Tái cấu trúc các tập đoàn KTNN vì mục tiêu phát triển của đất nước, đang và sẽ còn tiếp tục là vấn đề trọng tâm và bức xúc đối với Việt Nam.
>> Số tập đoàn NN sẽ chỉ... đếm đầu ngón tay
Những nút thắt
Thời gian qua, bên cạnh những thành công và đóng góp tích cực, các tập đoàn kinh tế nhà nước (TĐKTNN) của Việt Nam còn nhiều hạn chế, nhất là về phương hướng, mô hình hoạt động và hiệu quả đầu tư. Đặc biệt, đến nay, trong cơ chế quản lý các DNNN nói chung, tập đoàn KTNN nói riêng, vẫn đang tồn tại những "nút thắt" sau:
Thứ nhất, chưa thể chế hóa quản lý nhà nước đối với tập đoàn KTNN
Cho đến nay dường như vẫn còn mù mờ về vai trò của chủ sở hữu hoặc người đại diện chủ sở hữu; quyền chủ động điều hành sản xuất, kinh doanh của tập đoàn với yêu cầu đầu tư của Nhà nước vì lợi ích chung; vai trò và cơ chế trách nhiệm, quyền lợi của Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên.
Đặc biệt, sự phân cấp quản lý chưa thống nhất và rõ ràng, nhiều tầng nấc, khiến nhiều cấp có thể can thiệp trực tiếp, nhưng lại dễ thoái thác việc chịu trách nhiệm liên đới vào hoạt động của tập đoàn KTNN hoặc DN thành viên của nó.
Một số tập đoàn KTNN còn được trao chức năng có tính quản lý nhà nước về chuyên ngành, dẫn đến "hành chính nhà nước hóa" trong nội bộ tập đoàn, cũng như mối liên hệ với các DN khác và cả với chính quyền địa phương.
Thứ hai, chưa phân định rõ yêu cầu và cơ chế quản lý giữa hoạt động đầu tư vì lợi nhuận và phi lợi nhuận.
Trên thực tế, trong các tập đoàn đang có sự nhập nhằng giữa nguồn vốn hoạt động vì lợi nhuận với nguồn vốn hoạt động phi lợi nhuận. Trách nhiệm xã hội của các tập đoàn KTNN đối với ổn định kinh tế vĩ mô song hành, trùng lặp với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh. Điều này dẫn đến đầu tư của tập đoàn vừa bị phân tán, vừa dễ bị lạm dụng, kém hiệu quả.
Các tập đoàn đang có sự nhập nhằng giữa nguồn vốn hoạt động vì lợi nhuận với nguồn vốn hoạt động phi lợi nhuận. |
Thứ ba, chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh định hướng tái cấu trúc và giám sát hoạt động các tập đoàn. Nhà nước vẫn chưa tách bạch rõ ràng chức năng chủ sở hữu và chức năng quản lý về mặt nhà nước đối với các tập đoàn.
Hiện tại chưa có cơ quan nào là đầu mối giám sát và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của các tập đoàn. Từng tập đoàn vẫn thực hiện tái cấu trúc và hoạt động theo từng đề án được phê duyệt rời rạc, thiếu hoặc mờ nhạt các liên kết tổng thể....
Thực tế cho thấy, nhiều vấn đề phát sinh trong việc tổ chức, hoạt động của DNNN, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến việc thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước đối với DN còn chịu sự điều chỉnh của các văn bản dưới luật. Trong khi đó, pháp luật về DNNN không còn duy trì được tính đồng bộ và tính hệ thống.
Tóm lại, khung pháp lý về thí điểm thành lập, tổ chức hoạt động và quản lý, giám sát TĐKTNN chưa tạo thành một thể thống nhất, đồng bộ; chưa phù hợp với đặc điểm của TĐKTNN và gồm nhiều loại quy định khác nhau.
Nhiều nội dung liên quan đến thành lập, quản lý điều hành, nguyên tắc quản lý giám sát của chủ sở hữu nhà nước chưa được quy định cụ thể, lượng hóa, chi tiết hoặc chưa có hướng dẫn. Đồng thời vẫn có sự không rõ ràng giữa điều kiện để được thành lập và điều kiện để tồn tại là một TĐKTNN trong quá trình hoạt động.
Chưa có quy định về cơ chế tổ chức, phối hợp các đầu mối thực hiện quyền, nghĩa vụ chủ sở hữu nhà nước; việc quản lý, giám sát của chủ sở hữu và trách nhiệm của các cơ quan liên quan, nên khó có thể phát hiện nhanh, kịp thời những vấn đề của TĐKTNN để điều chỉnh. Chưa có quy định về giám sát việc thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước của các cơ quan, tổ chức, cá nhân được phân công thực hiện.
Một số TĐKT còn "rủ nhau" cùng thành lập công ty con, đồng thời sở hữu chéo của nhau, tất yếu sẽ hình thành nên những nhóm đặc quyền liên kết với nhau một cách chặt chẽ để tác động trở lại chính sách của các Bộ, ngành. Như vậy, làm cho sự kiểm soát của Nhà nước đối với những tập đoàn này trở nên vô cùng khó khăn.
