Ngày 2/3, sau một ngày làm việc trở về nhà, chị Hoàng Hải (Cầu Giấy, Hà Nội) cảm giác cơ thể mệt mỏi, ớn rét dù lúc đó nhiệt độ trong phòng là 23 độ C. Chị nhanh chóng mặc thêm áo khoác, đắp chăn nhưng vẫn không giảm được cảm giác rét buốt trong người.
Ngày hôm sau, chị tiếp tục xuất hiện các triệu chứng ho, đau rát họng và sốt. Do trước đó không có lý do dẫn đến cảm cúm như mắc mưa, thay đổi thời tiết... nên chị đoán mình đã mắc Covid-19. Chị Hải test nhanh tại nhà nhưng kết quả vẫn 1 vạch (âm tính). Sau 3 ngày sốt liên tục và dù đã đầy đủ các triệu chứng của Covid-19, kết quả test nhanh của chị vẫn là âm tính.
Tương tự, gia đình chị Hoài Anh (Hoàng Mai, Hà Nội) có con trai mắc Covid-19. Khi bản thân xuất hiện các triệu chứng như đau họng, sốt, mệt mỏi, chị Hoài Anh tự làm test nhanh. Dù test 2 lần với các ngày cách nhau nhưng chị vẫn chỉ nhận kết quả âm tính. Chị Hoài Anh gọi dịch vụ test PCR về tận nhà, kết quả mới là dương tính.
Tình trạng dù đầy đủ các triệu chứng nhưng vẫn có kết quả âm tính xảy ra với không ít người. Theo bác sĩ Huynh Wynn Trần, Phó giáo sư Y khoa tại Đại học Y khoa Northstate California, Mỹ, tình trạng âm tính giả không hiếm và từng xuất hiện ở Mỹ vào tháng 1 khi làn sóng biến chủng Omicron diễn ra ở nước này.
Tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 vẫn là chìa khóa quan trọng để đối phó với dịch bệnh này dù ở biến chủng nào. |
Bác sĩ Huynh Wynn Trần cho biết, với làn sóng Omicron đang đổ bộ vào Việt Nam, tình trạng âm tính giả khá phổ biến khi thực tế có nhiều bệnh nhân có triệu chứng giống như Covid-19, xét nghiệm âm tính nhưng khi gửi đi xét nghiệm PCR phần lớn đều dương tính. Lý do xuất hiện tình trạng âm tính giả được bác sĩ giải thích với 4 nguyên nhân.
Thứ nhất, do mật độ virus trong cơ thể người bệnh. Với người đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19, cơ thể đã có kháng thể đặc hiệu. Khi bị nhiễm virus, ngay lập tức, cơ thể phản ứng chống lại virus này. Như vậy mật độ virus sẽ thấp hơn bình thường.
“Do mật độ virus thấp nên khi chúng ta test nhanh tìm kháng nguyên, không thể tìm được. Ví dụ đơn giản như chúng ta bắt cá trong hồ, do ít quá, bạn thả lưới nhưng không tìm thấy cá. Khi cá nhiều hơn, bạn thả lưới mới có thể tìm thấy”, bác sĩ Huynh Wynn Trần phân tích.
Lý do thứ 2 là vị trí lấy mẫu xét nghiệm sai. Nghiên cứu chỉ ra rằng, khi mắc Omicron, chúng ta thường bị đau rát họng, nhức đầu - nhiều vị trí phần trên của hệ hô hấp. Vì vậy, bạn nhiễm Omicron sẽ có virus nhiều ở họng, nước bọt hơn là ở mũi. Nếu xét nghiệm tìm virus ở mũi sẽ không có kết quả. Điều này khiến cho không ít người mặc dù nhiễm nhưng xét nghiệm vẫn âm tính.
Thứ 3 là do sai kỹ thuật xét nghiệm, đây là nguyên nhân quan trọng nhất. Theo bác sĩ Huynh Wynn Trần, muốn xét nghiệm đúng, người tiến hành xét nghiệm phải cho que lấy mẫu vào đúng vị trí. Nếu que lấy mẫu vào chưa đủ sâu, kỹ thuật sai sẽ không tìm thấy virus dẫn đến kết quả sai.
Thứ 4, lý do cuối cùng, là chúng ta dùng loại test chất lượng kém. Hiện có nhiều loại test nhanh và hiệu quả khác nhau nên cũng làm tăng tỷ lệ âm tính giả. “Tôi đã nhiều lần nhấn mạnh tác hại của việc dùng que test nhanh kém chất lượng, khi làm bỏ sót các ca bệnh”, anh nói.
Cũng theo bác sĩ Huynh Wynn Trần, một nghiên cứu gần đây chỉ ra, ở biến thể Delta, khả năng dò tìm, độ nhạy với test nhanh là 81%. Tức là 100 người bệnh mắc Covid-19, test nhanh sẽ tìm ra được 81 người mắc. Nhưng tỷ lệ này với Omicron chỉ 30%. Vì vậy, phần lớn chúng ta khi có triệu chứng và test nhanh sẽ âm tính.
Khi có triệu chứng, lúc đầu xét nghiệm có thể cho kết quả âm tính giả nhưng 1-2 ngày sau có thể sẽ dương tính. Vì vậy, khi có đủ các triệu chứng của Covid-19 thì người bệnh vẫn cần tự cách ly để đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Mọi người cần chữa bệnh theo triệu chứng chứ không chữa theo xét nghiệm, bác sĩ Huynh Wynn Trần cho biết.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cũng nhận định, một số người đã mắc Omicron nhưng kết quả test nhanh lại âm tính là do “test nhanh không nhạy với biến chủng này”. Kit test nhanh có độ nhạy kém hơn xét nghiệm PCR, vì vậy nồng độ virus trong cơ thể phải cao, test nhanh mới phát hiện dương tính. Dẫn đến tình trạng không ít người có triệu chứng Covid-19 rõ ràng như ho, đau rát họng, người gai rét, ớn lạnh, song test nhanh nhiều lần đều âm tính trong khi xét nghiệm PCR dương tính.
Tuy nhiên các bác sĩ cũng phân tích, cũng có thể do các nguyên nhân khác bao gồm chất lượng kit test, kỹ thuật xét nghiệm chưa chính xác hoặc phụ thuộc vào thời điểm lấy mẫu.
Trong bối cảnh Omicron đã phổ biến ở các tỉnh, thành, nhất là Hà Nội và TP.HCM, thay thế dần biến thể Delta, các bác sĩ, chuyên gia vẫn cho rằng, biện pháp quan trọng nhất là người dân phải tiêm đủ 3 liều vắc xin. Khi xuất hiện các triệu chứng của Covid-19, người dân nên chữa trị theo các triệu chứng, trường hợp dùng các loại kháng virus cần có sự hướng dẫn, khuyến cáo của bác sĩ.
Ngọc Trang
Omicron đã phổ biến trên cả nước, riêng Hà Nội ghi nhận ở 20/30 quận huyện
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 ngày 5/3, Bộ Y tế cho biết biến thể Omicron đang có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây.