Viên chưởng lý quận San Francisco và Los Angeles (Mỹ) hôm 19/8 đã gửi đơn khiếu nại chống lại Uber, trong đó nêu chi tiết các trường hợp dịch vụ đi chung xe tuyển người có tiền sử tấn công tình dục, đột nhập, giết người, bắt cóc trẻ em làm tài xế. Đơn tố cáo Uber lừa dối khách hàng về tính hiệu quả của quy trình kiểm tra gia cảnh của lái xe và đang tìm kiếm lệnh cấm vĩnh viện đối với Uber.

Chẳng hạn, trong một trường hợp, tài xế bị kết án giết người cấp độ 2 tại Los Angeles năm 1982. Sau khi ngồi tù 26 năm, người này được thả năm 2008. Đơn khiếu nại khẳng định báo cáo gia cảnh nộp lên Uber vào tháng 11/2014 không ghi tiền sử phạm tội và người này đã thực hiện 1.168 chuyến đi.

Theo viên chưởng lý, Uber khiến khách hàng nhầm tưởng rằng quy trình kiểm tra nhân thân của tài xế là “dẫn đầu ngành”. Công ty không sử dụng bản quét dấu vân tay (Livescan) như các hãng taxi khác và “do đó không thể bảo đảm thông tin mà Uber thu được thực sự có liên quan đến ứng viên”. Tuy nhiên, phát ngôn viên Uber phản đối quy trình Livescan của các hãng taxi khác ưu việt hơn hệ thống kiểm tra của mình.

Năm 2014, Lyft, dịch vụ gọi xe trên di động tương tự Uber, đã phải dàn xếp các cáo buộc giống như vậy và bị phạt 500.000 USD.

Uber đang phải đối mặt với nhiều áp lực từ các nhà chức trách khi tiếp tục mở rộng hoạt động ra hơn 300 thành phố khắp thế giới. Gần đây, công ty tạm dừng dịch vụ tại một số nước như Pháp, Ấn Độ dưới sức ép của các nhà hành pháp và ngành taxi địa phương.

San Francisco, quê nhà của Uber, vẫn là 1 trong những thị trường lớn nhất với hơn 22.000 tài xế. Hãng cho biết mỗi tháng tiếp nhận thêm hàng ngàn lái xe.