta ngấu nghiến ăn trước…

Và lần này, ngay cả khi chơi trò chơi, làm đau người yêu, cô đứng dậy bỏ về nhưng anh ta cũng không đoái hoài, tiếp tục ngồi xem tivi. Anh ta không quan tâm tới cảm xúc của người yêu.

W-co-don-trung-vu-1.jpg
Ảnh minh họa: Trung Vũ

Phút ấy, cô gái đã có quyết định cho mình: dừng lại một mối quan hệ mà ở đó cô không cảm nhận được sự quan tâm xứng đáng với tên gọi, là người thương.

Khi nghe cô người yêu nói chia tay, anh ta không nhận ra nguyên nhân sâu xa, tưởng đâu chỉ vì chuyện trò chơi hôm bữa mà làm quá. Chỉ có cô mới biết, cú búng vào mũi không nương tay của người yêu chính là giọt nước tràn ly. Là một cú búng tay phản tỉnh.

Tôi xem, thương cô gái nhân vật chính và cũng mừng vì cô đã kịp nhận ra, mạnh dạn đi đến quyết định rời đi.

Con lừa trên hành trình cùng người chủ tham lam đã chở chuyên quá nặng những thứ anh ta bỏ lên lưng, đến khi chỉ một chiếc áo nữa cũng là quá sức chịu đựng. Câu chuyện con lừa và chiếc áo nhắc nhở về giới hạn của con người trong nhiều thứ, trong đó có mối quan hệ thân-gần với người thân thương.

Có đôi khi, ta cứ nghĩ rằng, họ là người thân, người thương của ta nên ta muốn đối xử kiểu gì cũng được. Đôi khi, nhân danh cha mẹ, ta chèn ép, áp đặt, bắt buộc con mình phải làm theo “kịch bản” của mình, tự mặc vào hành vi quản thúc ấy là “có hiếu”. Hiếu thực ra phải hai chiều. Khi ta chăm sóc, dạy dỗ đúng mực, tôn trọng, lắng nghe, hiểu và thương con trong tinh thần cởi mở, định hướng đúng… thì con cái mới gần gũi, chia sẻ với ta. Chúng mới kính trọng và dành cho ta sự thương yêu tự nguyện. 

Mỗi người là một thực thể độc lập và cần được tôn trọng, họ chỉ phát triển đúng hướng, cao nhất khi có một môi trường tương ứng, sự chăm sóc phù hợp.

Trong tình yêu, mối quan hệ vợ chồng cũng vậy. Tất cả đều cần những khoảng cách an toàn, cần cùng nhau vun vén. Khi một bên chăm, bên kia thờ ơ hoặc mặc sức sử dụng thành quả từ một bên xây dựng thì không thể lâu bền. Không ai có thể chịu đựng ta mãi nếu ta và họ đầy trái nghịch, thiếu chăm sóc, nghèo thương yêu.

Trong xã hội vật chất, con người không thiếu ăn thiếu mặc nhưng vẫn đói yêu thương. Không quan tâm đúng, đủ đến con cái, bạn đời, người yêu. Không tinh tế nhận ra những điều người kia thích, không thích để điều chỉnh, cùng hòa hợp trong một gạch nối, một mắt xích yêu thương thì sớm muộn gì cũng bị bẻ gãy, bởi chính người trong cuộc.

Có đôi khi ta là tác nhân chính của một cuộc đổ vỡ nhưng lại không nhận ra. Vì ta quá tự tin. Hoặc ta chưa bao giờ nhìn vào mối quan hệ đó một cách nghiêm túc. Khi chọn sống với một đối tác, là người thương, chắc chắn ta cần có những thay đổi theo hướng hòa hợp, cùng nhau. Ta không thể ích kỷ bảo rằng, tính tôi vậy, tôi thích vậy… Rồi ai cũng cố chấp với cái muốn, cái thích của mình, đương nhiên sẽ tạo một lực đẩy.

Thu xếp lòng mình để nghiêm túc bước vào một mối quan hệ, nghiêm túc cùng dựng xây thì ta mới có thể có an bình, hạnh phúc trong gạch nối yêu thương ấy.

Khi có con, bố mẹ phải “tu” (sửa) bớt những sở thích, thói quen không tốt, không còn phù hợp trước đó; khi có người yêu, có vợ/ chồng rồi ta cũng “tu” để cùng đi với nhau, cùng vui. Đừng thả trôi cảm xúc của bạn đời, người thương. Đừng bỏ đói yêu thương. Bởi đó là cách ta giết chết yêu thương, làm rạn nứt, đổ vỡ một mối quan hệ. 

Nếu không thay đổi, dù có thêm bao nhiêu người nữa đến bên đời ta, họ cũng sẽ rời đi như ta đã từng đánh mất những mối quan hệ trước đó mà thôi.