Huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu có tổng diện tích tự nhiên 90.000 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp có trên 45.000 ha, chiếm trên 50%.

Nằm dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn, Tân Uyên có nhiều khe, suối, có những dải đồng bằng ở độ cao trung bình khoảng 500 - 600m so với mặt nước biển và có một phần diện tích lòng hồ thủy điện Bản Chát; với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp trong việc trồng và phát triển cây chè, cũng như nhiều loại cây trồng khác.

W-tanuyen.png
Tân Uyên có lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp trong việc trồng và phát triển cây chè

Huyện có 10 đơn vị hành chính trực thuộc (9 xã và một thị trấn), dân số gần 60.000 người. Nhân dân các dân tộc trong huyện có truyền thống đoàn kết, cần cù, chụi khó, sáng tạo trong lao động sản xuất, không cam chịu đói, nghèo... là những lợi thế cơ bản để Tân Uyên phát triển kinh tế và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Từ những kinh nghiệm rút ra sau 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và những nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định, Tân Uyên đặt mục tiêu  đến năm 2025 có 9 bản thuộc 9 xã và 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, mỗi xã có từ 01 sản phẩm OCOP trở lên; xây dựng huyện nông thôn mới bền vững.

Để xây dựng huyện nông thôn mới bền vững Đảng bộ huyện Tân Uyên xác định: Tập trung lãnh đạo nâng cao toàn diện chất lượng các tiêu chí xây dựng xã, bản nông thôn mới nâng cao theo hướng đồng bộ, bền vững, có cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp công nghệ cao với công nghiệp chế biến, phát triển dịch vụ du lịch; tạo ra sản phẩm du lịch có chất lượng; tăng cường thu hút đầu tư trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa có thế mạnh của địa phương; bảo vệ môi trường sinh thái; đẩy mạnh quảng bá rộng rãi hình ảnh của Tân Uyên; nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn;...

Bởi vậy, Tân Uyên xác định công tác tuyên truyền tiếp tục là trọng tâm nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành và mọi người dân về xây dựng xã, bản nông thôn mới nâng cao, tạo sự thống nhất trong toàn Đảng bộ và hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong toàn xã hội để triển khai thực hiện.

Đồng thời tiếp tục nâng cao hiệu quả việc quản lý và sử dụng các nguồn đầu tư, các chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh và các ngành, đoàn thể vào địa phương gắn với khai thác và phát huy tốt mọi tiềm lực của huyện, của doanh nghiệp và người dân.

Tập trung xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất, tập trung sản xuất các sản phẩm chủ lực, có lợi thế so sánh; khai thác tiềm năng thế mạnh về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung; gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ, du lịch và tiêu thụ sản phẩm có thế mạnh của từng xã, bản; xây dựng, quảng bá nhãn hiệu nông sản hàng hóa, sản phẩm văn hóa, du lịch, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân.