LTS: Chỉ trong vòng 10 ngày đầu tiên của năm 2019 đã có 2 vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra. Vụ container đâm hàng loạt xe máy ở tỉnh Long An và vụ xe khách rơi ở đèo Hải Vân khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Tai nạn giao thông kinh hoàng gia tăng là vì đâu? Vì việc cấp bằng lái xe hạng nặng đang quá dễ dãi hay vì đạo đức người lái xe đang xuống cấp?

Chuyên trang Ô tô - xe máy của báo VietNamNet tổ chức chương trình talkshow Sau tay lai với số đầu tiên phân tích chủ đề thời sự này.

Chương trình diễn ra với sự tham gia của 2 vị khách mời:

- Ông Trần Hữu Minh Phó Chánh văn phòng Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia

- Ông Trần Quốc Tuấn,  Phó Vụ trưởng Vụ quản lý phương tiện và người lái - Tổng cục đường bộ, Bộ Giao thông và vận tải.

Chương trình được đăng tải theo 2 phần. Phần I, các khách mời cùng giải đáp câu hỏi, liệu quá trình thi và cấp bằng lái hiện nay còn lỗ hổng nào? Sẽ phải làm gì để siết chặt và nâng cao trình độ người lái xe?

Mời bạn đọc theo dõi Phần I dưới đây:

Xem talk tại video sau:

 

Tăng nặng phần học lái xe, siết chặt cấp phép là tất yếu

Nhà báo Phạm Huyền: Mở đầu chương trình, chúng ta cùng nhìn lại hiện trạng việc thi và cấp bằng lái xe hạng nặng. Thưa ông Trần Quốc Tuấn, xin ông cho biết, hàng năm, việc tổ chức cấp bằng lái xe nâng hạng có kéo rơ móc như bằng FC, FD, FE hiện nay diễn ra như thế nào?

Ông Trần Quốc Tuấn: Hiện nay trên toàn quốc có 136.232 giấy phép lái xe hạng FC (xe đầu kéo). Riêng trong năm 2018, các cơ quan quản lý đã cấp mới 8.732 giấy phép lái xe hạng FC.

Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, cũng như các thông tư hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải, quy trình đào tạo lái xe từ xe tải hạng nặng, xe khách nâng lên hạng FC thì thời gian học là 40 ngày.

Việc sát hạch trải qua ba nội dung: Thứ nhất là sát hạch lý thuyết, thứ hai là sát hạch lái xe trong hình và phần thứ ba là sát hạch đường trường.

Phần sát hạch trong hình chúng ta có bài lái xe container phải luồn qua 5 cọc thẳng. Xe container được đánh giá là có nhiều điểm mù nên khả năng gây ra tai nạn lớn. Bài thi qua 5 cọc thẳng hàng là người lái xe phải xác định được những điểm mù trong khi tiến lên thì không va vào các cọc sau.

{keywords}
Thi bằng lái xe container

Bài thứ 2 là container hay phải tham gia lấy hàng hoá trong các kho, cảng, nên lái xe phải thực hiện bài thi lùi ghép nhà xe.

Bài thi đường trường được thực hiện tại các đường giao thông công cộng.

Nhà báo Phạm Huyền: Sau những vụ tai nạn liên quan đến xe đầu kéo thì rất nhiều người cho rằng việc sát hạch lái xe hiện nay dường như đang có dấu hiệu lỏng lẻo, dễ dãi và chúng ta phải làm chặt chẽ hơn. Ông có ý kiến thế nào về vấn đề này?

Ông Trần Quốc Tuấn: Năm 2019, thực hiện Nghị định 138/NĐ-CP của Chính phủ về điều kiện đào tạo và kinh doanh sát hạch giấy phép lái xe cũng như các thông tư của Bộ Giao thông vận tải có tăng thêm nội dung học và sát hạch đối với tất cả các hạng xe trong đó có hạng xe tải hạng nặng, FC. Lái xe thực hiện các bài thi trên các tình huống mô phỏng trên thiết bị.

Như vậy, việc học cũng được tăng lên. Công tác sát hạch trước đây có 3 nội dung như tôi vừa nói ở trên thì bây giờ sẽ tăng lên là 4 nội dung, thêm bài sát hạch trên thiết bị mô phỏng nữa. Thiết bị này sẽ phản ảnh nhiều tình huống giao thông như đèo dốc, cầu phà, đường cao tốc... nhằm tăng việc rèn luyện kỹ năng cho lái xe.

