Tác động của đầu tư công đối với giảm nghèo được thể hiện rõ nét nhất trong khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Ở Việt Nam, phần lớn hộ nghèo sống trong khu vực nông thôn với công việc chính là sản xuất nông nghiệp. Đầu tư công trực tiếp làm tăng thu nhập cho người nông dân thông qua tăng năng suất sản xuất nông nghiệp. Và khi năng suất lao động tăng đồng nghĩa với việc người lao động trong khu vực nông nghiệp sẽ có mức lương cao hơn, góp phần giảm nghèo.

Năng suất lao động phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng, giáo dục đào tạo, đầu tư cho sản xuất nông nghiệp. Đầu tư công giúp cơ sở hạ tầng, giao thông tốt hơn. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân có thể tiếp cận tốt hơn thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp ở khu vực nông thôn.

Năng lực của các hệ thống hạ tầng thủy lợi được nâng cao hơn đã góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn và đáp ứng cơ bản nhu cầu nước cho phát triển công nghiệp dịch vụ và đô thị. Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh.

{keywords}
Đầu tư công làm tăng thu nhập cho người nông dân thông qua tăng năng suất sản xuất nông nghiệp - Hình minh họa

Đầu tư công cho xóa đói giảm nghèo trong thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc tăng thu nhập, nâng cao mức sống, chất lượng sống của người nghèo thông qua việc tăng cường khả năng tiếp cận và được hưởng dịch vụ phúc lợi xã hội (giáo dục, y tế, văn hóa…); cải thiện cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội ở địa bàn nghèo, khó khăn; nâng cao ý thức, trách nhiệm cộng đồng đối với người nghèo và thay đổi nhận thức của người nghèo, giúp họ thích nghi được với kinh tế thị trường.

Tỷ lệ người nghèo giảm ở bất cứ chỉ tiêu nào, được Liên hợp quốc đánh giá cao trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và là một trong bốn nước có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất thế giới.

Trong hơn 02 thập kỷ qua, đầu tư công của Việt Nam chiếm khoảng 45,5% tổng đầu tư toàn xã hội, chủ yếu tập trung vào xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế (giao thông vận tải, thông tin liên lạc, điện lực…), đầu tư cho giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ cũng được quan tâm nên đã góp phần quan trọng trong việc tăng năng suất lao động của Việt Nam. Theo đó, năng suất lao động của Việt Nam có xu hướng tăng ổn định qua các năm ở tất cả các khu vực kinh tế, tỷ lệ bình quân mỗi năm khoảng 15%/năm.

Tuy nhiên về tổng thể, hiệu quả đầu tư công trong thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo vẫn còn thấp.

Thời gian tới, để phát huy hơn nữa tác động tích cực của đầu tư công đến giảm nghèo, cần có những giải pháp cụ thể:

Cần rà soát lại toàn bộ Chương trình mục tiêu Quốc gia và các chương trình hỗ trợ có mục tiêu khác. Trên cơ sở đó, xác định thứ tự ưu tiên các chương trình, dự án đầu tư và các mục tiêu khả thi, đối tượng cần phải quan tâm đặc biệt để tập trung bố trí nguồn lực thực hiện dứt điểm; tránh đầu tư dàn trải, phân tán nguồn lực, đầu tư manh mún, không hiệu quả như thời gian qua.

Một số chương trình có mục tiêu không rõ ràng, hiệu quả không cao, còn chồng chéo, trùng lặp về nội dung thì cần lựa chọn để lồng ghép với các chương trình khác. Tiếp tục dành sự quan tâm hàng đầu đối với chương trình xóa đói, giảm nghèo.

Tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu tạo khả năng thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội: Điện, đường, trường, trạm, thủy lợi… và hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh như: Cảng, bến bãi, chợ... thông tin thị trường nhằm giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của hàng nông sản.

{keywords}
Tăng cường đầu tư cho giáo dục mang lại hiệu quả tích cực cho công tác giảm nghèo ở Việt Nam - Hình minh họa

Tiếp tục tăng cường đầu tư cho giáo dục, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người nghèo; hoàn thiện thể chế chính sách công bằng trong tiếp cận giáo dục, đặc biệt trong việc tiếp cận giáo dục tiểu học và trung học cơ sở cho con em các hộ gia đình sống trong các vùng nông thôn, các vùng nghèo, đồng bào các dân tộc ít người.

Đổi mới phương thức huy động và sử dụng vốn đầu tư cho xóa đói giảm nghèo; đẩy mạnh thực hiện cơ chế hợp tác công - tư trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trong nông nghiệp, nông thôn và phát triển sản xuất nông nghiệp; hình thành các quỹ đầu tư, quỹ tương trợ, quỹ hỗ trợ sản xuất để giúp người nghèo có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn đầu tư để phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, hướng tới xóa đói, giảm nghèo.

Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thì tập trung vào các chương trình, dự án trọng tâm, trọng điểm xóa đói giảm nghèo, có sức lan tỏa mạnh và lâu dài như: Phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, nước sạch, vệ sinh môi trường và đầu tư cho giáo dục, dạy nghề, chăm sóc sức khỏe cho người dân, nhất là đối với người dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.

Bài: Lê Thị Hạnh - Nhóm PV
Ảnh: Phạm Thu Huyền - Nhóm PV