Theo thông tin từ Bệnh viện Tâm thần Bến Tre, cơ sở này vừa tổ chức triển khai chương trình quản lý, điều trị và phục hồi chức năng cho bệnh nhân rối loạn trầm cảm năm 2023.

Chương trình diễn ra tại hai huyện Thạnh Phú và Chợ Lách của tỉnh Bến Tre, thực hiện bao phủ ở 29 xã với một số mục tiêu: phát hiện người mắc rối loạn trầm cảm, điều trị ổn định trên 85% số người có rối loạn trầm cảm, phục hồi chức năng, giảm tỷ lệ bệnh mạn tính sa sút trí tuệ xuống dưới 10%...

Bước đầu, cán bộ chuyên trách y tế tại xã, huyện và cộng tác viên tại địa phương được tập huấn những thông tin liên quan trầm cảm như gánh nặng, biến chứng, hậu quả, những dấu hiệu nhận biết, tầm quan trọng của điều trị và các phương pháp chăm sóc phục hồi chức năng. Cộng tác viên được hướng dẫn sử dụng công cụ bảng hỏi để sàng lọc, phát hiện dấu hiệu của trầm cảm.

Sau đó, chương trình tiến hành khám, xác nhận, chẩn đoán, tư vấn và điều trị cho những người mắc rối loạn trầm cảm tại địa phương, chuyển giao công tác theo dõi quản lý cho cán bộ y tế chuyên trách.

Ngoài danh sách do cộng tác viên sàng lọc, chương trình khuyến khích người dân tự đánh giá sức khỏe tinh thần và đến gặp trực tiếp các bác sĩ khi có nhu cầu hỗ trợ về trầm cảm.

tram-cam-1.jpg
Nhiều người chủ động khám trầm cảm để được điều trị kịp thời. Ảnh: GL.

Hoạt động trên thuộc dự án Chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng động và trẻ em, kinh phí điều trị hiện tại miễn phí cho các xã diễn ra chương trình, giúp quan tâm sức khoẻ toàn diện cho người dân.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, rối loạn trầm cảm là một trong những biểu hiện về sức khỏe tâm thần phổ biến trên thế giới. Trầm cảm có thể khởi phát ở bất kỳ độ tuổi nào, không phân biệt giới tính và có thể chuyển thành mạn tính nếu không được phát hiện và điều trị sớm.

Các biểu hiện lâm sàng đặc trưng của trầm cảm là trầm buồn kéo dài, thiếu hứng thú hoặc niềm vui trong cuộc sống, động cơ làm việc và năng lượng sống ở mức thấp, kèm theo triệu chứng cơ thể như mệt mỏi, đau nhức, hồi hộp, đánh trống ngực, rối loạn giấc ngủ...

Tổ chức Y tế Thế giới ước tính có khoảng 3,8% dân số bị rối loạn trầm cảm (khoảng 280 triệu người), tỷ lệ này tăng lên sau đại dịch Covid-19.  

Tuy nhiên, trên 75% trường hợp trầm cảm ở các nước thu nhập trung bình và thấp không được tiếp cận các dịch vụ điều trị, hỗ trợ. Đa số các nước đang phát triển không có đủ bác sĩ chuyên khoa tâm thần để đáp ứng nhu cầu bệnh nhân. Bên cạnh đó, hiểu biết của người dân về trầm cảm còn nhiều hạn chế, kỳ thị liên quan đến rối loạn sức khỏe tâm thần. 

Linh Anh

TP.HCM thí điểm điều trị trầm cảm tại trạm y tếƯớc tính có khoảng 3,8% dân số thế giới bị rối loạn trầm cảm, tương ứng với khoảng 280 triệu người. Tỷ lệ này tăng lên sau đại dịch Covid-19. Tại Việt Nam, việc điều trị trầm cảm vẫn còn nhiều khó khăn.