Nhân tố con người chiếm 70-100% nguyên nhân tai nạn

Nhà báo Phạm Huyền: Như vậy, việc sát hạch lái xe có nhiều thay đổi tích cực. Tuy nhiên, những vụ tai nạn giao thông cho xe đầu kéo gây ra khiến người dân đặt câu hỏi là quy trình này đã đủ chặt chẽ, đủ "khắt khe" chưa. Ông Trần Hữu Minh có lý giải như thế nào về vấn đề này?

Ông Trần Hữu Minh: Tôi cho rằng về chủ trương chung là siết chặt việc cấp giấy phép lái xe tài xế xe tải, xe contaner là hợp lý. Rủi ro của các loại xe tải, xe container gặp phải trên đường là cao hơn, khoảng cách dừng xe lớn hơn, đặc biệt là hậu quả khi xảy ra va chạm lớn hơn xe con rất nhiều.

{keywords}
Ông Trần Hữu Minh, Phó CVP Ủy ban ATGTQG (ảnh: Phạm Hải)

Bởi vậy, chúng ta nghiên cứu, tìm các giải pháp để siết chặt, nâng cao yêu cầu là hợp lý.

Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung vào lái xe thôi thì theo tôi chưa hoàn toàn đầy đủ. Ví dụ, khi một cá nhân vượt đèn đỏ gây va chạm, thậm chí có thể dẫn tới chết người, lỗi thuộc về cá nhân đó.

Bản chất sâu xa của hành vi vượt đèn đỏ có thể xuất phát từ nguyên nhân là nút giao thông đó được thiết kế không hợp lý, đèn đỏ dài quá hoặc đèn đỏ bị che nên người đi đường không nhìn thấy.

Thậm chí có những lý do rất đơn giản là khu vực đó vượt đèn đỏ nhưng không bao giờ bị phạt cả. Như vậy, chúng ta vẫn cứ xử phạt trực tiếp người vi phạm nhưng nguyên nhân có thể đến từ sự bất cập trong việc thiết kế, tổ chức khai thác kết cấu hạ tầng giao thông, năng lực giám sát và xử lý vi phạm.

Ở đây, con người luôn là yếu tố quan trọng nhất. Trong các vụ tai nạn giao thông, nhân tố con người chiếm đến 70%, thậm chí là 100%. Bởi thiết kế hạ tầng giao thông, giám sát, xử lý vi phạm... suy cho cùng vẫn là con người làm.

Phải đặt vấn đề con người rộng hơn một chút, từ việc xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật, trong việc xây dựng, thiết kế, tổ chức khai thác hệ thống đường giao thông, trong việc đào tạo, cấp bằng lái xe, việc cấp cứu sau tai nạn...

Có quan điểm cho rằng: Tại sao chỉ một vụ tai nạn giao thông nghiệm trọng mà chúng ta lại phải thay đổi tất cả mọi thứ? Theo tôi, vụ tai nạn đó không phải là lý do duy nhất mà chúng ta phân tích vấn đề trên góc độ khái quát để xem xét những vấn đề mang tính chất bản chất chung và chúng ta điều chính sách, ngăn chặn những vụ tương tự có thể xảy ra. Chứ không phải là vì một vụ mà chúng ta thay đổi tất cả những vấn đề lớn về chính sách.

Đề xuất thu hồi bằng vĩnh viễn lái xe dùng ma túy

Nhà báo Phạm Huyền: Rõ ràng, bất cứ lĩnh vực nào thì yếu tố con người có vai trò quan trọng nhất. Những quy định được đặt ra cũng nhằm hạn chế những tiêu cực nảy sinh ở yếu tố con người.

Theo tìm hiểu của phóng viên VietNamNet, người muốn nâng hạng giấy phép lái xe đầu kéo cần có thời gian hành nghề nhất định và số km lái xe an toàn. Ví dụ bằng FC là phải có 3 năm và 50.000 km.

Tuy nhiên, trong tờ khai bản đăng ký chỉ cần khai báo thời gian hành nghề và số km lái xe an toàn thèo mẫu quy định và phải tự chịu trách nhiệm về độ xác thực này trước pháp luật. Theo ông Trần Quốc Tuấn, quy định như vậy có dễ dãi không? Và đơn vị nào sẽ là đơn vị kiểm tra độ xác thực của thông tin như vậy?

{keywords}
Ông Trần Quốc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái, Tổng cục Đường bộ (ảnh: Phạm Hải)

Ông Trần Quốc Tuấn: Quy định lái xe phải kê khai thâm niên và số km lái xe an toàn được quy định trong Luật Giao thông đường bộ và các thông tư hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải. Trước đây, thông tin này phải được xác nhận từ doanh nghiệp quản lý người lái xe hoặc lái xe tự do phải có xác nhận của UBND phường, xã.

