Nhằm tăng cường các giải pháp về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình phù hợp với tình hình hiện nay, những năm qua, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã chủ động xây dựng, ban hành và trình ban hành các đề án, chương trình.
Đơn cử như Nghị định về công tác gia đình; Chiến lược Phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình Việt Nam; Đề án Tổ chức Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 hàng năm; Chương trình quốc gia về giáo dục đời sống gia đình; các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và tăng cường phòng, chống bạo lực gia đình...
Theo đánh giá của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch việc thực hiện những chương trình này đã mang lại hiệu ứng tích cực, giúp mỗi người thêm trân trọng, giữ gìn giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình.
“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được xác định là phong trào quần chúng rộng lớn nhằm đưa yếu tố văn hóa vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, giúp xây dựng con người văn hóa, cộng đồng văn hóa, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân và sự phát triển của đất nước. Trong đó, xây dựng gia đình văn hóa là một mục tiêu quan trọng của phong trào này, hướng đến việc củng cố cộng đồng văn minh, phát triển lành mạnh ngay từ chính mỗi gia đình.
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi tới Bộ Tư pháp, sau 5 năm thực hiện Nghị định số 122/2018 của Chính phủ, cả nước có hơn 20 trên hơn 23 triệu gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa" (đạt tỷ lệ trên 89%); gần 67.500/87.126 khu dân cư đạt danh hiệu "Thôn văn hóa", "Làng văn hóa", "Ấp văn hóa", "Bản văn hóa", "Tổ dân phố văn hóa" (tỷ lệ trên 77%).
Bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo, các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, nổi bật trên nhiều lĩnh vực đã lan tỏa ở khắp các địa phương. Nhiều gia đình đã trở thành tấm gương sáng, là hạt nhân đi đầu trong các phong trào thi đua, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Đưa Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình thực sự đi vào cuộc sống
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình nhẳm củng cố thêm chất lượng của phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Theo đó, Bộ tiêu chí bao gồm 5 nội dung chính: Tiêu chí ứng xử chung (tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ); tiêu chí ứng xử của vợ, chồng (chung thủy, nghĩa tình); tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu (gương mẫu, yêu thương); tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà (hiếu thảo, lễ phép) và tiêu chí ứng xử của anh, chị, em (hòa thuận, chia sẻ).
Bộ tiêu chí nhằm xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó là việc củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội...
Nhiều địa phương từ cấp xã, huyện, tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Bộ tiêu chí này, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về giá trị văn hóa truyền thống; giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững; xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống và tệ nạn xã hội…
Tại Hà Nội, thành phố phấn đấu đến năm 2025 đạt 70% gia đình đăng ký thực hiện bộ tiêu chí và 80% gia đình được cung cấp tài liệu về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã tổ chức các tọa đàm chia sẻ cách làm và kinh nghiệm hay trong thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, góp phần nâng cao chất lượng gia đình văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Nhận thức được ý nghĩa thiết thực, gần gũi của Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, nhiều địa phương, ban, ngành, đoàn thể ở Hà Nội tích cực tuyên truyền về bộ tiêu chí. Nhiều gia đình lựa chọn phương pháp "mưa dầm thấm lâu" để các con, cháu, hiểu và thực hiện nghiêm túc.
Đơn cử như gia đình ông Nguyễn Văn Đức, Tổ dân phố số 13, phường Bồ Đề (quận Long Biên). Gia đình ông gồm 12 người, 3 thế hệ, trong đó có 8 người cùng sinh sống trong một mái nhà tại phường Bồ Đề. Việc tuyên truyền, triển khai nội dung Bộ tiêu chí không "đao to búa lớn", khó khăn mà rất nhẹ nhàng...
Ông cho biết, bắt đầu từ những câu chuyện nho nhỏ với con trẻ, tiếp đến là những bữa cơm, những khi có cả người lớn tề tựu, rồi các hoạt động tập trung dịp lễ, tết, kỷ niệm, sinh nhật có cả gia đình lớn, người lớn trong gia đình đều lồng ghép, nói chuyện về việc ứng xử, về sự tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và sẻ chia...