- "Trên 10 đoàn thanh tra, kiểm toán vào Vinashin, Vinalines mà không phát hiện, sau đó cơ quan điều tra vào phát hiện sai phạm. Vậy trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước như thế nào? - Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền chất vấn tại QH.
Ông Quyền phát biểu tại thảo luận hội trường về luật Kiểm toán Nhà nước sửa đổi sáng nay.
Thẩm quyền lớn, kiểm toán dễ thành "ngáo ộp"
Chất vấn trách nhiệm của cơ quan Kiểm toán Nhà nước (KTNN), Phó chủ nhiệm UB Tư pháp lo ngại thẩm quyền chuyển cơ quan điều tra trong trường hợp có dấu hiệu tội phạm là thẩm quyền rất lớn của KTNN.
"Nếu không quy định chặt chẽ thì nó trở thành con "ngáo ộp" chỉ cần rung lên cái thôi thì các đơn vị bị kiểm toán phải chạy đến và dễ phát sinh tiêu cực" - ông nói.
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền: Thẩm quyền lớn, cơ quan kiểm toán dễ thành "ngáo ộp" |
Theo ông, quy định về thẩm quyền và nhiệm vụ của KTNN chuyển cơ quan điều tra, VKS trong trường hợp có dấu hiệu tội phạm như trong dự luật là còn chung chung, không rõ trách nhiệm của KTNN.
Quyền lớn thì trách nhiệm phải nặng
“Tôi đề nghị trong trường hợp KTNN biết được hoặc pháp luật bắt buộc phải biết có dấu hiệu tội phạm thì buộc phải chuyển cơ quan điều tra. Đây là thẩm quyền rất lớn, phải quy định chặt chẽ nếu không dễ lạm quyền”, ông cảnh báo.
Tiếp mạch trách nhiệm của KTNN, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đặt giả thiết trường hợp kiểm toán xong không tìm ra sai sót, nhưng sau đó chủ đơn vị này bị bắt và chịu hết trách nhiệm. Như vậy kiểm toán không chịu trách nhiệm gì?
ĐB Nguyễn Bá Thuyền: Làm sai chắc chắn kiểm toán biết rất rõ |
Hoặc kết quả kiểm toán một doanh nghiệp không có vấn đề gì nhưng chỉ thời gian ngắn thì doanh nghiệp này bị đổ bể, hậu quả pháp lý tài sản tiền bạc của nhà nước của dân mất đi nhiều thì trách nhiệm của kiểm toán đến đâu?
"Tôi đề nghị trách nhiệm của kiểm toán phải rõ ràng”, ông Thuyền nói đồng thời đưa ra ví dụ ở Lâm Đồng có công ty xổ số năm nào cũng kiểm toán nhưng không thấy gì, nhưng công an vào bảo làm sai.
“Làm sai, cố ý làm trái chắc chắn kiểm toán biết rất rõ. Nếu như người ta bị khởi tố, bắt giam thì kiểm toán có là đồng phạm? Đề nghị nghiên cứu vấn đề này để quy trách nhiệm cho kiểm toán, nhiệm vụ quyền hạn anh lớn như thế phải gắn với trách nhiệm", ông Thuyền lưu ý.
Phải là "tấm gương"
ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đề nghị quy định giá trị báo cáo kiểm toán phải thể hiện trách nhiệm của kiểm toán, nếu quy định như dự thảo luật dễ dẫn tới cách hiểu kế toán, KTNN không có trách nhiệm với các kết luận kiến nghị của mình.
ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu) cũng cho rằng nếu không quy định giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán sẽ phát sinh thêm các thủ tục xem xét báo cáo, làm chậm quá trình khắc phục các sai phạm, ảnh hưởng đến tính nghiêm minh, kỉ luật tài chính.
ĐB Bùi Đức Thụ: Báo cáo kiểm toán phải có giá trị pháp lý |
Phó Chánh án TAND TP.HCM Huỳnh Ngọc Ánh đồng tình giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán phải được xem là căn cứ để xác định trách nhiệm hình sự và các trách nhiệm khác.
“Trong quá trình điều tra truy tố chúng ta mất nhiều thời gian để giám định thiệt hại về mặt kinh tế. Nếu không quy định giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán kiểm toán thì cơ quan công an phải trưng cầu giám định tư pháp, rất mất thời gian”, ông phân tích.
Phó chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Phúc cũng nhấn mạnh kết luận kiểm toán giống như tấm gương để những người bị kiểm toán nhìn vào đấy sửa đổi lại mình nên phải bắt buộc xem xét trả lời và thực hiện.
Thu Hằng - Ảnh: Minh Thăng