Giá iPhone tại ba hệ thống lớn như FPT Shop, Viễn Thông A, Thế Giới Di Động, và nhiều cửa hàng khác luôn giữ được sự ổn định. Chênh lệch nếu có giữa các nhà bán lẻ này không nhiều, chỉ vài trăm ngàn đồng là cao nhất. Tuy vậy thi thoảng vẫn có những nguồn máy được bán giá rẻ hơn mức thị trường chung do 3 ông lớn này đưa ra. Vì sao như vậy? Ông Trương Hồng Hoàng, Giám đốc mua hàng ngành hàng Viễn Thông của Thế Giới Di Động đã trả lời ICTnews.

Nguồn hàng iPhone chính hãng tại Việt Nam hiện nay được nhập về qua các nhà phân phối được Apple ủy quyền. Tuy nhiên, hai hệ thống bán lẻ lớn tại Việt Nam là FPT Shop, Thế Giới Di Động được quyền nhập thẳng từ Apple mà không qua nhà phân phối, để bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ của họ.

Từ trước đến nay, hầu hết mọi người vẫn cho rằng nguồn hàng được Apple ủy quyền chính thức cho nhà bán lẻ, nhà phân phối tại Việt Nam bán ra mới gọi là hàng chính hãng, ngược lại là hàng xách tay – thường có giá rẻ hơn và không được bảo hành bởi nhà bảo hành được ủy quyền. Tuy nhiên ông Hoàng cho rằng, tất cả các máy bán ra tại Việt Nam đều được gọi là hàng chính hãng, do đều được sản xuất bởi Apple. Sự khác biệt giữa chúng, theo ông Hoàng, chính là nguồn gốc xuất xứ.

Hai nhà bán lẻ tại Việt Nam như đã nói, là Nhà bán lẻ được chứng nhận ủy quyền chính thức từ Apple (AAR - Apple Authorised Resellers). Nguồn hàng iPhone mà Thế Giới Di Động và FPT Shop và nhiều cửa hàng khác bán là hàng hóa phù hợp với thị trường Việt Nam, bản quốc tế có mã Part No là VN/A. Ngoài ra, tên sản phẩm, năm sản xuất, thành phần của máy đều có in rõ tiếng Việt trên hộp máy, sách hướng dẫn được Việt hóa hoàn toàn.

Các máy này được bảo hành tại tất cả các điểm bảo hành ủy quyền chính thức của Apple tại Việt Nam - ASP (Apple Authorised Service Provider).

Đại diện Thế Giới Di Động cho biết các nguồn hàng iPhone do các công ty khác nhập về nếu không phải là ủy quyền của Apple Việt Nam sẽ có các mã Part No sau: LL/A: dành cho thị trường Mỹ; ZP/A: Hồng Kông; ZA/A: Singapore; TH/A: Thái Lan.

Để nhận diện, người dùng có thể tìm thông tin bên ngoài hộp máy, có mã ghi VN/A là hàng dành cho thị trường Việt Nam, các tên mã khác là hàng dành cho nước khác. Ngoài ra, mở máy lên, vào phần Cài đặt > Cài đặt chung > Giới thiệu > Kiểu máy. Nếu tìm thấy ở đuôi dãy số là LL/A thì chắc chắn máy dành cho thị trường Mỹ, nếu máy dành cho thị trường Việt Nam thì sẽ là VN/A.

Trả lời về việc vì sao cũng là máy iPhone chính hãng nhưng có nơi bán giá thấp hơn giá mà ba hệ thống lớn đang bán, ông Hoàng nói chỉ có những nhà bán lẻ nhập khẩu không phải là hàng Apple dành cho thị trường Việt Nam thì mới có khả năng bán giá thấp hơn, đây có thể là hàng không rõ nguồn gốc, trôi nổi, bản khóa mạng.

Hàng dành cho thị trường Việt Nam thì các thông số kỹ thuật đều được Apple tính toán cho phù hợp với thị trường Việt Nam về thời tiết, băng tần, v.v…, ông Hoàng trả lời.

Mặc dù nói rằng mức giá giữa các nhà bán lẻ được ủy quyền là không chênh lệch nhiều, nhưng vị đại diện Thế Giới Di Động cho biết điều này là do các hệ thống tự điều chỉnh giá cho phù hợp, chứ không phải do Apple quy định mức giá bán ra. Apple hiện nay không quy định về mức giá bán thấp nhất, chỉ quy định giá cao nhất không quá 10% trên giá nhập vào. Nhà bán lẻ được quyền giảm giá, khuyến mại trên giá bán, thậm chí nhà bán lẻ ủy quyền có thể chủ động bán lỗ, thấp hơn giá đầu vào.

Như vậy có thể hiểu rằng, mức giá iPhone tại các nhà bán lẻ lớn hiện nay sát giá nhau là do chính các nhà bán lẻ điều chỉnh, họ hoàn toàn có thể bán giá thấp hơn các nhà khác mà không bị Apple “thổi còi”. Tuy vậy, ông Hoàng cho biết nếu là nhà bán lẻ ủy quyền từ Apple thì họ hiểu được việc phá giá không hiệu quả cho việc kinh doanh, vì lợi nhuận của sản phẩm Apple khá thấp.

Apple không có chính sách bảo vệ giá, do đó để đối phó với các nơi bán hàng giá rẻ hơn, đại diện Thế Giới Di Động cho rằng các nhà bán lẻ sẽ đưa ra nhiều dịch vụ cộng thêm như chương trình trả góp, mà nhà bản lẻ đã chịu phí thay cho khách hàng, nếu tính chi phí này thì cũng ngang với việc chênh lệch giá với máy nhập không nguồn gốc; hoặc tặng phiếu mua hàng hay giảm tiền trực tiếp cho khách hàng.