Điều chỉnh, thay đổi... thành ra chậm

Cuối tháng 12/2019, Tổng giám đốc Công ty CP Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt (Vietstar) Phạm Trịnh Phương ký văn bản gấp gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị về dự án nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất.

Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đã có Báo cáo kết quả thẩm định chủ trương đầu tư xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất và đề nghị Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương đầu tư, giao cho Tổng công ty Cảng Việt Nam (ACV). Dự án này có diện tích sàn khoảng xây dựng khoảng 110.000m2, công suất 20 triệu hành khách/năm với tổng vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng.

{keywords}
Một phần bản vẽ quy hoạch nhà ga T3 lưỡng dụng theo Quyết định 3193 ngày 7/9/2015 của Bộ GTVT gồm 2 khu nhà ga hàng không lưỡng dụng và sân đỗ máy bay lưỡng dụng

Tuy nhiên, vị trí xây dựng nhà ga lại là khu đất 16,37ha hiện là đất quốc phòng tại Tân Sơn Nhất, tiếp giáp và chồng lấn với khu đất 10ha mà Quân chủng Phòng không Không quân (Bộ Quốc phòng) đã giao cho Vietstar nhiều năm qua.

Mảnh đất này, ngoài hai hangar đã được xây dựng và đang tiến hành sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay cho nhiều hãng hàng không trong nước, ông Phạm Trịnh Phương cho hay là “đất sạch” đã được di dời, giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn,... chỉ chờ được cơ quan chức năng “bật đèn xanh” là có thể xây dựng nhà ga Hàng không lưỡng dụng phù hợp với quy hoạch về Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phê duyệt tại Quyết định 3193 ngày 7/9/2015.

Thế nhưng, tại Quyết định 1942 ngày 31/8/2018 điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cảng Tân Sơn Nhất giai đoạn 2020 định hướng 2030 do Thứ trưởng Lê Đình Thọ ký lại không có nhà ga T3 lưỡng dụng như đã được phê duyệt.

Để mở rộng cảng hàng không Tân Sơn Nhất lên công suất 50 triệu hành khách/năm, công ty tư vấn Pháp ADPi đã từng đề xuất xây dựng một nhà ga T3 rất lớn, diện tích lên sàn tới 200.000m2, phục vụ cả nội địa và quốc tế, với diện tích trên dưới 30ha, bao gồm cả 16,37ha nêu trên cộng với khu đất 10ha mà Vietstar được giao và một số khu đất quốc phòng tiếp giáp.

Tuy nhiên, khi Bộ GTVT quyết định điều chỉnh quy hoạch nhà ga T3 tại QĐ 1942, mặt sàn xây dựng chỉ nằm trên phần diện tích 16,37ha.

Mới đây nhất, phản hồi văn bản của Vietstar gửi Thủ tướng Chính phủ, tại văn bản do Thứ trưởng Lê Anh Tuấn ký ngày 31/1/2020, Bộ GTVT cũng cho rằng, quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất được Chính phủ phê duyệt năm 2015 tại Quyết định 3193 nêu trên không có nhà ga hàng không lưỡng dụng và quy hoạch mới điều chỉnh năm 2018 cũng không có nhà ga lưỡng dụng như doanh nghiệp đề cập.

Do đó, dự án đầu tư xây dựng nhà ga hàng không lưỡng dụng T3 của Vietstar, theo Bộ GTVT, là nằm trên phạm vi đất quốc phòng nên đề nghị doanh nghiệp làm việc lại với Bộ Quốc phòng về vấn đề này.

Trao đổi mới đây, Tổng giám đốc Phạm Trịnh Phương bày tỏ sự lo lắng, vì Vietstar không biết phải tiếp tục thực hiện như thế nào vì "dự án đã có, DN cũng đã được giao đất, đã và đang tiến hành nhiều công việc chuẩn bị đầu tư dự án nhà ga lưỡng dụng T3”.