Sau thời gian thực hiện cải cách thủ tục hành chính cũng như những bất cập trong quá trình xin giấy xác nhận của người lái xe thì các Thông tư sau này có hướng dẫn là người lái xe phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về xác nhận thâm niên và cây số lái của mình.

Đây cũng là việc cải cách thủ tục hành chính nhằm đơn giản hoá cho người dân. Từ năm 2012, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã xây dựng cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe thống nhất trên toàn quốc. Dữ liệu này được chia sẻ với các cơ quan liên quan như thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, các Sở Giao thông vận tải đều truy cập được vào cơ sở dữ liệu này.

Khi muốn kiểm tra người lái xe trong quá trình thực hiện việc nâng hạng có vi phạm luật giao thông hay không thì có thể truy cập vào dữ liệu này và biết được người lái xe có vi phạm trong thời gian 3 năm đó không.

Nhà báo Phạm Huyền: Mặc dù dữ liệu được công khai như vậy, ông có nghi ngại có những khâu có thể phát sinh tiêu cực? Có thể các đơn vị sát hạch lái xe bỏ qua những yếu tố tiềm ẩn trước khi quyết định cấp giấy phép lái xe?

Ông Trần Hữu Minh: Tôi cho rằng chỉ tiêu về số km lái xe an toàn là rất hợp lý. Bởi chỉ tiêu quan trọng, chính xác nhất mà thế giới dùng để đánh giá mức độ an toàn là số km an toàn. Trong bối cảnh khi các phương tiện cơ giới tăng rất nhanh, một năm chúng ta đăng ký mới 300 nghìn ô tô và 3 triệu xe máy.

Đồng nghĩa với việc 3 năm tới chúng ta sẽ có thêm 1 triệu ô tô và 10 triệu xe máy ở trên các tuyến đường hiện nay.

{keywords}
Chương trình talkshow Sau tay lái: Ông Trần Hữu Minh, nhà báo Phạm Huyền, ông Trần Quốc Tuấn (từ trái sang phải) (ảnh: Phạm Hải)

Trên thế giới có một quy luật đã được khẳng định: Càng đi lại bằng phương tiện cơ giới cá nhân thì càng rủi ro, càng va chạm nhiều. Vì vậy, chỉ tiêu về số km lái xe an toàn là rất quan trọng.

Tuy nhiên, tôi cũng đồng ý với quan điểm là chỉ tiêu đó phải được kiểm chứng mới có giá trị. Việc bỏ yêu cầu người lái xe đi xin xác nhận ở chỗ này chỗ kia là hợp lý. Bởi ví dụ một lái xe va chạm ở một nơi rất xa mà sau đó lại quay về địa phương yêu cầu chính quyền xác nhận thì bản thân chính quyền địa phương cũng không biết xác nhận như thế nào. Điều này dẫn tới trình trạng ùn ứ và không xác nhận được cho người dân.

Việc xây dựng cơ sở dư liệu đó là rất hợp lý. Vấn đề đặt ra là cơ sở dữ liệu đó có được cập nhật thường xuyên hay không

Nhà báo Phạm Huyền: Rõ ràng là lí lịch trích ngang của các lái xe rất quan trọng nhưng điều quan trọng hơn là độ chính xác và minh bạch đến đâu. Đặc biệt là yếu tố liên quan đến trình độ, sức khoẻ của người lái xe.

Dư luận gần đây đặt ra câu hỏi sau vụ tai nạn ở Long An là nếu 1 tài xế đã có tiền sử nghiện hút heroin thì sau này họ có được tiếp tục hành nghề hay không?

Thưa ông Trần Quốc Tuấn, hiện nay theo quy định của pháp luật, chúng ta có treo bằng vĩnh viễn đối với những lái xe có tiền sử hút heroin hay không?

Ông Trần Quốc Tuấn: Theo Thông tư 24 của Bộ Y tế, người lái xe trước khi vào học và học lái xe phải khám sức khoẻ. Trong quy định khám có kiểm tra về nồng độ chất kích thích và ma tuý. Nếu dương tính với các chất đó thì sẽ không được học lái xe.

Trong quá trình đã lái xe, các doanh nghiệp quản lý lái xe phải thực hiện khám sức khoẻ cho lái xe 1 lần trong năm theo quy định của pháp luật. Trong đó cũng có quy định về kiểm tra chất kích thích. Nếu lái xe bị phát hiện sử dụng chất ma tuý trong quá trình kiểm tra định kỳ thì doanh nghiệp đó sẽ không được sử dụng lái xe đó nữa.

