- Sáng 20/5, HĐXX cấp sơ thẩm đã có quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với ông Trần Xuân Giá vì lý do sức khỏe của bị cáo. Việc này liệu có ảnh hưởng đến các bị cáo khác?

Xử bầu Kiên, ông Trần Xuân Giá có thể hầu tòa?

Dự kiến, ngày 20/5, TAND TP Hà Nội sẽ đưa bầu Kiên và các đồng phạm ra xét xử. Liệu ông Trần Xuân Giá có thể hầu tòa?

Tạm đình chỉ vụ án vì bị cáo lâm trọng bệnh

Trước ngày diễn ra phiên xử Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) và các đồng phạm, ngày 19/5 ông Trần Xuân Giá (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB), người bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đã có đơn thông báo tình trạng sức khỏe của mình.

Trong đơn ông Giá nêu rõ, thể trạng của ông yếu, phải thực hiện các phác đồ điều trị, phải truyền trực tiếp kháng sinh, không chắc có thể dự tòa.

{keywords}
Hình ảnh tại phiên tòa sáng 20/5 - Ảnh: Nam Phong

Sáng 20/5, luật sư của ông Giá cũng xuất trình đơn của bị cáo này với nội dung: “Tôi bị bệnh hiểm nghèo, thể trạng yếu, không đủ sức khỏe dự tòa, đề nghị HĐXX thẩm vấn tôi vào phần sau của phiên tòa... Trong trường hợp tôi không đủ sức khỏe đến tòa, đề nghị tách hồ sơ”.

Đại diện VKS có ý kiến cho rằng, việc vắng mặt của bị cáo Giá không ảnh hưởng đến việc xét xử, đề nghị tòa xem xét ra quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị cáo này.

Tại tòa, ông Lưu Tiến Dũng, luật sư của ông Giá trình bày quan điểm: HĐXX nên xem xét cân nhắc Điều 187, bị cáo vắng mặt vì lý do chính đáng.

“Thân chủ của tôi mong muốn được có mặt. Tình trạng của ông Giá yếu đi rất nhiều, lại bị kết luận là mắc bệnh hiểm nghèo. Vậy nên phương án tạm đình chỉ vụ án đối với ông giá là đề xuất hợp lý nhất”, lời luật sư Dũng.

Căn cứ vào đơn của bị cáo Giá và thông báo của bệnh viện, HĐXX thấy rằng, ông Giá đang bị bệnh hiểm nghèo nên đã ra quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với ông.

Sẽ ảnh hưởng đến các bị cáo khác?

Chiều 20/5, trao đổi với VietNamNet về quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với ông Giá, luật sư Vũ Đình Chi, người bào chữa cho bị cáo Huỳnh Quang Tuấn cho biết: Luật sư ủng hộ quyết định của HĐXX, vì cho rằng, ông Giá đang ở trong tình trạng bệnh hiểm nghèo.

Tuy nhiên, theo luật sư này, việc tạm đình chỉ vụ án đối với ông Giá sẽ nảy sinh một số vấn đề. Theo luật sư Chi, đối với bị cáo Huỳnh Quang Tuấn, việc bị cáo Trần Xuân Giá có mặt tại tòa được coi như nhân chứng sống.

“Bác Giá là Chủ tịch thường trực nên sự có mặt của bác tại tòa sẽ làm rõ được tư cách tham gia của bị cáo Huỳnh Quang Tuấn, cũng như đường lối chủ trương của Chủ tịch thường trực lúc đó là đúng luật. Bởi đến năm 2007 mới có luật mới”, lời ông Chi.

Luật sư Chi cho biết thêm, bà Kiều Vũ Thị Uyên, người cùng bảo vệ cho bị cáo Tuấn đã xem văn bản của ông Giá, trong đó ông Giá có xác nhận về việc bị cáo Tuấn không được phân công, không được tham dự, không được hỏi ý kiến, ông Tuấn không có tư cách trong HĐQT.

Và nếu ông Giá có mặt tại tòa và xác nhận văn bản đó do ông ký, và có thêm lời nói của ông Giá về việc này tại tòa thì sẽ có lợi hơn cho bị cáo Tuấn.

Theo lời luật sư Chi, ông Giá là người từng kinh qua nhiều chức vụ, từng là thành viên soạn thảo Luật Doanh nghiệp nên có nhiều kinh nghiệm áp dụng pháp luật.

Việc tách hồ sơ của ông Giá ra khỏi vụ án sẽ ảnh hưởng chung đến vụ án.

“Nếu có mặt, ông Giá có thể thuyết phục, lý giải tường tận hơn nhiều vấn đề”, luật sư Chi nói.

Trao đổi về cùng vấn đề, luật sư Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng thư ký Liên đoàn LS Việt Nam (bào chữa cho hai bị cáo Trịnh Kim Quang và Phạm Trung Cang) cho rằng: Tòa chỉ căn cứ vào Khoản 1, Điều 187, lấy lý do ông Trần Xuân Giá bị bệnh hiểm nghèo, không tham gia phiên tòa được nên ra quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với ông ấy.

Nhưng trong BLTTHS còn có Điều 180 quy định, việc tạm đình chỉ đối với một bị can nào đó trong vụ án, nếu không ảnh hưởng gì đến việc xét xử các bị can khác. Như vậy, nhóm tội cố ý làm trái này, ông Giá cùng các bị cáo khác trong HĐQT có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, việc tách ông Giá ra sẽ gây nhiều khó khăn trong việc xác định sự thật khách quan trong mối quan hệ giữa các bị cáo với nhau về tội cố ý làm trái. Việc tách ông Giá ra sẽ rất bất lợi cho các bị cáo còn lại.

“Tốt nhất, để bảo đảm quyền lợi cho các bị cáo khác trong vụ án này, Tòa nên trả hồ sơ để cơ quan điều tra tách vụ án cố ý làm trái ra khỏi ba tội kia, xử một vụ án độc lập”, lời luật sư Tâm.

T.Nhung