Cuối năm ngoái, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Quyết định số 1945/QĐ-NHNN về việc ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định số 941/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, mục tiêu tổng quát của Ngân hàng Nhà nước đề ra trong kế hoạch nhằm góp phần xây dựng một cơ chế phòng, chống rửa tiền có hiệu quả ở Việt Nam; thực hiện trách nhiệm là cơ quan đầu mối của Việt Nam trong Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG), phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện trách nhiệm thành viên của Việt Nam trong APG.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước mong muốn góp phần bảo vệ tốt nhất lợi ích của quốc gia, của các tổ chức và cá nhân trong nền kinh tế, tăng cường sự ổn định của hệ thống ngân hàng, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đặc biệt, vừa mới đây, hôm 29/8/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã công bố Dự thảo Đề án thành lập Cục Phòng, chống rửa tiền, trên cơ sở tổ chức lại Cục Phòng, chống rửa tiền (trước đây thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN) thành Cục Phòng, chống rửa tiền thuộc NHNN.

Tính từ năm 2013 đến nay, số lượng giao dịch đáng ngờ được Cục Phòng, chống rửa tiền phát hiện không ngừng gia tăng qua các năm. Từ những thông tin mà Cục Phòng, chống rửa tiền cung cấp, các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, thanh tra, kiểm tra... Trong đó, có 21 vụ việc đã có quyết định khởi tố, 15 vụ việc được truy thu thuế với tổng số tiền truy thu là hơn 257 tỷ đồng, 159 vụ việc có văn bản đề nghị cung cấp bổ sung thông tin, 1 vụ việc đã có quyết định xử phạt hành chính, 5 vụ việc có kết quả xử lý khác.

Về cung cấp thông tin theo yêu cầu, Cục Phòng, chống rửa tiền đã nhận và xử lý khoảng 2.297 lượt văn bản, vụ việc từ các cơ quan có thẩm quyền gửi đến, đề nghị rà soát, cung cấp thông tin liên quan tới bị can hoặc đối tượng trong các vụ án.

Ngoài ra, Cục Phòng, chống rửa tiền đã có 155 văn bản yêu cầu phía nước ngoài cung cấp thông tin và đã nhận được 66 văn bản phản hồi, cung cấp thông tin. Các đề nghị của Cục Phòng, chống rửa tiền thường gắn với tội phạm, vụ việc về tổ chức đánh bạc, giao dịch đáng ngờ. Tuy nhiên, số lượng các phản hồi của đối tác nước ngoài đối với các đề nghị của Cục Phòng, chống rửa tiền còn hạn chế so với số yêu cầu gửi đi. Theo thông tin từ các đối tác, nguyên nhân chính của việc không phản hồi hoặc không cung cấp thông tin là do Cục Phòng, chống rửa tiền chưa ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) về trao đổi thông tin với các đối tác này.

Từ năm 2009 đến nay, hệ thống công nghệ thông tin của Cục Phòng, chống rửa tiền đang lưu trữ thông tin của 720 triệu giao dịch liên quan đến 108 triệu tài khoản của 21 triệu khách hàng. Các thông tin này không những phục vụ quá trình phân tích thông tin giao dịch đáng ngờ, còn hỗ trợ cho các cơ quan chức năng trong quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Yêu cầu về công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố trong tình hình mới ngày càng gia tăng, đặt ra áp lực ngày càng lớn đối với hoạt động của Cục Phòng, chống rửa tiền, đòi hỏi đơn vị phải có sự thay đổi để nâng cao hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, với mô hình tổ chức hiện nay, hoạt động của Cục Phòng, chống rửa tiền đã và đang bộc lộ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Do đó việc thành lập Cục Phòng, chống rửa tiền, trên cơ sở tổ chức lại Cục Phòng, chống rửa tiền (trước đây thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN) thành Cục Phòng, chống rửa tiền thuộc NHNN là phù hợp yêu cầu tình hình mới.

Trung Vũ