Một trong những tờ báo chính thống của Trung Quốc hôm qua (27/7) đã cáo buộc sự “ngạo mạn” của nhà chức trách khi xử lý vụ tai nạn tàu cao tốc thảm khốc cuối tuần trước.
Hoàn cầu thời báo, phụ trương của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã nêu bật so sánh đối lập giữa thái độ “quan liêu” của các quan chức và “sự dân chủ công khai” bùng nổ trên Internet trong một bài xã luận phê phán khác thường xuất bản cả ở phiên bản tiếng Anh và tiếng Trung.
"Họ (nhà chức trách) chỉ quen với
sự tán dương trong quá khứ. Khi đối mặt với một cuộc khủng hoảng, họ tin là có
thể giải quyết theo một cách quan liêu”, bài báo viết. "Tuy nhiên, dư luận của
Trung Quốc không thể đồng tình với chuyện này”.
Có quá nhiều câu hỏi đặt ra sau tai nạn tàu cao tốc thảm khốc ở Trung Quốc. Ảnh: smh |
Cộng đồng mạng đã dồn dập đưa ra những câu hỏi ngay sau khi tai nạn thảm khốc xảy ra tối thứ bảy trước, làm ít nhất 39 người tử nạn và gần 200 người bị thương ở gần thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang.
Họ yêu cầu được biết vì sao người lái tàu lại không được cảnh báo để dừng tàu đúng lúc mà lại đâm vào phía sau một đoàn tàu khác khi con tàu này gặp sự cố mất điện vì sét đánh phải dừng lại. Họ cũng hoài nghi về việc liệu số người tử nạn có cao hơn những gì mà nhà chức trách thông báo, rằng tại sao những toa tàu hỏng hóc rơi xuống đất từ một cây cầu cạn sau vụ va chạm lại có thông tin đã bị chôn vùi, và liệu hệ thống tàu cao tốc đang được phát triển quá nhanh, không thể kìm hãm.
Một cuộc thăm dò của Sina - phổ biến như mạng Twitter - thu hút hơn 35.600 người tham dự cho thấy, 97% người được hỏi không tin vào bất cứ thứ gì người phát ngôn Bộ Đường sắt nói ra sau vụ tai nạn.
Trong kết quả điều tra sơ bộ, đổ lỗi cho sét đánh gây ra hỏng hóc thiết bị và là nguyên nhân vụ tai nạn thảm khốc, người phát ngôn bộ này, Vương Dũng Bình, vẫn bày tỏ tin tưởng vào độ an toàn của đường sắt cao tốc Trung Quốc: "Các công nghệ Trung Quốc là hiện đại và chúng tôi vẫn tin điều đó".
Trong khi một số phương tiện truyền thông nhà nước nói lại ý của Vương, thì nhiều công dân mạng nước này tỏ ra hoài nghi về từng tuyên bố của ông, từ tổng số người tử nạn tới nguyên nhân vụ việc và gọi ông là bộ mặt của một bộ sa lầy vào những cáo buộc tham nhũng cũng như tắc trách. "Đây là mảnh đất màu mỡ cho nạn quan liêu và những quan chức máu lạnh nhất thế giới", một người dùng mạng tên là "chenjie" viết trên Sina.
Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu “đại tu khẩn cấp” mạng lưới đường sắt quốc gia và tuyên bố sẽ bồi thường 500.000 nhân dân tệ (78.000 USD) cho mỗi nạn nhân.
Họ cũng đã sa thải ba quan chức cấp cao ngành đường sắt nhưng động thái này không làm lắng dịu nỗi tức giận của người dân Trung Quốc, nơi các vụ tai nạn chết người thường xuyên xảy ra, và luôn có sự đảm bảo của chính phủ về việc sẽ tăng cường chuẩn an toàn.
"Chỉ khi Bộ Đường sắt nhún nhường và chân thành xin lỗi người dân, họ mới có thể xoa dịu nỗi tức giận và lấy lại hình ảnh của mình”, bài xã luận của Hoàn cầu thời báo nhấn mạnh.
Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã ra lệnh điều tra nhanh chóng và minh bạch vụ tai nạn tàu cao tốc. Ông cũng cam kết Chính phủ sẽ thực thi các biện pháp an toàn "kiên quyết" sau sự cố này. |