Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng xem giới thiệu về sản phẩm bo mạch điện tử do Việt Nam sản xuất. Ảnh: Hoàng Hà. |
Một số bạn hỏi rằng sáng kiến quốc gia Make in India đã đem lại ích lợi gì cho Ấn Độ, nước đông dân thứ nhì thế giới với 1,3 tỷ người? Đây là một sáng kiến được Chính phủ Ấn Độ khởi xướng vào tháng 9/2014 với mục tiêu chuyển Ấn Độ thành một trung tâm sản xuất toàn cầu (global manufacturing hub). Nó cổ vũ các nhà sản xuất nội địa và nước ngoài sản xuất sản phẩm của họ ở Ấn Độ và tăng vốn đầu tư vào Ấn Độ. Toàn bộ hệ thống chính trị (nói theo cách của ta) được huy động phục vụ cho sáng kiến này, từ chính sách, luật định tới cơ sở hạ tầng và tinh thần của toàn dân.
Make in India bao trùm 25 lĩnh vực kinh tế Ân Độ, cho phép FDI tới 100% ở 22 lĩnh vực, chỉ ngoại trừ công nghiệp không gian vũ trụ (giới hạn FDI 74%), công nghiệp quốc phòng (49%), và truyền thông - media of India (26%).
Kết quả là ngay năm sau, 2015, Ân Độ đã nổi lên thành một điểm đến hàng đầu toàn cầu về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đạt 60 tỷ USD FDI, vượt qua cả Mỹ và Trung Quốc. Sau khi phát động tới năm 2016, sáng kiến Make in India đã giúp nước Nam Á này thu hút được các cam kết đầu tư tới 230 tỷ USD.
Kết hợp các sáng kiến thu hút đầu tư và kích thích sản xuất lại, vào cuối năm 2017, Ấn Độ nhảy lên 42 bậc trong bảng xếp hạng chỉ số Ease of doing business index (có nguồn nói chỉ số này của World Bank 2017 xếp Ân Độ ở vị trí 100/190 nước, tăng 30 bậc); nhảy lẻ 32 bậc trên bảng chỉ số tính cạnh tranh toàn cầu Global Competitiveness Index của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum), 19 bậc trên bảng chỉ số hậu cần Logistics Performance Index.
Sở dĩ Ấn Độ Make in India được là vì cả nước họ thật sự hành động chứ không phải chỉ hô hào, hô khẩu hiệu, nói suông. Cả nước cùng vào trận!
Tất nhiên Make in India chỉ có giá trị trong một giai đoạn và bối cảnh nào đó. Nó tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Nó không phải là chiếc đũa thần biến không thành có. Một số chuyên gia nói năm 2018 nó yếu đi rồi. Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UN Conference on Trade and Development, UNCTAD) trong báo cáo đầu tư World Investment 2018 ghi nhận vốn FDI ở Ân Độ đã giảm từ 44 tỷ USD trong năm 2016 xuống còn 40 tỷ USD trong năm 2017 và chỉ chiếm 1,2% trong tổng vốn đầu tư.
Chính phủ Trung Quốc năm 2015 đã đưa ra kế hoạch chiến lược "Made in China 2025" với mục tiêu nâng cấp toàn diện nền công nghiệp (chủ yếu các lĩnh vực công nghệ cao) của nước này lấy cảm hứng từ sáng kiến Công nghiệp 4.0 của Đức. Trung Quốc đặt ra mục tiêu vào năm 2025 có thể tăng tỷ trọng sản phẩm nội địa lên 70% trong một số ngành công nghiệp trọng yếu.
Tôi không phải là một chuyên gia tiếng Anh. Vì thế, tôi thật sự không hiểu khi thấy có những bạn khẳng định viết "Make in India" là sai ngữ pháp tiếng Anh. Tôi chỉ hiểu ở mức vỡ lòng đây là một câu mệnh lệnh với "make" là động từ nguyên thể, "in" là giới từ, và "India" là danh từ chỉ nơi chốn.
Do "Make in" không phải là một động từ kép (phrasal verb) mà chỉ là 2 từ riêng, nên bạn không thể tra ra nó trong bất cứ từ điển nào. Nhưng nào phải vì không thể tìm được cụm "make in" trong từ điển mà ta có thể phán quyết là nó sai, không hề có trong tiếng Anh.
Cũng có bạn lâu nay quen với thuật ngữ chỉ xuất xứ (sản phẩm) đã trở thành chuẩn quốc tế "Made in..." nên cho rằng "Make in..." là sai chánh tả - “lỗi thằng đánh máy”. "Made in India" là thuật ngữ có nghĩa "được sản xuất ở Ấn Độ". Còn "Make in India" là một khẩu hiệu, một slogan, một lời kêu mời có nghĩa "hãy sản xuất ở Ấn Độ".
Tôi bỗng dưng nhớ câu slogan tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016 của nhà tỷ phú Donald Trump là "Make America Great Again" (hãy làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại).