Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ vẫn giữ im lặng, không xác nhận vai trò của mình trong việc phát triển những vũ khí này. Tuy nhiên, nạn nhân của các vụ tấn công mạng này không thể im lặng lâu hơn nữa khi một loạt các bệnh viện, cơ sở nghiên cứu hạt nhân và các doanh nghiệp Mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Người ta đang có nghi vấn rằng các cơ quan tình báo của Mỹ đã quá vội vàng phát triển vũ khí công nghệ số mà không thể giữ nó an toàn hoặc phá hủy nó khi bị rơi vào tay tin tặc.

Các yêu cầu buộc NSA lên tiếng về vai trò của mình trong việc làm rò rỉ công cụ ngày càng nhiều. NSA cần có hành động để ngăn chặn các cuộc tấn công và không được phép che giấu những lỗ hổng an ninh cần khắc phục.

Trong khi đó, chính phủ Mỹ lại đổ lỗi cho nhiều bên. 2 tuần trước, Bộ An ninh Nội địa Mỹ nói rằng họ có bằng chứng chứng minh Triều Tiên liên quan đến vụ mã độc WannaCry tấn công vào hồi tháng 5 và vụ tấn công vào Ukraine hôm thứ 3 là do các hacker của Nga, dù không tuyên bố rõ thủ phạm là ai.

Trong cả hai trường hợp, hacker được cho là đều sử dụng công cụ do NSA phát triển để khai thác lỗ hổng trong phần mềm của Microsoft. Nhóm hacker này có tên gọi Shadow Brokers đã phát tán công cụ này trên mạng vào hồi tháng 4.

Chủ tịch của Microsoft là Brad Smith đã thẳng thắn chỉ trích NSA là nguyên do gây ra những sự cố lây lan trên diện rộng và yêu cầu tổ chức này hãy xem xét những thiệt hại đối với người dân khi đã che giấu những lỗ hổng yếu kém này.

Trong hơn hai tháng qua, tin tặc đã lợi dụng chính các lỗ hổng này để lấy thông tin mật từ các công ty Mỹ, các bệnh viện tại Anh và các nhà máy sản xuất tại Nhật Bản. Mã độc Petya vào hôm thứ 3 vừa qua đã tấn công vào 65 quốc gia và làm tê liệt một chi nhánh của Federal Express.

Theo các chuyên gia công nghệ, tình hình sẽ khó khả quan hơn bởi khi hệ thống mã hóa máy tính còn tồn tại lỗ hổng cho các công cụ gián điệp và vũ khí số, NSA sẽ còn tiếp tục che giấu những lỗ hổng ấy càng lâu càng tốt.