Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022). Trong đó có 02 tiểu dự án thuộc Dự án: Truyền thông và giảm nghèo về thông tin. Đó là giảm nghèo về thông tin và truyền thông về giảm nghèo đa chiều.

Theo đánh giá của Ủy ban Dân tộc, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư ngày càng lớn. Đối tượng nghèo của Việt Nam đang diễn biến theo hướng tập trung vào dân tộc thiểu số. Trong đó, nhóm dân tộc thiểu số có tỷ lệ hộ nghèo rất cao như: Ơ Đu, Co, Khơ Mú, Xinh Mun, La Ha, Kháng, Mông, Xơ Đăng…

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang ngày càng bị tụt hậu so với sự phát triển chung của cả nước. Hộ nghèo dần dần chỉ còn là hộ người dân tộc thiểu số và có nguy cơ bị bỏ lại phía sau.

Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số, tại thời điểm tháng 4/2019, cả nước có gần 3,681 triệu hộ đồng bào dân tộc thiểu số thì mới có 61,3% hộ sử dụng internet, 92,5% hộ sử dụng điện thoại (cố định và di dộng); số hộ có tivi cũng mới chiếm 81,5%, số hộ sử dụng máy vi tính (máy bàn, laptop) chỉ đạt 10,3%.

Ngoài ra, do phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các khu vực biên giới, vùng núi, nơi có địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, điều kiện kinh tế - xã hội còn hạn chế nên còn nhiều rào cản khiến đồng bào dân tộc thiểu số gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin. Đồng thời, một bộ phận người dân ở vùng sâu, vùng xa không biết tiếng phổ thông cũng là rào cản khiến đồng bào dân tộc thiểu số khó tiếp cận thông tin thông qua các ấn phẩm in...

Việc hạn chế trong tiếp cận thông tin là một nguyên nhân trong công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nguy cơ tái nghèo luôn thường trực.

Trong một báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc nhận định thực trạng nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là hộ nghèo người dân tộc thiểu số, đang là một thách thức lớn. Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số chiếm tới 61,29% tổng số hộ nghèo cả nước; thu nhập bình quân đầu người của đồng bào dân tộc thiểu số chỉ bằng 0,3 lần mức bình quân chung cả nước.

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 đã xác định, việc tăng cường tiếp cận thông tin thiết yếu cho cộng đồng dân cư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Tiểu dự án “Giảm nghèo thông tin” (thuộc Dự án 6), đã đặt mục tiêu đảm bảo 100% xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có điểm cung cấp thông tin công cộng phục vụ người dân sử dụng dịch vụ thông tin thiết yếu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các khu vực này.

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành Thông tư 06/2022/TT-BTTTT hướng dẫn thực hiện Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Mục đích nhằm đảm bảo phục vụ hoạt động thông tin, tuyên truyền cho người dân các xã biên giới, thu hút người dân tham gia các buổi sinh hoạt cộng đồng tại các đồn biên phòng, qua đó cung cấp thông tin về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước tới người dân trên địa bàn; vận động nhân dân tích cực vươn lên giảm nghèo, xây dựng và bảo vệ an ninh biên giới, đấu tranh phản bác các thông tin sai lệch về chủ quyền biên giới quốc gia; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới hình thức, phương thức thông tin, tuyên truyền phù hợp với tình hình mới tại các đồn biên phòng thuộc xã biên giới, hải đảo.

Tiểu dự án giảm nghèo về thông tin xác định các mục tiêu:

Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo sử dụng dịch vụ viễn thông, tiếp cận thông tin, giảm nghèo về thông tin.

Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống thông tin cơ sở; đảm bảo 100% xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo có hệ thống đài truyền thanh hoạt động, phục vụ tốt cho công tác thông tin, tuyên truyền và quản lý, điều hành tại địa phương.

Tăng cường thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu cho xã hội, nhất là cung cấp thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, thông tin cho người dân sinh sống trên địa bàn các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bao gồm thông tin về kiến thức, kỹ năng, mô hình, kinh nghiệm lao động, sản xuất, kinh doanh.

Truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội, của người nghèo về công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội bền vững; tăng cường tiếp cận thông tin thiết yếu cho cộng đồng dân cư; đảm bảo 100% xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo có điểm cung cấp thông tin công cộng phục vụ người dân sử dụng dịch vụ thông tin thiết yếu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các khu vực này.

Hỗ trợ người nghèo sử dụng các dịch vụ viễn thông

Trên tinh thần đó, một trong những nhiệm vụ trọng điểm trong giai đoạn tới, là thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ người nghèo sử dụng các dịch vụ viễn thông, Internet, ứng dụng công nghệ thông tin để họ chủ động hơn trong việc tiếp cận chính sách, tìm kiếm các nguồn hỗ trợ cũng như học hỏi kinh nghiệm, giải pháp thoát nghèo, từng bước hòa nhịp chuyển đổi số quốc gia.

Việc phổ cập dịch vụ Internet, phổ cập mạng di động... là một giải pháp thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nâng cao năng lực của người nghèo. Đây là một trong những điểm mới cốt lõi của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Nhóm PV