Đam mê bất tận

Năm 2016, Nguyễn Trọng Hùng (SN 2004, huyện Tân Thạnh, Long An) vô tình xem tiết mục múa bóng rỗi trên một chương trình truyền hình. Phần trình diễn của nghệ nhân khiến cậu có ấn tượng sâu sắc.

Sau đó, Hùng lưu lại video về tiết mục trên rồi ngồi xem nhiều lần mỗi ngày. Những lúc như thế, cậu bé 12 tuổi bị mê hoặc bởi khả năng giữ thăng bằng, động tác múa uyển chuyển, tạo hình đặc sắc của cô bóng. 

Những đạo cụ múa độc đáo, đẹp mắt của loại hình nghệ thuật dân gian này như mâm vàng, bông huệ, lông công, vòng càn khôn… cũng khiến Hùng thích thú. Từ đó, cậu đi sâu tìm hiểu và có niềm vui bất tận khi tiếp xúc với nghệ thuật múa bóng rỗi. 

Trọng Hùng đam mê múa bóng rỗi từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

“Thế rồi khi xem các nghệ nhân múa, trong vô thức, tôi chạy đi tìm cái mâm bằng nhôm để bắt chước, tập theo. Từ đó, tôi nhận ra mình có niềm đam mê bất tận với bộ môn nghệ thuật này”, Hùng tâm sự.

Để thỏa mãn đam mê, Hùng sưu tầm các đoạn clip múa bóng rỗi trên internet để tự tập luyện. Không có người hướng dẫn, Hùng học múa bằng cách bắt chước các động tác của nghệ nhân trong clip.

Sau khi đã tập giữ thăng bằng mâm nhôm, ống nhựa… bằng miệng, trán, nhân trung… thành công, Hùng tập giữ các vật nặng trong nhà như bình hoa, 8-13 chiếc ghế xếp chồng lên nhau…

Năm lớp 8, Hùng kết nối được với Nghệ nhân ưu tú Ngọc Đào cùng các nghệ nhân khác. Thế nên, nam sinh có cơ hội học tập, rèn luyện các điệu múa, thao tác tạo nét, cách cắt giấy, làm mâm, tạo đạo cụ… từ những người này.

Ban đầu, việc hóa thân thành cô, bà bóng để múa bóng rỗi của Hùng bị gia đình phản đối. 

Chỉ sau 2 năm, Hùng nắm được những kỹ thuật cơ bản của bộ môn múa bóng rỗi. Nam sinh bắt đầu có được điệu bộ, thần thái của một nghệ nhân múa bóng rỗi dù chỉ luyện tập theo cách học lỏm.

Hùng nói: “Đam mê thôi thúc tôi tập luyện mỗi ngày. Từ năm 2016 đến nay, hầu như tôi chưa từng ngừng tập luyện quá 3 ngày. Mỗi ngày, tôi dành 7 giờ đồng hồ để luyện tập.

Tôi mê tập múa bóng rỗi đến nỗi mỗi ngày đều phải tìm cho được món đồ nào đó để tập giữ thăng bằng trên miệng, mũi, trán… Khi đã giữ được đồ vật, tôi luyện từng thao tác múa từ nét mặt đến thần thái, điệu bộ của một bà bóng”.

Quá trình tập luyện khiến Hùng nhiều lần gặp sự cố không mong muốn. Chàng trai từng bị dao rơi trúng mặt gây thương tích. Hùng cũng từng suýt gãy hàm vì dùng miệng nâng, giữ thăng bằng 8 chiếc ghế chồng lên nhau…

Tuy vậy, đó không phải là những điều khiến nam sinh lo ngại, muộn phiền. Điều khiến Hùng đau đớn, tủi hờn hơn cả là vấp phải sự phản đối kịch liệt của người thân, gia đình.

Tuy vậy, nam sinh không từ bỏ đam mê và giấu gia đình tập luyện suốt nhiều năm.

Sống cùng nước mắt

Trọng Hùng sinh ra trong gia đình không có người làm nghệ thuật, theo đuổi văn hóa tâm linh. Thế nên khi biết con mê múa bóng rỗi, bố mẹ chàng trai phản ứng gay gắt.

