Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho sự phát triển của thị trường tài chính.
Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cần rà soát, trình Quốc hội bổ sung, chỉnh sửa các Luật, Nghị định có liên quan đến sự phát triển TTTC, như: Luật Tổ chức tín dụng, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Kế toán, quản lý ngoại hối, thanh toán,... theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, sát với thông lệ quốc tế, để các dự luật có tính ổn định lâu dài. Điều chỉnh hoạt động công bố thông tin của các chủ thể tham gia thị trường theo nguyên tắc công khai, công bằng, kịp thời và minh bạch.
Rà soát, sửa đổi một số quy định về mức phạt trong lĩnh vực chứng khoán, tín dụng, dịch vụ ngân hàng, kinh doanh tiền tệ, bảo hiểm, thanh toán và các dịch vụ có liên quan đến TTTC theo hướng bao quát được tất cả các hành vi vi phạm, xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm để đảm bảo tính khả thi của pháp luật. Từng bước nâng cao nhận thức của các chủ thể tham gia thị trường về tuân thủ pháp luật, coi việc tuân thủ pháp luật là nhu cầu tự thân.
Nâng cao năng lực giám sát TTTC, tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý, giám sát tài chính như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia,… thông qua hình thành cơ chế Hội đồng ổn định tài chính để các cơ quan nêu trên cùng thống nhất nhận diện, đánh giá các rủi ro của TTTC và phối hợp chính sách ứng phó một cách có hiệu quả, kịp thời.
Ban hành các quy định về huy động và sử dụng vốn thông qua các kênh truyền thống và cả các kênh phi truyền thống (các hình thức huy động của công nghệ tài chính, qua mạng xã hội, của các tổ chức, cá nhân huy động biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau).
Rà soát công cụ thuế trong chính sách tài chính đối với các chủ thể ứng dụng đồng bộ công nghệ trên các TTTC, phát triển các kênh phân phối mới qua các thiết bị thông minh, ứng dụng rộng rãi công nghệ hiện đại trong xác thực giao dịch,...
Thứ hai, tiếp tục cơ cấu lại thị trường tài chính.
Đẩy mạnh tái cơ cấu ngân hàng thương mại và xử lý nợ xấu, tạo lập hệ thống cơ sở hạ tầng tài chính để xử lý nợ xấu, tăng khả năng cung cấp tín dụng ra nền kinh tế.
Tiếp tục mở rộng và phát triển thị trường vốn theo chiều sâu, tăng cường hội nhập. Tự do hóa hoạt động thị trường theo hướng loại bỏ bớt các điều kiện tiếp cận thị trường, cho phép các tổ chức doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường hơn. Mở rộng thị trường chứng khoán dưới hình thức áp dụng cơ chế đại chúng hóa, phát hành ra công chúng gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch. Tập trung phát triển cơ sở nhà đầu tư có tổ chức, tiếp tục thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đa dạng hóa cấu trúc sản phẩm trên thị trường phái sinh.
Cơ cấu lại các nhà đầu tư trên thị trường, đặc biệt là nhà đầu tư có tổ chức, đảm bảo có đầy đủ các yếu tố cấu thành một thị trường hiệu quả. Cụ thể là, thực hiện tái cấu trúc các chủ thể tham gia thị trường theo hướng xây dựng các tiêu chí để thanh lọc một số tổ chức yếu kém kể cả công ty chứng khoán và ngân hàng; rà soát và phát triển thêm các nhà đầu tư có tổ chức; hình thành thêm các sở giao dịch/sàn giao dịch/trung tâm thị trường còn thiếu, tạo nơi mua bán đầy đủ và kết nối với các sở giao dịch/sàn giao dịch hiện có; phát triển các thành viên chuyên nghiệp trên các TTTC theo các tiêu chí, điều kiện cụ thể, công khai. Một số vấn đề khác cần được đồng bộ phát triển, đó là hình thành và phát triển các nhà môi giới chuyên nghiệp trên các TTTC, tránh sự phát triển tự phát trong môi giới (bất động sản, tiền tệ,...), gây hoang mang các nhà đầu tư.
Ba là, sử dụng có hiệu quả chính sách tài khóa để điều tiết TTTC.
Sử dụng hợp lý công cụ chi ngân sách nhà nước để kiểm soát thị trường vốn, đổi mới hoạt động lập và phân bổ dự toán ngân sách nhà nước; tăng cường công tác quản lý tài sản công, phòng chống tham nhũng, lãng phí trong đầu tư công. Triển khai thực hiện tốt Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư,…; rà soát để tập trung phát triển doanh nghiệp trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, có ý nghĩa then chốt của nền kinh tế, trong đó thiết lập và tăng cường kiểm tra, giám sát về tài chính đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; phát hiện xử lý và cảnh báo việc chấp hành chính sách pháp luật về tài chính và khả năng mất cân đối về tài chính của doanh nghiệp; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính để thực hiện việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước; thí điểm góp vốn cổ phần để thành lập mới đối với một số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tập đoàn, tổng công ty.
Nghiên cứu và cải cách các chính sách thuế theo các giải pháp mà nhiều quốc gia đang triển khai, nhằm tạo điều kiện bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh giữa hệ thống tín dụng và thị trường vốn, bảo đảm sự bình đẳng về thu nhập giữa nhà đầu tư trên thị trường vốn và người gửi tiết kiệm; bình đẳng trong việc sử dụng nguồn tài chính huy động từ thị trường vốn cổ phần và nguồn tài chính từ hệ thống tín dụng.
Bốn là, phát huy vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong điều tiết, định hướng TTTC.
Tiếp tục đổi mới cơ chế điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, xác định rõ lãi suất chủ đạo, định hướng lãi suất thị trường. Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để hình thành đường cong lãi suất chuẩn, tăng cường tính thị trường của lãi suất tín phiếu Kho bạc, cũng như đa dạng hóa kỳ hạn của tín phiếu.
Ngân hàng Nhà nước sớm xây dựng hệ thống mạng theo dõi các hoạt động trên thị trường tiền tệ, nhất là hoạt động trên thị trường liên ngân hàng, nhằm nắm bắt kịp thời thông tin về tình hình thị trường phục vụ cho việc điều hành chính sách tiền tệ. Hoàn thiện hệ thống thông tin nội bộ ngành theo hướng tin học hóa, đảm bảo nắm bắt được đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin; tăng cường phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin giữa các Bộ, ngành để phục vụ công tác phân tích, dự báo tiền tệ.
Văn Điệp (lược ghi), Anh Dũng, Thanh Bình