- Theo số liệu của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), trong lần điều chỉnh tăng giá cước 3G vừa qua, có 45% thuê bao 3G giữ nguyên giá, 13% thuê bao được giảm giá gói cước, và 42% thuê bao bị tăng giá cước.

45% thuê bao 3G không tăng giá cước

Theo con số do ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn Thông (Bộ TT&TT) cung cấp tại buổi họp báo về một số nội dung quản lý viễn thông diễn ra chiều nay, 8/11, có khoảng 8,66% trong tổng số 91,21 triệu thuê bao di động phát sinh cước trong tháng 9/2013 (khoảng 7,9 triệu) bị tăng giá cước 3G trong đợt tăng giá vừa qua.

{keywords}
Ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông.

Trong khi đó, tổng số thuê bao sử dụng dịch vụ dữ liệu 3G hiện có khoảng 18,94 triệu thuê bao, chiếm khoảng 20,7% tổng số thuê bao di động phát sinh cước. Như vậy, số thuê bao 3G bị tăng giá cước trong đợt tăng giá lần này chiếm hơn 42% tổng số thuê bao 3G hiện có.

Cũng theo đó, số thuê bao được điều chỉnh giảm giá cước 3G chiếm khoảng 2,7% trên tổng số 91,21 triệu thuê bao di động trên toàn quốc phát sinh cước trong tháng 9/2013, tương đương khoảng 2,4 triệu thuê bao 3G được điều chỉnh giảm giá cước 3G. Như vậy, có thể tính toán rằng, tỉ trọng số thuê bao sử dụng 3G được giảm giá cước vào khoảng 13% tổng số thuê bao 3G.

Còn lại, 45% số thuê bao sử dụng 3G giữ nguyên giá cước trong đợt tăng giá cước vừa qua, với khoảng 8,5 triệu thuê bao.

Như vậy, có thể thấy, lần điều chỉnh tăng giá cước 3G lần này, bao gồm cả tăng cước (42%) và giảm cước (13%), đã tác động tới hơn một nửa (55%) tổng số thuê bao đang sử dụng dịch vụ 3G, chiếm khoảng hơn 10 triệu thuê bao.

Tăng cước 3G là hợp lý

Tuy vậy, theo ông Phạm Hồng Hải, “phương thức điều chỉnh, mức điều chỉnh và phạm vi điều chỉnh giá cước 3G như đã nêu trên là tương đối hợp lý và đảm bảo nguyên tắc tăng giá cước theo lộ trình từng bước đúng như chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.

Theo ông Phạm Hồng Hải, khi thẩm định việc đăng ký điều chỉnh giá cước dịch vụ dữ liệu 3G của các doanh nghiệp, Bộ TT&TT đã căn cứ vào các quy định của pháp luật về viễn thông, về giá, về cạnh tranh và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. 

{keywords}
Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng.

Theo đó, giá cước phải được xác định trên cơ sở giá thành, cung cầu của thị trường, mặt bằng giá cước khu vực, thế giới, đảm bảo môi trường cạnh tranh, hội nhập quốc tế và các doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường không được ban hành giá cước dịch vụ viễn thông thấp hơn giá thành.

Giá thành trung bình kế hoạch năm của 2013 đối với dịch vụ dữ liệu 3G là 187,4 đ/MB (đã bao gồm VAT) trong khi mức giá cước trung bình trên thị trường là 100 đ/MB (đã bao gồm VAT), chỉ bằng 54% giá thành, ông Hải cho biết.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn đầu triển khai dịch vụ 3G, số lượng người dùng ít nên để phát triển thuê bao và khai thác hiệu quả hạ tầng đã được đầu tư, các doanh nghiệp đã hạ giá cước xuống thấp. Tuy nhiên, hiện nay số thuê bao dịch vụ dữ liệu 3G đã tăng mạnh, đến 18,9 triệu thuê bao, dung lượng tăng mạnh, vượt quá khả năng cung cấp dịch vụ với chất lượng đảm bảo của mạng lưới. Do vậy, để có thể tái đầu tư mở rộng mạng lưới, nâng cao chất lượng dịch vụ thì việc tăng giá cước dịch vụ 3G là cần thiết.

Cũng theo ông Hải, giá cước dịch vụ dữ liệu 3G của Việt Nam sau khi điều chỉnh trung bình là 111 đ/MB, chỉ bằng 34,9% so với giá cước trung bình của khu vực ASEAN là 318 đ/MB. Và nếu chỉ so sánh tương đối theo thu nhập quốc dân bình quân đầu người (GNI) thì mức giá của Việt Nam (4,8 USD) chỉ bằng 18% (trả trước) đến 27% (trả sau) so với mặt bằng chung của thế giới và bằng 34% (trả trước) đến 57% (trả sau) so với mặt bằng chung khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Ông Hải cũng cho biết, mức điều chỉnh trung bình về giá cước lần này đối với các gói cước tăng là 15%, mức điều chỉnh trung bình về giá cước đối với các gói cước giảm là 4,9%. Như vậy, tính cả mức điều chỉnh tăng do thay đổi phương thức tính cước sang block 50KB+50KB thì tổng mức điều chỉnh tăng là 20%, mức tăng được cho là hợp lý.

Sẽ tiến hành kiểm tra

Trả lời câu hỏi của báo chí về tính chính xác của báo cáo giá thành do doanh nghiệp đưa ra, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng khẳng định, việc tính toán giá thành của doanh nghiệp dựa trên quy định cụ thể của pháp luật về tài chính, kế toán. Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng đã ban hành thông tư quy định phương pháp tính toán giá thành của các doanh nghiệp.

“Các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về báo cáo giá thành của mình và hàng năm cũng sẽ có các đợt thanh tra, kiểm toán và các đợt thanh kiểm tra của các cơ quan quản lý về giá để kiểm soát chặt chẽ mức giá thành này”, Thứ trưởng Thắng nói.

Về việc tăng giá cước 3G, Thứ trưởng Thắng cũng cho biết, căn cứ quan trọng nhất của việc tăng giá cước là giá thành. Hiện tại giá thành chưa đạt được thì phải tiếp tục điều chỉnh. Đây không chỉ là chủ trương của Thủ tướng Chính phủ mà còn là quy luật của thị trường nói chung. Vì thế, trong thời gian tới, tất cả các giá cước dịch vụ, không chỉ giá cước 3G sẽ điều chỉnh đảm bảo các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả trên cơ sở giá thành.

“Chúng ta phải coi việc tăng hay giảm giá là hoạt động rất bình thường trong hoạt động của doanh nghiệp”, Thứ trưởng Thắng nói.

Nói về chất lượng 3G trong thời gian vừa qua, Thứ trưởng Thắng thừa nhận, trong giai đoạn vừa qua, chất lượng dịch vụ ở một số thời điểm và một số khu vực còn thấp vì số lượng người dùng rất đông, trong khi hạ tầng không được tiếp tục đầu tư mở rộng. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Thắng, nếu như không có nguồn thu thì sẽ không thể mở rộng mãi được.

“Cùng với việc tăng giá cước, chúng tôi cũng yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư nâng cấp mở rộng mạng lưới để đảm bảo chất lượng dịch vụ theo quy định khi các doanh nghiệp thi tuyển 3G đã cam kết với Bộ TT&TT các chất lượng dịch vụ”, Thứ trưởng Thắng khẳng định.

  • Lê Văn