Các cơ quan chính quyền Mỹ cho rằng ứng dụng đang rất hot này có thể đe dọa đến sự an nguy của Mỹ.
TikTok là một mạng xã hội, nơi người dùng tạo ra những đoạn video ngắn theo điệu nhạc. Trước đây được gọi là Musical.ly, nền tảng này được công ty ByteDance của Trung Quốc mua lại vào năm 2017.
Là ứng dụng nước ngoài đầu tiên thực sự trở nên phổ biến tại Mỹ, TikTok đã ảnh hưởng khá nhiều đến văn hóa đại chúng, biến nhiều nhạc sỹ vô danh thành những ngôi sao dẫn đầu bảng xếp hạng và những cô cậu nhóc tuổi teen thành những người nổi tiếng bé nhỏ.
Vậy vấn đề với TikTok là gì?
Có một số thông tin cho biết Nhà nước Hồi giáo IS sử dụng ứng dụng này để tuyên truyền Thánh chiến. Một cuộc điều tra được tiến hành bởi tờ The Guardian (Anh) cho thấy TikTok kiểm duyệt những đoạn video mà chính phủ Trung Quốc không tán đồng, bao gồm video về những người Tây Tạng đòi quyền tự trị.
Một số chuyên gia lo sợ rằng TikTok sẽ chia sẻ dữ liệu về người dùng tuổi teen tại Mỹ với chính phủ Trung Quốc hoặc trở thành một kênh truyền tải thông tin sai sự thật do nước ngoài điều khiển.
Ba thượng nghị sỹ Mỹ - Marco Rubio, Chuck Schumer và Tom Cotton – từng kêu gọi chính phủ Mỹ tổ chức một cuộc điều tra về TikTok. Và hiện nay, Ủy ban đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) cũng đang xem xét lại tính đúng đắn trong thương vụ thâu tóm Musical.ly của ByteDance hai năm về trước.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Sẽ có một loạt các lựa chọn, bắt đầu bằng việc kiểm tra hành vi sử dụng dữ liệu của ByteDance. Công ty này còn có thể bị buộc phải bán bộ phận kinh doanh tại Mỹ cho một công ty khác không thuộc sở hữu của Trung Quốc – giống như cách mà công ty mẹ của Grindr từng bị yêu cầu bán lại ứng dụng bởi nắm giữ trong tay quá nhiều dữ liệu nhạy cảm. Một điểm khác biệt lớn là Grindr có quy mô nhỏ hơn nhiều so với TikTok, nên việc tìm người mua lại sẽ khó hơn.
Lựa chọn quyết liệt hơn là cấm ứng dụng hoạt động – có thể đối với một nhóm người dùng nhất định, như các quân nhân chẳng hạn, hoặc cấm toàn diện và triệt để như Ấn Độ từng thực hiện trong vòng 2 tuần vào tháng 4 vừa qua, sau khi chính phủ nước này quan ngại TikTok tạo cơ hội cho trẻ em tiếp xúc với các nội dung đồi trụy. Tuy nhiên, lệnh cấm toàn diện này có khả năng gây ra một làn sóng tranh cãi gay gắt, nên khả năng xảy ra là rất thấp.
Về phía TikTok, mới đây, hãng đã theo các nhà làm luật để giúp phát triển các quy chuẩn giám sát nội dung – những quy chuẩn ít có khả năng bị xem là hành vi kiểm duyệt. Hãng còn khẳng định không lưu trữ bất kỳ dữ liệu nào về các công dân Mỹ và máy chủ sao lưu của hãng đặt tại Singapore chứ không phải Trung Quốc. Được biết, công ty đang đàm phán với CFIUS để giải quyết vấn đề.
Theo Zing