Dầu lửa là một trong những mặt hàng nhạy cảm về chính trị trong nhiều năm qua. Và giờ đây, bốn nền kinh tế lớn nhất châu Á đang đối mặt với khó khăn khi phải cân bằng giữa mong muốn chính trị và thực tại kinh tế.


Khi Mỹ và Liên minh châu Âu "cấm cửa" các hoạt động xuất khẩu dầu lửa của Iran, bốn cường quốc Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc đang phải hành động thận trọng giữa các mối quan hệ quốc tế và các nhu cầu nội địa.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất châu Á và lớn thứ hai trên thế giới, vẫn chưa tỏ bất cứ một dấu hiệu nào về việc liệu họ có giảm nhập khẩu từ Iran, bất chấp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner đã tới Bắc Kinh để thảo luận về vấn đề này.
 
Các tín hiệu xuất phát từ Ấn Độ cho thấy nước này muốn tiếp tục mối quan hệ của mình với Tehran. 

Nhật Bản cho biết, quốc đảo này sẽ thực hiện các biện pháp để giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu lửa Iran. Trong khi đó, Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á, nhiều khả năng sẽ chiều lòng Mỹ dù vẫn chưa cam kết bất cứ điều gì.

Sự khác biệt trong cách tiếp cận và lập trường riêng của mỗi nước nhiều khả năng sẽ mang ý nghĩa không chỉ đối với thị trường dầu lửa mà còn cả với sự thành công của các đòn cấm vận và tác động của chúng đối với châu Á. 

"Thực sự điều đó phục thuộc vào từng nước và cách thức họ làm theo các lệnh cấm vận của Mỹ và châu Âu", Amrita Sen thuộc Ngân hàng Barclays Capital (Anh) đánh giá.

"Tình hình phức tạp"

Tâm điểm chính nhiều khả năng sẽ là lập trường của Trung Quốc đối với vấn đề này. Bắc Kinh là nhà nhập khẩu lớn nhất về dầu lửa Iran ở châu Á, chiếm tới gần 20% tổng lượng xuất khẩu mặt hàng này của Iran. 

Bất cứ một sự giảm bớt nào về lượng dầu này đều sẽ gây tổn hại cho Iran. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, rất ít khả năng Trung Quốc quyết định hành động như vậy.

"Đây là một tình huống phức tạp, vì nó liên quan tới cả chính trị và kinh tế", trích lời Stephen Joske thuộc Economist Intelligence Unit, một tổ chức nghiên cứu thuộc tạp chí uy tín The Economist. "Trên mặt trận kinh tế, Trung Quốc đang dựa vào dầu lửa nhập khẩu nhiều chưa từng có so với trước kia".


Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc trong những năm gần đây đã chứng kiến sự gia tăng về nhu cầu dầu lửa ở đất nước này. Goldman Sachs dự báo Trung Quốc sẽ trở thành nhà nhập khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới trong vòng một năm rưỡi nữa.

Hiện nay, Trung Quốc nhập khoảng 11% lượng dầu lửa của nước này từ Iran và các nhà phân tích cho rằng, do nhu cầu nội địa rất lớn, không chắc Trung Quốc sẽ cắt bớt lượng nhập từ nước Cộng hòa Hồi giáo.

Trong khi đó, quan hệ chính trị của Trung Quốc với Mỹ cũng có thể đóng một vai trò. Theo giới phân tích, Bắc Kinh đang ngày càng thận trọng trước việc bị Mỹ chỉ bảo phải định hướng các chính sách của nước này như thế nào. 

"Chúng tôi đang tiến tới một điểm mà Trung Quốc nói đủ là đủ, chúng ta sẽ không thể can dự vào việc này", Tony Regan thuộc hãng tư vấn kinh doanh Tri-Zen nhận xét. 

"Bảo đảm các nguồn cung tương lai"

Ấn Độ cũng là một nhà nhập khẩu chủ chốt dầu lửa Iran ở châu Á, và không như Trung Quốc, nước này có các mối quan hệ chính trị ngày càng thân thiết hơn với Mỹ.

Tuy nhiên, các nhà chức trách Ấn Độ rất có thể sẽ theo chân Bắc Kinh chứ không đi theo Washington về vấn đề này.

"Họ đều là những cường quốc đang lên và đều là những nước tiêu thụ dầu lửa lớn", Amrita Sen nói. "Đối với họ, vấn đề về giá cả và số lượng là rất quan trọng, nên họ không muốn tham gia vào bất cứ một kế hoạch nào như vậy".

Theo bà Sen, về mặt lịch sử, Ấn Độ và Iran vẫn có các mối quan hệ tốt và họ nhiều khả năng sẽ tiếp tục làm ăn với nhau. "Điều này là về đảm bảo các nguồn cung tương lai", bà nhận xét thêm.

Mọi nghi ngờ về đường hướng mà Ấn Độ lựa chọn có thể sẽ trở nên rõ ràng sau khi chính phủ nước này thông báo sẽ cử một đoàn đại biểu tới Tehran trong tuần này để thảo luận về các nguồn cung dầu và những cách thức mà theo đó, nước này có thể thực hiện các khoản thanh toán với Ngân hàng Trung ương Iran. 

Tuân theo mệnh lệnh?

Mỹ đã có được một chút ủng hộ từ đồng minh lâu năm của nước này, Nhật Bản. Bộ trưởng Tài chính Nhật Jun Azumi đảm bảo với ông Geithner trong chuyến thăm của ông này tới Tokyo tuần trước, rằng Nhật Bản sẽ giảm bớt nhập khẩu dầu từ Iran.  

Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Hàn Quốc Hong Suk-woo được hãng tin Reuters dẫn lời nói rằng, dẫu còn quá sớm để cho biết nước này có cắt giảm nhập khẩu hay không, "lập trường cơ bản của Seoul là hợp tác với Mỹ".

Cộng lại, Nhật Bản và Hàn Quốc nhập khẩu hơn 20% lượng xuất khẩu dầu của Iran và một sự cắt giảm lớn từ hai nước sẽ có tác động rất lớn. 

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, mặc dù cuộc chiến ngôn từ giữa hai phía leo thang, họ ít có khả năng tạo ra những thay đổi mạnh mẽ.

"Tôi không nghĩ họ sẽ cắt tất cả nhập khẩu. Họ sẽ làm ở mức đủ để chứng tỏ họ đã có nỗ lực giảm bớt các hoạt động này và thay thế chúng bằng những nguồn khác", Victor Shum thuộc Purvin & Gertz bình luận. "Họ muốn được Mỹ chừa ra để các công ty Nhật Bản và Hàn Quốc có thể tiếp tục làm ăn với Ngân hàng Trung ương Iran", ông nói thêm.

Quyết định của Nhật cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi một nhu cầu ngày càng tăng cao về dầu lửa sau trận động đất và sóng thần năm 2011. Thảm họa kép này dẫn tới việc nhiều nhà máy điện hạt nhân bị đóng cửa. Và do vậy, các nhà cung cấp dịch vụ phải chuyển sang các nhà máy nhiệt điện vốn cần có dầu để hoạt động, khiến cho nhu cầu tăng cao.

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã nói rằng ông sẽ tham vấn cộng đồng doanh nghiệp trước khi ra quyết định cuối cùng về việc cắt giảm bất cứ một lượng dầu nhập khẩu nào từ Iran. 

Vì vậy, kể cả khi mong muốn chính trị là đứng về phía Liên minh châu Âu và Mỹ, Tokyo trước hết sẽ phải giải quyết được những thực tại kinh tế bên trong đất nước. 

  • Thanh Hảo (Theo BBC)