Không muốn bố mẹ buồn, Hùng giấu mình trong phòng hoặc đợi bố mẹ, người thân ra khỏi nhà rồi mới tập múa.

Tuy vậy, nam sinh vẫn không thể che giấu niềm đam mê quá lớn của mình. Sau khi khuyên giải không thành, bố mẹ Hùng nhiều lần to tiếng với con. Thậm chí, ông bà dùng lời lẽ cay nghiệt với hy vọng con trai sẽ từ bỏ đam mê ấy.

Ông bà cũng tìm, vứt bỏ những đạo cụ phục vụ cho việc múa bóng rỗi mà con trai tự chế tạo, dùng tiền đi làm thêm mua về, giấu kín trong phòng… Sự khắt khe của cha mẹ khiến nam sinh đau khổ, tổn thương tâm lý.

Trọng Hùng hoàn thiện kỹ năng biểu diễn của mình từng ngày và bắt đầu được mọi người công nhận.

Trọng Hùng tự nhốt mình trong phòng. Có thời điểm nam sinh quên ăn bỏ uống, không nói chuyện, tiếp xúc với bất cứ ai. Thậm chí, Hùng đã nghĩ đến việc từ bỏ sự sống của mình.

Hùng tâm sự: “Những tháng ngày đó, tôi chỉ biết khóc cho nguôi lòng. Có lúc, tôi chán ghét và tự dày vò bản thân. Tôi nghĩ vì theo bộ môn này mà bị cha mẹ ghét bỏ, đối xử khắc nghiệt. Nhất là cha, ông gần như từ mặt tôi. 

Suốt thời gian đó, sau khi khóc hết nước mắt, tôi lại cố đứng lên để sống tiếp. Đến thời điểm hiện tại, tôi vẫn chưa nhận được sự chấp nhận nào từ cha. Tôi vẫn sống trong những tiếng la mắng, nước mắt tủi hờn”.

Tuy vậy, Hùng vẫn không bỏ cuộc. Bởi, trong bộ môn nghệ thuật ấy, nam sinh tìm thấy sự tự do, con người thật của mình.

Hiện, Hùng có thể tham gia múa bóng rỗi tại đình, miếu, sự kiện giao lưu văn hoá nghệ thuật...

Sau nhiền năm cố gắng, những nỗ lực của Hùng cũng được xã hội công nhận. Nam sinh có cơ hội biểu diễn ở các ngôi đình, miếu, sự kiện giao lưu văn hoá nghệ thuật tại sở Văn hoá các tỉnh, thành…

Những thành công ấy giúp nam sinh có được sự thông cảm, chia sẻ từ mẹ, bạn bè. Hiện tại, mẹ Hùng không còn giữ cái nhìn khắt khe về con. Thậm chí bà còn hỗ trợ con trai chuẩn bị đạo cụ, trang phục trong những lần biểu diễn.

Hùng chia sẻ: “Tôi sẽ theo đuổi bộ môn nghệ thuật này trọn đời. Với tôi, múa bóng rỗi là đam mê, là cuộc sống, con người thật của mình.

Tôi khao khát cống hiến cho bộ môn này để lưu truyền cho thế hệ mai sau. Ít nhất, tôi cũng sẽ làm cho mọi người thấy rằng múa bóng rỗi là một nét đẹp văn hoá, là nghệ thuật chứ không phải mê tín dị đoan”.

Múa bóng rỗi là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian có từ thời khai hoang, lập ấp vùng đất Nam Bộ cách đây hơn 300 năm.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nam Bộ, múa bóng rỗi là một loại hình nghệ thuật múa hát nghi lễ, thường được tổ chức vào các dịp lễ hội tại các đền miếu Nam Bộ hay cúng tạ thần tại tư gia.

Các tiết mục biểu diễn thường chia thành những phần riêng lẻ, nối tiếp nhau như: Khai tràng, Chầu mời – thỉnh tổ, mời tiên ra tuồng, phước lộc, hát chặp… 

*Ảnh nhân vật cung cấp