NATO đã nhất trí triển khai các tên lửa Patriot để bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ khi Anh
cảnh báo Syria "về những hậu quả nghiêm trọng" nếu chính quyền Bashar al-Assad
viện đến vũ khí hóa học.
TIN BÀI KHÁC:
Đừng hy vọng Obama cứu thế giới
Xem ảnh con của Kate và hoàng tử William
NATO khẳng định việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot ở Thổ Nhĩ Kỳ chỉ mang tính chất phòng thủ. (Ảnh: ALAMY)
Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu NATO triển khai các khẩu đội tên lửa Patriot để bảo vệ khu vực biên giới phía nam giáp với Syria. Các vũ khí tân tiến này được thiết kế để bắn hạ máy bay hoặc tên lửa.
Yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ được cho là xuất phát từ các đánh giá tình báo rằng chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad có thể viện đến kho tên lửa đạn đạo Scud của nước này nhằm vào các nước láng giềng. Các vũ khí này có thể được trang bị đầu đạn hóa học.
"Chúng tôi biết rằng Syria đang sở hữu các tên lửa. Chúng tôi biết họ có các vũ khí hóa học và đây cũng là một lý do tại sao cần phải đảm bảo phòng thủ và bảo vệ hiệu quả cho đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ của chúng tôi", Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nói.
Ngoại trưởng Anh William Hague tuyên bố rõ rằng nước ông ủng hộ triển khai các tên lửa Patriot để "thể hiện tình đoàn kết với Thổ Nhĩ Kỳ". Theo ông, một sự triển khai như vậy cũng sẽ "phát đi một thông điệp tới chế độ Syria".
Tuy nhiên, các quan chức NATO nhấn mạnh mục đích mang tính chất phòng thủ của việc triển khai các Patriot, khẳng định chúng sẽ không được sử dụng để áp đặt một vùng cấm bay bên trên lãnh thổ Syria.
"Mục đích là bảo vệ người dân và lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ trước các cuộc tấn công tên lửa", trích lời ông Rasmussen. "Bất cứ một sự triển khai nào cũng chỉ mang tính phòng thủ, không phải để hỗ trợ cho một vùng cấm bay hoặc bất kỳ chiến dịch tấn công nào".
Các tên lửa Patriot sẽ được cung cấp bởi Đức, Hà Lan và Mỹ. Khoảng 6 khẩu đội pháo, được bảo vệ bởi 300-400 binh sĩ, sẽ được triển khai trong dịp Năm Mới. "Các vấn đề thực tế" được cho là sẽ được giải quyết "trong vòng vài tuần", theo ông Rasmussen.
Nga, một đồng minh của Syria, đã khuyến cáo về việc triển khai này. "Tạo ra các khả năng tăng cường trên biên giới không xoa dịu được mà trái lại còn làm trầm trọng thêm tình hình", Tổng thống Vladimir Putin cho biết.
Hệ thống tên lửa Patriot lần đầu tiên được sử dụng để bảo vệ Ảrập Xêút và Israel trong cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991. Hệ thống này lại được triển khai trong cuộc chiến do Mỹ dẫn đầu ở Iraq năm 2003. Kể từ đó, nó trở thành một hệ thống phòng thủ được nhiều quốc gia lựa chọn, trong đó có Mỹ và 5 nước thành viên NATO.
Dưới đây là vài nét về hệ thống tên lửa Patriot:
Nhà sản xuất: Raytheon.
Tầm bắn: Khoảng 160km, trần bắn cao nhất là 24km.
Năng lực: Các tên lửa Patriot được thiết kế để bắn máy bay, các tên lửa
đạn đạo chiến thuật, các tên lửa hành trình và máy bay không người lái.
Hoạt động: Các khẩu đội pháo gồm một số tên lửa được bắn riêng rẽ. Chúng được chỉ dẫn tới mục tiêu bằng một radar theo dõi kết nối với một hệ thống máy tính, nơi các quân nhân có thể theo dõi và quyết định mục tiêu nào cần chiến đấu. Những trạm theo dõi này không nhất thiết phải ở gần các vị trí phóng bắn.
Lịch sử triển khai: Quân đội Mỹ lúc đầu tuyên bố tỷ lệ thành công là 70% khi chống lại các tên lửa Scud của Iraq nhằm vào Ảrập Xêút và 40% khi chống lại các tên lửa nhằm vào Israel trong cuộc chiến Vùng Vịnh thứ nhất. Tuy nhiên, một báo cáo của Quốc hội Mỹ sau đó kết luận trong số 47% tên lửa Patriot bắn vào các tên lửa Scud đang lao tới thì chỉ có 4 mục tiêu bị hạ.
Ngày 25/2/1991, một tên lửa Scud tránh được cú tấn công Patriot và giáng một đòn trực tiếp vào một căn cứ Mỹ ở Dhahran, Ảrập Xêút, giết chết 28 lính Mỹ. Quân đội khẳng định là do lỗi phần mềm.
Hơn chục năm sau, quân đội Mỹ khẳng định các Patriot chặn thành công toàn bộ 8 tên lửa tầm ngắn của Iraq. Không tên lửa Scud nào được phóng đi trong cuộc chiến đó. Nhưng các Patriot được cho là đã bắn hạ hai máy bay đồng minh - một của Mỹ và một của Anh - trong một vụ bắn nhầm trong cuộc xung đột này.
Các thiết kế mới hơn của Patriot được cho là đã khắc phục các nhược điểm
trước kia và công hiệu hơn.
Thanh Hảo (Theo Telegraph, Boston)