Hiện nay, theo thống kê trên địa bàn Hà Nội hiện có số khu tập thể nhiều nhất cả nước với khoảng 1.579 nhà tập thể cũ, so với thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 474 nhà, thành phố Hải Phòng có khoảng 205 nhà, Nghệ An có khoảng 22 nhà….

Qua nhiều thập kỷ, hầu hết các khu tập thể cũ đã hết niên hạn sử dụng, bộc lộ nhiều hạn chế trong việc quản lý, vận hành và khai thác sử dụng; qua quá trình sử dụng, sửa chữa cơi nới tự phát, các Khu ở cũ và hạ tầng kèm theo đã bị biến đổi cấu trúc, hư hỏng, xuống cấp, có nguy cơ sụp đổ, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Ngoài sự xuống cấp nhà ở, các khu tập thể cũ cũng cho thấy sự xuống cấp của các hạ tầng kỹ thuật và xã hội.

Nhằm tái thiết bộ mặt đô thị, đồng thời nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân, ngày UBND TP Hà Nội đã ban hành Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội (Đề án). Để triển khai Đề án, UBND TP Hà Nội đã ban hành 6 kế hoạch tổ chức thực hiện. Trong đó, Kế hoạch số 329/KH-UBND ngày 31/12/2021 về nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP đã đề ra trong năm 2022 – 2023, chia làm 4 đợt sẽ tập trung cao độ để hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt đồng bộ quy hoạch chi tiết toàn bộ các khu, nhóm, chung cư cũ độc lập, riêng lẻ trên địa bàn TP. Tuy nhiên đến nay, kế hoạch đã rơi vào tình trạng “trượt” tiến độ khi chưa có bất kỳ khu chung cư cũ nào được phê duyệt quy hoạch chi tiết.

W-anhkhukimlien.png
Một góc khu tập thể Kim Liên (Hà Nội)

Theo KTS Nguyễn Việt Ninh nhìn nhận, Quyết định số 5289/QĐ-UBND ngày 18/12/2021 ban hành “Đề án cải tạo, xây dựng lại Khu tập thể trên địa bàn thành phố Hà Nội” khẳng định sự quan tâm của chính quyền với các Khu ở.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc xây dựng, cải tạo, sửa chữa khu tập thể cũ tại Hà Nội qua nhiều năm còn hạn chế, sự đồng thuận của người dân chưa cao, cơ chế chính sách còn nhiều vướng mắc.

Tính đến nay, Hà Nội đã bước đầu thực hiện triển khai xây dựng thí điểm một số khu tập thể cũ, trong khi một số khu ở khác phải cải tạo gia cố kết cấu tạm thời giữ an toàn trong thời gian nhất định. Thực tiễn trên đòi hỏi cần cấp thiết phải thực hiện công tác kiểm định, đánh giá, phân loại chất lượng chung cư cũ để khẩn trương di chuyển người dân tại các khu tập thể cũ nguy hiểm, hư hỏng nặng đến nơi ở tạm cư (nhà ở tạm thời) đảm bảo an toàn; đồng thời cần phải có kế hoạch triển khai đồng bộ quy hoạch, đầu tư xây dựng lại, cải tạo, chỉnh trang hay tái thiết đô thị các khu tập thể cũ, nhằm nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phục vụ tái định cư, làm thay đổi nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao giá trị kiến trúc, giá trị lịch sử, cảnh quan, hướng tới đô thị xanh, văn minh hiện đại, bền vững, đáp ứng được yêu cầu phát triển mới.

Mục tiêu quan trọng trong quá trình tái thiết các khu tập thể cũ của thành phố Hà Nội là tạo dựng mô hình phát triển và tổ chức không gian cho các các khu ở mới sau tái thiết, phải vừa đảm bảo hài hòa các lợi ích và nghĩa vụ khác nhau: Các cư dân đồng thuận với mức độ tiện nghi và khung cảnh cuộc sống sau khi tái thiết, đảm bảo nguyên tắc nâng cao chất lượng cuộc sống cả về mặt vật chất lẫn tinh thần thông qua những chính sách, cách thức, mô hình và lộ trình tái thiết kiến trúc và đô thị do chính quyền đề xuất nhằm đảm bảo lợi ích tài chính đầu tư của các doanh nghiệp, đồng thời mang lại cho thành phố những khu ở mới hiện đại, hấp dẫn, chất lượng, không lãng phí các nguồn tài nguyên đất đai, góp phần nâng cao môi trường tự nhiên và xã hội cho Thủ đô.

Nhóm PV