Đó là câu hỏi từ con gái của bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy, bác sĩ chính của đội tuyển U23 Việt Nam. Một câu chuyện nhỏ của một người thầm lặng trong một tập thể thành công.
“Hôm về nhà, vợ tôi có nói chuyện lại rằng, cả gia đình đều xem truyền hình trực tiếp của VTV và Gala mừng công sau đấy. Con gái có hỏi vợ tôi là “Sao toàn thấy đọc tên các cầu thủ mà không đọc tên của bố ạ. Bố là người tuyệt vời như thế cơ mà?”, bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy (áo đen) đã gắn bó với các cầu thủ đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam nhiều năm qua. |
Bác sĩ Thủy thừa nhận có chút chạnh lòng khi nghe cô con gái nhỏ hỏi như vậy nhưng cũng rất nhanh, anh trở lại với suy nghĩ đầy chín chắn: “Tôi luôn luôn nghĩ rằng công việc của chúng tôi là chăm sóc cho các cầu thủ sao cho tốt nhất. Tôi là một trong những người đứng trong cánh gà. Mỗi lần ký áo, tôi luôn lật mặt trái của áo để ký, không bao giờ tôi ký ở mặt phải. Tôi luôn luôn là người đứng sau cầu thủ, HLV, để chăm sóc cho mọi người có thể lực và tâm lý tốt nhất. Chỉ vậy thôi”.
Bác sĩ Trọng Thủy là người gắn bó sâu sắc với đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam nhiều năm qua. Thế nhưng, chỉ đến khi U23 Việt Nam đạt được thành công như hiện tại, vị bác sĩ này mới có cơ hội nói lên suy nghĩ của bản thân. Ngoài bác sĩ Thủy, hai phụ tá giúp anh trong suốt quãng thời gian qua là bác sĩ Phạm Văn Minh và Tuấn Nguyên Giáp. Bên cạnh đó, anh làm việc với nhiều chuyên gia nước ngoài từ ông Martin Forkel, Pablo Sawicky và giờ là ông Bae Ji Won.
Gala vinh danh U23 Việt Nam quên các bác sỹ. |
Bác sĩ Thủy kể lại những ngày đầu làm việc cùng HLV Park Hang Seo tại đội tuyển U23 Việt Nam. “HLV Park có nói trong 90 phút thi đấu, cầu thủ sẽ chạy với quãng đường trên dưới 10km tùy từng vị trí. Bứt tốc thì khoảng 50- 70 lần chưa tính những cú đánh đầu, xoạc bóng, tì đè,…”.
Cái đó bắt buộc phải có thể lực, không có thì không thể làm được những việc như thế. Chuẩn bị cho điều đó, chúng tôi làm việc với BHL trước khi tập trung nửa tháng. Từ những việc rất nhỏ nhưng tôi nghĩ rất quan trọng. Tôi đề xuất với BHL và VFF những việc như tẩy giun cho cầu thủ, tiêm phòng cúm cho tất cả thành viên của đội tuyển cho đến việc bổ sung vitamin, chất dinh dưỡng đặc biệt, từng buổi tập sẽ có phác đồ cụ thể”, anh chia sẻ.
Nhóm bác sĩ và chuyên gia thể lực thường làm việc đến 2, 3 giờ sáng mới xong việc. Họ trị liệu, mát-xa cho các cầu thủ đến 23h30 là muộn nhất. Sau khi để các cầu thủ về phòng nghỉ ngơi, họ tiếp tục chuẩn bị cho công việc của ngày mai, chuẩn bị đồ dùng cho buổi tập vào hôm sau, cũng như lên kế hoạch hồi phục cho từng cầu thủ trong đội.
Anh là nhân vật rất quan trọng trong đội nhưng trong một tập thể bóng đá, việc anh ít được nhắc đến không còn là điều lạ. |
Làm việc trung bình 16 giờ đồng hồ/ngày, bác sĩ Thủy cho rằng đó là điều bình thường khi toàn đội đang nỗ lực. Anh cũng cảm ơn BHL đã luôn có những lời động viên cho anh em đội ngũ y tế.
Bác sĩ Thủy chia sẻ: “Thỉnh thoảng HLV Park có xuống phòng y tế chơi. HLV Park rất vui tính. Chúng tôi cũng có những kiểu đùa như đổi họ thành Park Nguyên Giáp hay là Park Văn Minh. Mấy anh em cứ trêu đùa nhau như vậy.
HLV Park có nói với tôi là thấy má tôi hóp lại như thế khiến ông rất đau lòng. Ông ấy đưa hai ngón tay chỉ vào má rồi đặt vào tim để thể hiện điều ấy. Sau đó, ông ấy thường mang đến những đồ ăn của Hàn Quốc mang sang cho chúng tôi”.
Theo Webthethao