Đổi mới tổ chức và hoạt động
Trên tinh thần Nghị quyết đẩy mạnh tái cơ cấu do Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành, cần đổi mới tổ chức và hoạt động của các tập đoàn KTNN theo hướng sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, kể cả CPH toàn tổng công ty. Giảm, thu hẹp tỷ trọng và giảm thiểu số lượng DN mà Nhà nước giữ cổ phần chi phối. Chỉ duy trì DN 100% vốn nhà nước trong một số hẹp danh mục ngành, lĩnh vực mà nhà nước cần độc quyền, giữ vị trí then chốt của nền kinh tế...
Dừng việc thành lập các TĐKTNN mang tính hành chính, không phù hợp với quy luật phát triển DN. Đánh giá, xem xét, sắp xếp lại những tập đoàn đã thành lập trong các năm qua.
Nghiên cứu sửa đổi ngay những quy định không phù hợp đang cản trở quá trình cổ phần hóa DNNN, trong đó trước hết liên quan đến vấn đề xác định giá trị DN, chọn đối tác chiến lược, bán cổ phần ưu đãi cho người lao động, tăng tính xã hội ngay trong công ty cổ phần.
Đồng thời, trong thời gian tới cần ưu tiên xây dựng các mô hình tập đoàn kinh tế đa sở hữu, đảm nhận vai trò chủ lực hạn chế trong nền kinh tế, được vận hành theo đúng quy luật và quy trình kinh tế, trên cơ sở sự tự nguyện thoả thuận liên kết, hợp tác giữa các pháp nhân độc lập.
Thứ hai, bãi bỏ hoặc giảm thiểu việc Chính phủ bảo lĩnh tín dụng hoặc cho vay chỉ định đối với DNNN; tạo áp lực buộc tất cả DNNN phải huy động vốn qua cơ chế thị trường. Chính phủ chỉ hỗ trợ tín dụng cho những DNNN hoạt động cung cấp hàng hóa công cộng, mà không thu hút được các thành phần kinh tế khác đầu tư hoặc thực hiện nhiệm vụ chính trị do Chính phủ giao.
Thứ ba, buộc tất cả các tập đoàn và TCT nhà nước phải công bố thông tin hoạt động, nhất là về tài chính như quy định đối với các DN niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Trong quá trình tái cấu trúc DNNN, mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, phải kiên quyết chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính (Hội nghị TW 3 yêu cầu hoàn thành trước năm 2015). Cùng với đó, tập trung phát triển DNNN trong những ngành, lĩnh vực quan trọng có ý nghĩa then chốt của nền kinh tế quốc dân, chủ yếu thuộc các chuyên ngành kinh tế, kỹ thuật liên quan đến kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, dịch vụ công, ổn định kinh tế vĩ mô.
Nghiên cứu chỉnh sửa giảm tỷ trọng xuống dưới 10%, thậm chí bãi bỏ sớm quy định hiện nay về cho phép DNNN được phép đầu tư "trái ngành" tối đa 30% tổng nguồn vốn đầu tư.
Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về thực hiện chức năng quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với DNNN, đặc biệt là quản lý đầu tư, tài chính, cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát và các quy định về cổ phần hóa, sắp xếp, đổi mới DNNN.
Sớm nghiên cứu thành lập một cơ quan ngang bộ để thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu (nhà nước) quản lý toàn bộ vốn kinh doanh của nhà nước; trên cơ sở đó xóa hoàn toàn cơ chế "chủ quản" hiện nay. Cơ quan này chịu sự giám sát trực tiếp của Quốc hội.
Cần có quy định về mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân và tập đoàn kinh tế đa sở hữu, nhằm tạo điều kiện đẩy nhanh quá trình hình thành, phát triển các nhóm DN tư nhân theo mô hình tập đoàn. Đồng thời, ban hành quy định về tiêu chí sử dụng cụm từ "tập đoàn", "tổng công ty" trong đặt tên DN để tương xứng với quy mô của DN, góp phần làm minh bạch hóa thông tin của DN.
Thứ năm, khẩn trương xây dựng Luật quản lý vốn Nhà nước hoặc Luật đầu tư công tạo cơ sở pháp lý cần thiết điều chỉnh bằng Luật đối với các hoạt động đầu tư công, trong đó có đầu tư của các tập đoàn và DNNN trong 2 dạng hoạt động vì lợi nhuận và phi lợi nhuận.
Cần xây dựng bộ tiêu thức phù hợp và chuẩn hóa để tạo căn cứ lựa chọn và thông qua các dự án đầu tư, bảo đảm hài hòa các mục tiêu kinh tế - xã hội, môi trường, cũng như các lợi ích quốc gia và địa phương, ngành, cụ thể và dài hạn.
Sử dụng chuyên gia trong nước và nước ngoài có trình độ và khách quan nhằm đánh giá, phản biện độc lập các tác động 2 mặt của dự án đầu tư công lớn. Làm tốt việc này sẽ hạn chế bớt những hoạt động đầu tư công gắn với lợi ích cục bộ, chủ quan và ngắn hạn của các quan chức.
Đặc biệt, cần có quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn năng lực, quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của người đứng đầu các tập đoàn; hoàn chỉnh và công khai cơ chế bổ nhiệm, thay thế lãnh đạo tập đoàn. Tái cơ cấu nhân lực cấp cao của tập đoàn cần được coi như một trong những đột phá thúc đẩy quá trình tái cấu trúc và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn trong thời kỳ tới.
TS.Nguyễn Minh Phong & Ths. Phan Minh Tuấn