Bao giờ T3 mới được khởi công?

Sau khi được Bộ KH-ĐT thẩm định chủ trương đầu tư xây dựng nhà ga T3 và đề nghị Thủ tướng xem xét, quyết định giao cho ACV về chủ đầu tư nhà ga T3, ngày 13/1/2020, liên quan đến dự án, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ KH-ĐT khẩn trương có ý kiến kết luận rõ ràng dự án đã đủ cơ sở pháp lý để Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư; đồng thời làm rõ nguồn vốn đầu tư dự án, không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.

Như vậy, đến thời điểm này, Chính phủ vẫn chưa có quyết định chính thức về việc có chủ trương giao cho ACV là chủ đầu tư thực hiện dự án T3 như đề xuất của các bộ, ngành, dù dự án nhà ga T3 được đề xuất là dự án cấp bách và phải khởi công trong năm nay.

Trên thực tế, để giải quyết tình trạng quá tải về hạ tầng tại sân bay Tân Sơn Nhất, tháng 3/2019, Bộ GTVT và ACV triển khai Dự án xây mới nhà ga T3. Tuy nhiên, do ACV đã là công ty cổ phần (dù vốn nhà nước chi phối với 95,4%) nên buộc phải tham gia đấu thầu. Do đó, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ đưa dự án nhà ga T3 vào danh mục dự án cấp bách và giao cho ACV thực hiện bằng vốn đầu tư của doanh nghiệp, không sử dụng nguồn ngân sách. Ủy ban quản lý vốn Nhà nước cũng có văn bản gửi Chính phủ thống nhất với đề xuất này của Bộ GTVT.

{keywords}
San bay Tân Sơn Nhất ngày càng quá tải, cần được gấp rút nâng cấp trong khi chờ sân bay quốc tế Long Thành khởi công

Nếu được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, ACV cam kết đảm bảo sẽ đưa T3 vào hoạt động từ năm 2022 với điều kiện được giao làm dự án từ năm 2020 (tiến độ thực hiện dự án là 37 tháng kể từ ngày được phê duyệt chủ trương đầu tư).

Trong khi đó, với Quyết định 3193, có thể nói chủ trương đầu tư dự án nhà ga T3 đã có từ 15 năm nay. Công ty Vietstar, từ năm 2015 đã xây dựng dự án nhà ga lưỡng dụng T3 Tân Sơn Nhất với tổng mức đầu tư 2.126 tỷ đồng, công suất 9,8 triệu hành khách/năm (giai đoạn I) đã được các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng thông qua. 

Với quyết định 3193, Vietstar hoàn thiện thủ tục và chuẩn bị đầu tư. Tại văn bản này, quy hoạch khu hàng không lưỡng dụng trên đất quốc phòng đã được đưa vào và được thể hiện rõ trên bản vẽ quy hoạch ban hành kèm theo.

“Từ năm 2018, chúng tôi cũng nhiều lần gửi văn bản đến Bộ GTVT nhưng không nhận được hồi đáp. Do đó, Vietstar đề nghị được tiếp tục thực hiện dự án quy mô 9,8 triệu khách đã được phê duyệt hồi năm 2016”, ông Phạm Trịnh Phương kiến nghị.

Theo ông Phương, nếu được giao đầu tư, Vietstar cam kết hoàn thành sau 18 tháng thi công, vận hành thử.

Tại Việt Nam, ACV vẫn đang chiếm ưu thế khi quản lý, khai thác 21 cảng, duy nhất sân bay Vân Đồn do tư nhân đầu tư. Trong bối cảnh hàng không, du lịch đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, việc sớm có quyết định về chủ đầu tư, đẩy nhanh thời gian khởi công xây dựng nhà ga T3 trong khi chờ thị trường hồi phục để đón đầu lượng khách tăng mạnh trở lại là vô cùng cấp thiết.

Ngọc Hà