Bảo vệ an ninh kinh tế được Đảng ta quan tâm chỉ đạo từ trong đàm phán gia nhập các tổ chức, diễn đàn kinh tế khu vực và thế giới, cũng như quá trình ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhằm tạo những tiền đề cơ bản để hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa luôn đảm bảo nguyên tắc giữ vững độc lập, tự chủ, vận hành theo quy luật khách quan; từng bước đổi mới, hoàn thiện thể chế phù hợp, không ngừng đa dạng hóa, đa phương hóa với các quan hệ hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế-xã hội, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác cụ thể. Đảng ta xác định "Bảo đảm an ninh kinh tế là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, trước hết là của người đứng đầu" và yêu cầu "phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng công an với các ban, bộ, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, giữa Trung ương và địa phương trong công tác bảo đảm an ninh kinh tế".
Cùng với các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương; luật, nghị định, quyết định của Quốc hội, Chính phủ; các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động, văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa theo thẩm quyền của các cấp ủy, tổ chức đảng, các bộ, ngành Trung ương và địa phương liên quan công tác bảo vệ an ninh kinh tế. Lần đầu tiên, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 5/1/2017 về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế"(Chỉ thị số 12) để lãnh đạo toàn diện công tác bảo vệ an ninh kinh tế.
Bám sát và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 12 của Bộ Chính trị, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã tập trung chỉ đạo các cấp ủy đảng trong Công an nhân dân nắm chắc tình hình về những biến động từ tình hình kinh tế thế giới tác động đến kinh tế Việt Nam; chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước các giải pháp bảo đảm an ninh kinh tế trong quá trình tham gia soạn thảo, ký kết và triển khai thực hiện các cam kết quốc tế song phương và đa phương tại các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ phục vụ điểm công tác bảo đảm an ninh kinh tế, trong đó có việc thể chế hóa quan phát triển kinh tế gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh và an ninh với phát triển kinh tế-xã hội.
Mác từng nói "Kẻ nào thống trị về kinh tế, kẻ đó thống trị về chính trị" và qua thực tiễn công tác bảo vệ an ninh kinh tế cho thấy, các thế lực thù địch, phản động luôn triệt để lợi dụng quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta để tác động nội bộ, chuyển hóa thể chế, chính sách, pháp luật, thúc đẩy quá trình thay đổi Hiến pháp và hệ thống pháp luật của Việt Nam theo tiêu chí phương Tây nhằm mục tiêu chuyển hóa chính trị ở Việt Nam; thông qua hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư tìm cách chi phối, tạo sự lệ thuộc; tận dụng mọi điều kiện thuận lợi trong đàm phán, ký kết, triển khai các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để thâm nhập, tác động, chuyển hóa nội bộ và thể chế chính trị của Việt Nam. Đây là những yếu tố phức tạp không thể xem thường, không thể mất cảnh giác.
Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, cạnh tranh nước lớn về kinh tế ngày càng gay gắt, nguy cơ kinh tế thế giới suy thoái chưa thể loại trừ... sẽ tác động trực tiếp, nhiều mặt đến kinh tế Việt Nam - nền kinh tế có độ mở cao, thực lực và tiềm lực chưa bền vững. Trong điều kiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, trình độ quản lý chưa theo kịp tốc độ phát triển; thể chế kinh tế thị trường chưa hoàn thiện; cơ chế, chính sách, pháp luật còn thiếu đồng bộ; ngày càng tham gia sâu, rộng vào nhiều định chế kinh tế, tài chính quốc tế, khiến Việt Nam chịu nhiều bất lợi và sức ép, gia tăng khả năng các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề kinh tế để xâm phạm an ninh quốc gia, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao đối với bảo vệ an ninh kinh tế.
Để tăng cường bảo vệ an ninh kinh tế trong tình hình mới, Đảng ủy Công an Trung ương tập trung lãnh đạo các cấp ủy trong công an tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ an ninh kinh tế, trọng tâm Chỉ thị số 12 của Bộ Chính trị trong toàn lực lượng Công an nhân dân,
Chỉ đạo cấp ủy các cấp trong Công an nhân dân tăng cường công tác tham mưu, phối hợp với cấp ủy đảng các cấp, nhất là người đứng đầu cấp ủy các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp kinh tế và cấp ủy, chính quyền các địa phương phát huy vai trò, trách nhiệm đối với công tác bảo vệ an ninh kinh tế. Thường xuyên phân tích, đánh giá, dự báo các nguy cơ, thách thức đe dọa an ninh kinh tế trên từng lĩnh vực; đi đôi với các hình thức tuyên truyền phù hợp để thống nhất nhận thức, trước hết là đối với người đứng đầu các tổ chức đảng, cơ quan, doanh nghiệp về nguy cơ, thách thức và ý nghĩa tầm quan trọng của công tác bảo đảm an ninh kinh tế. Từ đó, chủ động tự giác thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của pháp luật về phát triển kinh tế- xã hội, loại bỏ từ sớm, từ xa các sơ hở, thiếu sót, các nguy cơ, thách thức về bảo đảm an ninh kinh tế.
Tập trung chỉ đạo lực lượng an ninh kinh tế nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trên lĩnh vực kinh tế. Tăng cường tham mưu với Đảng, Nhà nước bảo đảm an ninh kinh tế trong quá trình thực hiện các cam kết và mở rộng hợp tác quốc tế trên lĩnh vực kinh tế; chủ động phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm kinh tế từ xa, từ ngoài biên giới lãnh thổ; nâng cao hiệu quả công tác thẩm định, đánh giá, giám sát về an ninh, trật tự đối với các chương trình, đề án, dự án đầu tư nước ngoài, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vi phạm pháp luật cũng như hoạt động gây phương hại, đe dọa gây phương hại đến an ninh kinh tế, an ninh quốc gia.
Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng trong Công an nhân dân; bảo đảm sự lãnh đạo thường xuyên, tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế. Cấp ủy, lãnh đạo công an các cấp tiếp tục gương mẫu, đi đầu, với tinh thần nói đi đôi với làm, thể hiện sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, tư tưởng và hành động, nhận thức và việc làm trong công tác chuyên môn cũng như trong sinh hoạt, xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết số 12 ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị.
Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lực lượng an ninh kinh tế có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; kiên định với mục tiêu, lý tưởng cách mạng; có phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, liêm chính, gương mẫu; nắm vững pháp luật, tinh thông nghiệp vụ, giỏi về chuyên môn và ứng dụng khoa học công nghệ vào nhiệm vụ, phải là chuyên gia trên từng lĩnh vực kinh tế được phân công phụ trách, có khả năng tham mưu chiến lược và dự báo đúng, trúng tình hình. Mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng an ninh kinh tế phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện theo 6 điều Bác Hồ dạy lực lượng Công an nhân dân, coi đó là kim chỉ nam trong mọi hành động.
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an