Theo đó, Tổng cục Thuế cho biết, qua khảo sát công tác quản lý, sử dụng tem điện tử đối với sản phẩm rượu, thuốc lá cho thấy còn một số hạn chế trong việc quản lý tem. 

Đáng chú ý, còn có nhiều sản phẩm, nhất là rượu thủ công bày bán công khai, tiêu thụ trên thị trường trong tỉnh/thành phố, liên tỉnh/thành phố nhưng không đăng ký, dán tem. 

Nguyên nhân chủ yếu là do công tác phối hợp giữa các cấp, ngành tại địa phương với cơ quan thuế trong việc rà sát thực tế hoạt động sản xuất, quản lý cấp phép để xác định tổ chức, cá nhân thuộc diện quản lý sử dụng tem chưa được chặt chẽ, thường xuyên; chưa có cơ chế phối hợp để tham mưa cho UBND tỉnh, thành phố giải pháp đồng bộ trong quản lý, sử dụng tem điện tử đối với hoạt động sản xuất rượu, thuốc lá trên địa bàn; công tác tuyên truyền chưa thực sự định hướng và tác động mạnh mẽ đến ý thức tuân thủ của tổ chức, cá nhân sản xuất rượu, thuốc lá cũng như quyền lợi và nâng cao trách nhiệm của người tiêu dùng, nhân dân, tổ chức, cơ quan, đơn vị trên địa bàn trong việc quán triệt sử dụng sản phẩm đã dán tem theo quy định.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong việc quản lý tem điện tử đối với sản phẩm rượu và thuốc lá sản xuất tiêu thụ trong nước, góp phần quản lý sản lượng tiêu thụ, chống thất thu, tăng thu cho ngân sách Nhà nước, Tổng cục Thuế đề nghị cục trưởng cục thuế các tỉnh, thành phố triển khai một số nội dung, giải pháp.

246294 30 6 tem dien tu.jpg

Cụ thể, UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo UBND cấp huyện, các cấp, ngành, hiệp hội doanh nghiệp, liên minh hợp tác xã,... phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế tiếp tục quán triệt, chỉ đạo triển khai quyết liệt công tác quản lý tem điện tử thuốc lá, tem điện tử rượu trên địa bàn theo Thông tư số 23/2021/TT-BTC, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm bày bán, lưu thông trên địa bàn; đẩy mạnh công tác truyền thông đến từng phường xã, thôn bản, tổ dân phố, công chức, viên chức, người lao động, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu, thuốc lá. Đồng thời quán triệt các cấp ngành, đoàn thể, các đơn vị, tổ chức, cơ quan nhà nước chỉ đạo không sử dụng sản phẩm không dán tem, không đảm bảo nguồn gốc xuất xứ theo quy định. 

Cùng với đó, UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo, giao cục thuế phối hợp với sở công thương và các cấp, ngành tham mưu giải pháp đồng bộ công tác quản lý tem điện tử rượu, tem điện tử thuốc lá trên địa bàn.

Trong đó, giao cục thuế chủ trì tham mưu UBND tỉnh, thành phố thành lập ban chỉ đạo (trường hợp địa phương đã có ban chỉ đạo thu ngân sách Nhà nước đang duy trì hoạt động thì cục thuế trình UBND tỉnh tham mưu bổ sung thành phần và nội dung công việc mà không thành lập ban chỉ đạo riêng).

Thành phần ban chỉ đạo gồm: Sở công thương, Cục quản lý thị trường, Cục thống kê, Sở Tài chính, công an, hải quan, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, thanh tra, Chủ tịch UBND các cấp… để chỉ đạo chung công tác quản lý tem điện tử, góp phần chống thất thu thuế trên địa bàn. 

Đồng thời, ban hành quy chế phối hợp: quy định rõ trách nhiệm cấp, ngành; mục tiêu; thời gian; phương pháp; nội dung phối hợp; tổng kết, đánh giá, thi đua khen thưởng hàng năm. 

Theo quy định tại Thông tư số 23/2021/TT-BTC, từ ngày 01/7/2022, các sản phẩm thuốc lá, rượu nhập khẩu hoặc sản xuất để tiêu thụ trong nước phải dán tem điện tử thay thế cho việc sử dụng tem in mã vạch đa chiều.

Sản phẩm thuốc lá, sản phẩm rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước sử dụng tem điện tử thuốc lá, tem điện tử rượu do Tổng cục Thuế chịu trách nhiệm in, phát hành.

Tem điện tử là tem có dấu hiệu nhận biết bằng mắt thường như tem rượu, tem thuốc lá được in mã vạch đa chiều đang sử dụng nhưng có đặc điểm mới là có chứa các thông tin, dữ liệu điện tử được tra cứu trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để phục vụ công tác quản lý của doanh nghiệp, người tiêu dùng và cơ quan quản lý nhà nước.

Quốc Tuấn