TIN BÀI KHÁC:
BBC cho biết, đây là lần đầu tiên một nguyên thủ Mỹ được Ấn Độ trao cho vinh dự này. Nó phản ánh mức độ hài lòng của Delhi về các mối quan hệ với Washington.
Lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Mỹ làm khách mời của Ấn Độ vào ngày Cộng hòa. (Ảnh: EPA) |
Trước kia, vào mỗi dịp kỷ niệm ngày thành lập nước Cộng hòa, Ấn Độ thường mời các vị khách không gây tranh cãi trong nước và đến từ những nước có các quan hệ chiến lược thân thiết. Thực tế này đã nói lên điều gì đó về mức độ sóng gió của quan hệ Mỹ - Ấn, mà mãi 7 thập niên trôi qua, nền dân chủ lớn nhất thế giới mới mời lãnh đạo của nền dân chủ lâu đời nhất tham gia một buổi lễ kỷ niệm ngày quốc khánh.
Dù trọng tâm chủ yếu dồn vào những gì được cho là các thỏa thuận và hợp đồng quan trọng, nhiều ý kiến cho rằng, tính biểu tượng còn lớn hơn nhiều so với bản chất chuyến thăm.
Hai ông Obama và Modi đã có một hội nghị thành công tháng 9 năm ngoái, và lời mời hiện nay được đưa ra dường như là do sự thôi thúc của tình thế, bởi ông Modi khi hai người gặp nhau bên lề Hội nghị Đông Á ở Myanmar hồi tháng 11.
Các lĩnh vực mà đối thoại song phương sẽ tập trung là quốc phòng, năng lượng và chống khủng bố. Và mức độ bàn bạc ở mỗi chủ đề cho thấy hai nước thân thiết thế nào.
Về quốc phòng, mũi nhọn của mối quan hệ Mỹ - Ấn không chỉ là chuyện mua và bán vũ khí mà còn là nỗ lực của cả hai muốn phát triển và sản xuất một thế hệ vũ khí mới. Ý tưởng này đã được hai nước đưa ra vài năm gần đây, nhưng vấp phải nhiều phản đối ở cả Washington và Delhi. Ít nhất một hợp đồng dạng này được kỳ vọng sẽ được ký kết vào cuối tháng.
Về năng lượng, hai chính phủ đang tính đến việc cải thiện nguồn cung nhiên liệu hóa thạch và kiềm chế thay đổi khí hậu. Modi và Obama đều là những người khác biệt trong số các nhà lãnh đạo thế giới về niềm tin rằng, tình trạng ấm nóng toàn cầu là vấn đề cực kỳ quan trọng.
Mỹ là một nước ủng hộ mạnh mẽ các kế hoạch tham vọng của Chính phủ Ấn Độ về năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời. Hội nghị Mỹ - Ấn hồi tháng 9 chủ yếu tập trung vào năng lượng xanh.
Tổng thống Obama muốn ông Modi đưa ra những cam kết ràng buộc về khí thải carbon của Ấn Độ. Nhưng Ấn Độ có một ngành sản xuất điện phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và nước này ngày càng trông chờ Mỹ về nguồn khí tự nhiên rẻ tiền.
Trong khi đó, Washington tiếp tục thúc ép Delhi thay đổi luật về nguy cơ hạt nhân vốn khiến Mỹ và nhiều nước khó bán các lò phản ứng cho một Ấn Độ đang khát năng lượng.
Cả hai vấn đề nêu trên nhiều khả năng sẽ không được giải quyết trong hội nghị tới.
Chống khủng bố là một cách thức đặc biệt tốt để thắt chặt quan hệ. Thời gian qua, Ấn Độ vẫn thận trọng về mức độ hợp tác tình báo giữa Mỹ và Pakistan. Và giờ đây, thêm nhiều các cơ quan tình báo Mỹ và Ấn Độ làm việc cùng nhau, thì cái bóng của Pakistan càng trở nên mờ hơn trong quan hệ giữa hai nước.
Tuy nhiên, quang cảnh gắn với hội nghị Ngày Cộng hòa ở Ấn Độ sẽ che mờ điểm yếu tư duy chiến lược được hai nước chia sẻ.
Hai nhà lãnh đạo sẽ chủ yếu tập trung vào các mối quan ngại trong nước, coi chính sách ngoại giao là phụ trước nghị trình kinh tế và xã hội mà họ có cho đất nước của mình. Cả hai sẽ ở phía đối diện khi nói đến chính sách của Mỹ ở Afghanistan và Pakistan. Nhưng họ sẽ ở cùng phía khi nhắc tới Đông Á và Trung Quốc.
Thanh Hảo