Loạt quan điểm trái chiều

Bình luận sau tuyến bài của VietNamNet liên quan đến việc tạm hoãn xuất cảnh người đại diện pháp luật của doanh nghiệp có nợ thuế, nhiều độc giả cho rằng, với các doanh nghiệp cố tình chây ì, không chịu nộp thuế việc áp dụng biện pháp mạnh là cần thiết. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến bức xúc do lãnh đạo bị hoãn xuất cảnh khi nợ thuế chỉ từ 1-10 triệu đồng.

Nhiều người cho rằng, quy định tạm hoãn xuất cảnh trong thu hồi nợ thuế vẫn còn một số trường hợp áp dụng cứng nhắc, máy móc.

Độc giả Phạm Doãn Chung dẫn chứng về trường hợp cụ thể của mình, khi ông được cơ quan nhà nước cử làm đại diện vốn tại một doanh nghiệp trong tình trạng chờ phá sản, đã bị Cục Thuế cưỡng chế hóa đơn, phong tỏa tài khoản do nợ thuế...

Trước khi bạn đọc này đến nhận nhiệm vụ chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật, cơ quan đã có văn bản báo cáo tình trạng về doanh nghiệp và nhân sự nhận nhiệm vụ, song vẫn nhận được quyết định tạm hoãn xuất cảnh từ cơ quan thuế. 

Theo độc giả TVP, những năm gần đây, Quốc hội đã ban hành rất nhiều luật, Chính phủ cũng ban hành nghị định về quản lý thuế rất chặt chẽ. Theo quy định, tổ chức cá nhân còn nợ thuế, cơ quan thuế có quyền yêu cầu tạm hoãn xuất cảnh. Việc này xét về răn đe thì hoàn toàn đúng.

Tuy nhiên, xét về lý và xét về mặt chủ quan thì lại không tốt, bởi vì trước khi cơ quan thuế gửi yêu cầu tạm hoãn xuất cảnh thì nên có quy định là cơ quan thuế đã gửi thông báo bằng văn bản đến doanh nghiệp tối đa 3 lần mà doanh nghiệp không phản hồi thì cơ quan thuế mới được quyền gửi yêu cầu ra cơ quan xuất cảnh.

"Ở đây, chúng ta xét nhiều khía cạnh khác nhau thì có cơ quan thuế làm đúng, nhưng cũng có cơ quan tôi tin là làm thiếu quy trình, thậm chí chưa có thông báo gửi doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp chỉ biết khi bị tạm hoãn xuất cảnh", độc giả này đặt nghi vấn.

tien nam khanh.jpg
Không ít ý kiến bày tỏ bức xúc trước việc lãnh đạo doanh nghiệp bị hoãn xuất cảnh khi chỉ nợ thuế từ 1-10 triệu đồng. Ảnh: Nam Khánh

Trong khi đó, độc giả Ngân Thủy lại có quan điểm khác.

Theo bạn đọc này, hệ thống thuedientu được cập nhật thường xuyên, liên tục. Đôi khi có chậm trễ nhưng không đáng kể thường chỉ 1, 2 ngày. Khi nợ thuế đều có thông báo gửi đến email cũng như cổng thông tin của doanh nghiệp, cá nhân,... Không kiểm tra cập nhật kịp thời bị xử lý thì lại bảo cứng nhắc.

"Cơ quan thuế họ làm theo quy định, đâu phải muốn làm sao làm? Không có gì tự nhiên có nợ, nếu xác định không được số nợ thì phải liên hệ thuế để người ta hỗ trợ đối chiếu, có khi là do mình không tìm hiểu, không biết nguyên nhân lại đổ cơ quan thuế. Thượng tôn pháp luật mà, không làm theo luật thì người ta bị kỷ luật ai gánh hộ", độc giả này phân tích.

Còn độc giả B.T cho rằng: Doanh nhân nợ thuế mà ra sân bay mới biết thì có thể thì chỉ là do cách quản lý điều hành kém thôi. Doanh nghiệp ông quản lý mà nợ tiền hay không cũng không biết thì quản lý kiểu gì ? Còn nếu là nợ thuế cá nhân thì bộ phận kế toán công ty kém không biết tính thuế nộp thuế cho lãnh đạo công ty hay sao? 

Cần xem lại hạn mức nợ thuế, minh bạch thông tin

Nêu giải pháp cho vấn đề này, bạn đọc Tran Nguyen Ha kiến nghị nên xem lại hạn mức nợ thuế của doanh nghiệp trước khi áp lệnh tạm hoãn xuất cảnh lãnh đạo. Ví dụ, doanh nghiệp 1 năm nộp thuế vài tỷ đồng mà có chậm nộp thuế vài triệu đồng thì không nên hoãn xuất cảnh, vì xác suất trốn thuế gần như không xảy ra.

Độc giả JJ Nguyen cũng đề xuất, cần phân định việc nợ thuế nhiều hay ít, từ đó quy định từ mức bao nhiêu trở lên thì tạm hoãn xuất cảnh. Ngoài ra, có biện pháp thông báo, thậm chí công khai những trường hợp chây ì nộp thuế lên các phương tiện truyền thông. Việc đó cũng có hiệu quả trong việc thu thuế.

Độc giả 84985159xxx đề nghị: 1/ Cơ quan thuế khi tạm hoãn xuất cảnh phải gửi thông báo cho người bị hoãn xuất cảnh để họ biết và cập nhật thông tin. Hoặc phải đăng lên trang web, có thể tra cứu bằng thông tin thẻ CCCD. 

2/ Đối với cơ quan công an, nên công khai thông tin trên trang web danh sách những người bị tạm hoãn xuất cảnh, thông tin đăng công khai có thể dễ dàng tra cứu bằng số CCCD, hoặc số passport, kèm theo là văn bản đề nghị tạm hoãn xuất cảnh của đơn vị yêu cầu như cơ quan thuế, thi hành án, hải quan, tòa án,... để người bị hoãn xuất cảnh có thể tra cứu, biết lý do để khắc phục trước khi mua vé máy bay khứ hồi. 

Độc giả này than phiền, hiện nay chỉ khi ra đến sân bay mới biết mình bị hoãn xuất cảnh, trong khi vé đã mua, khách sạn đã đặt. Thiệt hại kinh tế, đồng thời đổ bể hết kế hoạch kinh doanh khi đã lên lịch hẹn gặp các đối tác nước ngoài.