Tại chương trình, các đoàn viên, thanh niên, hộ sản xuất nông sản được chuyên gia chia sẻ một số nội dung như: Thực trạng xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP trên không gian số; giới thiệu tổng quan về các nền tảng xã hội; hướng dẫn xây dựng, phát triển kênh, các bước sáng tạo nội dung video bán hàng; quy trình vận hành, phương thức và tối ưu hiệu quả bán hàng...
Ngoài ra, các đoàn viên còn được giới thiệu về các giải pháp thu hút người xem và khách hàng; cách thức truyền đạt thông tin về sản phẩm với khách hàng thông qua hoạt động livestream. Các nhà sáng tạo nội dung đã livestream bán hàng trực tiếp trên 20 sản phẩm OCOP là nông sản, đặc sản của tỉnh Sơn La trên nền tảng mạng xã hội. Qua đó, giúp đoàn viên, thanh niên tiếp cận nhanh các xu hướng mới, năng động, sáng tạo, đi đầu trong chuyển đổi số, khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển kỹ năng bán hàng, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.
Chị Hoàng Yến, xã Chiềng Khoong chia sẻ, thu nhập của gia đỉnh chủ yếu là từ việc trồng cây ăn quả như: nhãn, xoài… Việc tiêu thụ sản phẩm chủ yếu là bán cho thương lái đến mua tận vườn, hay mang ra chợ đầu mối bán giá cả không được ổn định.
Sau khi được tập huấn về bán hàng trên nền tảng mạng xã hội tôi thấy rất hay và có thể áp dụng tại gia đình, bản thân có thể tự tin bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội. Việc bán hàng trên nền tảng mạng xã hội không chỉ nâng cao thu nhập mà còn đẩy mạnh quảng bá sản phẩm nông nghiệp do đoàn viên thanh niên tao ra đến với thị trường.
Trước đây, gia đình anh Bạc Cầm Nhất, xã Bó Sinh bán hàng theo phương thức truyền thống là thông qua các thương lái, chợ đầu mối.
Những năm gần đây, với sự phổ biến của các nền tảng số, mạng xã hội thì người dân và đoàn viên, thanh niên đã từng bước tiếp cận việc bán hàng theo phương thức mới. Tuy nhiên, việc bán hàng trên các nền tảng số vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, không bài bản. Việc được tập huấn, nâng cao kiến thức về vận hành, bán hàng nông sản trên nền tảng số sẽ giúp người dân cũng như đoàn viên, thanh niên thuận lợi hơn khi tiêu thụ sản phẩm.
Mang đến những kiến thức cơ bản về vận hành bán hàng nông sản trên nền tảng số
Hiện tỉnh Sơn La có 110 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 5 sao cấp quốc gia. Nhiều sản phẩm OCOP đã khẳng định được giá trị không chỉ trong nước mà vươn ra thị trường quốc tế. Các sản phẩm được công nhận đều mang đặc trưng sản xuất của các làng nghề truyền thống, phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương như: Nhãn sông Mã, Mận hậu Sơn La, Chè Tà Xùa, Cà phê Bích Thao, Thịt trâu gác bếp, Cao Sâm Ngọc Linh, Tỏi đen...
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Sơn La Nguyễn Tuấn Anh thông tin, với sự đồng hành hỗ trợ của tổ chức Đoàn, phong trào phát triển kinh tế trong đoàn viên, thanh niên tỉnh Sơn La đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ xuất hiện, đem lại hiệu quả cao, cho thu nhập ổn định. Điển hình như các mô hình du lịch nghỉ dưỡng homestay, mô hình Hợp tác xã chế biến sản phẩm trà, cà phê, nhãn, mật ong, hoa quả sấy...
Những mô hình này đa dạng trên các lĩnh vực, đem lại hiệu quả kinh tế cao tại địa phương, tạo việc làm cho nhiều lao động, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn. Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) giai đoạn 2021-2025, việc đẩy mạnh hoạt động xây dựng thương hiệu, tuyên truyền quảng bá và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP trên phương tiện số là một trong những giải pháp trọng tâm của Đoàn thanh niên.
Thông qua đó, mang đến những kiến thức cơ bản về vận hành bán hàng nông sản trên nền tảng số cho người dân và đoàn viên, thanh niên. Đồng thời, việc chuyển đổi số trong quảng bá, tiêu thụ nông sản là cơ hội để các chủ cơ sở sản xuất dễ dàng tiếp cận đến nhiều người tiêu dùng, từ đó góp phần phát triển kinh tế của địa phương.