Phát biểu tại tọa đàm “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia: Con đường tiếp cận vốn mới của doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh tại Việt Nam”, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú chỉ rõ việc thúc đẩy tài chính toàn diện là nội dung NHNN rất quan tâm.
Ngành ngân hàng luôn trăn trở việc làm thế nào để hỗ trợ người dân vùng sâu vùng xa, người yếu thế có sự hiểu biết về tài chính và có thể tiếp cận tài chính một cách bình đẳng. Tài chính toàn diện là một trong những giải pháp quan trọng để tiến tới mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới.
Ở góc nhìn rộng hơn, tài chính toàn diện là hỗ trợ cho người dân không chỉ tiếp cận vốn để phục vụ đời sống mà còn xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, đồng thời hỗ trợ nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ tiếp cận vốn, nhất là nguồn vốn ưu đãi, chính sách của Nhà nước.
Trong thời gian qua, để thực hiện mục tiêu này, ngành ngân hàng tăng cường các chương trình giáo dục tài chính toàn diện một cách tích cực, đầu tư kinh phí một cách thỏa đáng; tổ chức lại hệ thống ngân hàng, tài chính vi mô để giúp người dân tiếp cận vốn một cách dễ dàng, thuận lợi hơn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tuy nhiên, nghiên cứu của Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) dựa trên số liệu của WB chỉ ra rằng, nếu phân chia theo mức thu nhập (đối với nhóm cá nhân) và quy mô (đối với nhóm doanh nghiệp) thì bức tranh về tiếp cận dịch vụ tài chính trên quy mô toàn quốc có sự phân hóa đáng chú ý.
Với nhóm doanh nghiệp, tình hình sở hữu tài khoản kém hơn qua thời gian ở cả ba nhóm quy mô (nhỏ - vừa - lớn); khoảng cách về tiếp cận dịch vụ tài chính doãng rộng ra theo hướng bất lợi cho doanh nghiệp nhỏ. Đối với nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh (khoảng 5-6 triệu) khả năng tiếp cận tín dụng chính thức cũng rất hạn chế.
Đại diện của một số hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp tiên phong triển khai fintech cũng chia sẻ những kinh nghiệm trong việc ứng dụng công nghệ vào dịch vụ tài chính, giúp người dân ở các khu vực nông thôn và các nhóm yếu thế dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ tài chính.
Các doanh nghiệp cũng đề xuất Nhà nước cần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, cho phép các tổ chức tài chính và các công ty fintech cùng phát triển, đóng góp vào chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Kết luận tọa đàm, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, tài chính toàn diện là một công cụ quan trọng, giúp khai thác và sử dụng tối đa nguồn lực của đất nước. Tài chính toàn diện không chỉ giúp các đối tượng yếu thế và doanh nghiệp nhỏ tiếp cận dịch vụ tài chính mà còn là yếu tố thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, góp phần đưa Việt Nam tiến xa hơn trong quá trình hội nhập và phát triển. Với các giải pháp được đề xuất, tài chính toàn diện tại Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển, tạo nền tảng vững chắc cho một nền kinh tế công bằng, bền vững và bao trùm, nơi mọi người dân và doanh nghiệp đều có thể tiếp cận và tận dụng các dịch vụ tài chính một cách hiệu quả.