Còn trong quá trình kiểm tra, kiểm soát trên đường mà các lực lượng kiểm tra có thiết bị kiểm tra nhanh nồng độ chất kích thích. Nếu phát hiện tài xế sử dụng ma tuý thì theo Nghị định 46 thì lái xe sẽ bị xử phạt và thu bằng lái có thời hạn.

Tuy nhiên, trong Nghị định 46 chưa đề xuất tước bằng lái xe vĩnh viễn. Sắp tới, Chính phủ đang chuẩn bị sửa đổi Nghị định 46, chúng tôi cũng có kế hoạch đề xuất thu hồi vĩnh viễn đối với trường hợp người lái xe có chất kích thích, hoặc đề xuất thêm và việc xử lý doanh nghiệp. Bởi trong quá trình khám định kỳ biết người lái xe sử dụng chất kích thích mà vẫn sử dụng lái xe.

{keywords}
Tài xế Nguyễn Thế Truyền bi phát hiện dương tính ma túy khi lái xe container (Kết quả kiểm tra chiều 13/1 của đoàn liên ngành gồm UBND, công an, dân quân tự vệ, bảo vệ dân phố P.Trường Thọ phối hợp Công an Q.Thủ Đức, Trung tâm y tế Q.Thủ Đức tổ chức chốt chặn tại đường số 2 hướng ra vào cụm cảng Phúc Long ICD và Tâm Cảng Thủ Đức DEPOT để kiểm tra ma túy đối với tài xế, phụ xe ra vào cụm cảng nói trên lấy hàng (ảnh: theo Thanh nien)

Nhà báo Phạm Huyền: Rõ ràng các dữ liệu minh bạch và công khai sẽ giúp ích rất nhiều cho các cơ quan chức năng trong việc cấp giấy phép lái xe. Thưa ông Trần Hữu Minh, làm thế nào để các cơ quan chức năng có thể phối hợp với nhau tốt hơn và chia sẻ dữ liệu về sức khoẻ cũng như trình độ của người lái xe?

Ông Trần Hữu Minh: Để quản lý lái xe một cách hiệu quả thì quan trọng nhất là công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng có liên quan. Muốn phối hợp hiệu quả thì phải có hệ dữ liệu quốc gia về vi phạm trật tự an toàn giao thông, hệ dữ liệu giao thông quốc gia về người lái, phương tiện, địa chỉ.

Ví dụ, có hành vi vi phạm, sau đó bỏ bằng lái tại cơ quan chức năng, nếu chúng ta cập nhận dữ liệu đó vào dữ liệu giao thông quốc gia và cơ quan cấp bằng truy cập được vào đó thì chắc chắn những hành vi như vậy sẽ không còn nữa. Vì anh đến bất cứ đâu người ta đều biết là anh đã vi phạm và bằng lái của anh đang bị lưu trữ.

Hoặc khi chúng ta tổ chức kiểm tra sức khoẻ cho lái xe toàn bộ thông tin cá nhân, điều kiện sức khoẻ lái xe được lưu trữ và chia sẻ với các cơ quan chức năng, thậm chí cả doanh nghiệp. Doanh nghiệp tuyển dụng có thể kiểm tra ngay được các thông tin của lái xe và như vậy lái xe không thể nói dối được.

Rất cần thiết phải ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ và những thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0 bởi các công nghệ nhận diện khuôn mặt, nhận diện mống mắt, nhận diện vân tay rất đơn giản.

(Mời xem tiếp phần I vào ngày mai- Dân trông chờ thế nào vào đạo đức lái xe?

Thực hiện: Phạm Huyền- Minh Quân

Video: Bạt Tuấn, Xuân Quý, Huy Phúc

Bạn có quan điểm nào về vấn đề cấp bằng lái xe ở Việt Nam? Mọi ý kiến, tin bài chia sẻ, xin gửi về email: otoxemay@vietnamnet.vn hoặc gửi bình luận dưới bài viết này.

Thi bằng lái xe ô tô sẽ ngày càng khó

Thi bằng lái xe ô tô sẽ ngày càng khó

Một số lỗi của các thí sinh khi sát hạch Giấy phép lái xe (GPLX) sẽ bị đánh trượt ngay lập tức, như: không đừng đèn đỏ, vi phạm quy tắc lái xe đường đèo, vi phạm tại các gác chắn đường sắt…