Theo kết quả từ nghiên cứu, bố mẹ càng can thiệp vào việc làm bài tập về nhà của con, trẻ càng mất niềm cảm hứng học tập. Những đứa trẻ có bố mẹ ngồi kè kè bên cạnh và nói cho con phải làm như thế nào, kiểm soát từng hành động và thậm chí làm bài tập hộ con sẽ là những đứa trẻ có động lực học kém nhất. Ngược lại, những đứa trẻ không bị bố mẹ thúc ép, yêu cầu phải làm gì sẽ có niềm khao khát học điều mới lạ.
Làm cha mẹ, hãy cố gắng nới lỏng sự kiểm soát và chỉ giúp nếu con cần. Trong trường hợp con hỏi, cha mẹ nên giải thích cho đứa trẻ những gì chúng không hiểu nhưng không nên làm thay cho chúng.
Nếu trẻ không thể làm bài tập về nhà, nhà tâm lý học Lyudmila Petranovskaya khuyến cáo hãy đánh vào cảm xúc của chúng: thừa nhận rằng chúng có quyền không muốn viết lại đoạn nhàm chán đó hoặc viết cùng một chữ 10 dòng liên tiếp. Sau đó, dạy cho chúng cách đối phó với cảm xúc khó chịu lúc đó và làm thế nào để hoàn thành một nhiệm vụ khó khăn.
Ảnh minh họa. |
Hãy trở lại với mục đích kèm con học bài. Mục đích kèm con làm bài tập là mong muốn hai điều: năng suất cao, chất lượng cao.
Chính vì thế vừa nhìn thấy con trẻ lề mề hoặc không nghiêm túc, liền nói với trẻ rằng phải tranh thủ thời gian, phải chăm chú làm. Ngày ngày kèm con học, những câu nói này gần như ngày nào cũng nói, vì gần như mọi đứa trẻ đều không thể ngồi yên một chỗ một lúc lâu, hầu hết cũng không thể làm bài tập thật trơn tru.
Lúc đầu trẻ còn để ý đến lời của bố mẹ, thời gian dài sẽ không để tâm nữa, điều này khiến phụ huynh tỏ ra bực bội khi nói, trẻ liền bắt đầu tỏ ra chống đối bố mẹ, và thế là sự việc bắt đầu rơi vào vòng tuần hoàn xấu.
Bản tính của con người là theo đuổi sự tự do, bất kỳ công việc nào mà trẻ thích làm, khi nó biến thành một công việc bị giám sát để hoàn thành, khiến người ta cảm thấy không tự do, niềm hứng thú ẩn chứa trong đó sẽ hoàn toàn không còn nữa. Thời gian bố mẹ kèm con học càng dài, vai diễn mà họ đóng càng giống giám sát viên.
Và trẻ sẽ không bao giờ thích một giám sát viên, cùng lắm bề ngoài chúng tỏ ra phục tùng, nhưng trong lòng lại tuyệt đối không chịu nghe lời anh ta. Chính vì thế, kèm con làm bài tập, không thể bồi dưỡng thói quen tốt cho trẻ, mà là phá vỡ một thói quen tốt.
Bạn hỏi rằng, thế nếu trẻ không hoàn thành bài thì sao? Câu trả lời là: một vài hôm như thế cũng chẳng sao cả. Thông thường trẻ nào cũng sợ giáo viên và không muốn mình thua kém bạn bè. Bạn có thể nói trước với cô giáo về cách rèn trẻ ở nhà của bạn, và nhờ cô kiểm tra bài của con bạn. Bạn cũng nên nhờ cô giáo nhắc nhở con nhẹ nhàng nhưng nghiêm túc rằng: "Lần sau con cần phải hoàn thành bài tập trước khi đến lớp!".
Một thắc mắc nữa: thế nếu trẻ chỉ làm bài cho xong mà không quan tâm tới chất lượng bài thì sao? Câu trả lời cũng như ở câu hỏi trên: chẳng sao cả. Hãy để chuyện đó xảy ra để giáo viên có cơ hội nhận xét và yêu cầu trẻ có ý thức làm bài cẩn thận.
Bạn có thể vẫn thấy không yên tâm nếu giao toàn bộ việc học cho con. Đừng lo, vẫn có những việc ta có thể giúp con: Ở giai đoạn đầu, bạn có thể giúp trẻ tổng hợp các yêu cầu bài tập trong ngày vào đầu giờ tự học. Bạn giao hẹn khi nào con cần hỏi gì thì con có thể ra đâu để hỏi bố mẹ. Sau khi con học xong, con ra bố mẹ kiểm tra để xem kết quả tự học của con ra sao, con có cần giúp đỡ hay điều chỉnh gì không.
Nếu hết giờ tự học mà con vẫn chưa xong bài, con vẫn phải gấp sách vở để đi ngủ (nếu bài thực sự nhiều, con chưa xong thì thêm cho con tối đa là 15 phút để hoàn thành, sau đó sẽ điều chỉnh lượng thời gian vào ngày hôm sau sao cho hợp lý).
Làm cách này không có nghĩa là bố mẹ không quan tâm tới việc học của con. Trái lại, bạn cần quan tâm nhiều hơn, hiểu trẻ nhiều hơn, và cần phối hợp với giáo viên của con chặt chẽ hơn. Sau một thời gian, trẻ sẽ học được cách sắp xếp kế hoạch học tập hợp lý; và rèn thói quen làm việc tập trung, nghiêm túc dù không có ai giám sát.
Theo Gia đình và Xã hội
Cha mẹ già ở Nhật sốt sắng vì con U40 không chịu hẹn hò
Nhiều phụ huynh Nhật Bản thay con đi xem mặt, ghi danh tham dự các sự kiện hẹn hò, mai mối với hy vọng tìm được chàng rể, nàng dâu ưng ý.