- Chia sẻ về bài viết "Người có chức quyền thu nhập sẽ khá", rất nhiều độc giả cho rằng cải cách lương phải đi đôi với kiểm soát quyền lực thì mới mong phòng được tham nhũng.
Kiểm soát thu nhập hay kiểm soát lương?
Lâu nay, một trong các lý do dẫn đến tình trạng nhũng nhiễu, hành dân, thậm chí là tham nhũng... luôn được giải thích là do lương cán bộ, công chức không đủ sống. Vì vậy, trong lộ trình cải cách tiền lương của Chính phủ luôn đặt ra mục tiêu phải đảm bảo cho cán bộ, công chức có mức sống đủ để không ai tơ hào chuyện "tham nhũng vặt". Song theo nhiều độc giả, với đối tượng những người có chức, có quyền (và cũng có nhiều cơ hội để tham nhũng) thì việc cải cách tiền lương phải được làm song song với các giải pháp khác.
Tăng lương phải đi đôi tăng ràng buộc trách nhiệm. Ảnh minh họa: Bình Minh |
Theo bạn huylich10@..., nếu chỉ đơn thuần tăng lương để những người có chức quyền đảm bảo đời sống và không còn cơ hội tham nhũng thì e không hiệu quả. Bởi vậy, việc tăng lương phải đi đôi với tăng các ràng buộc trách nhiệm, tăng kiểm soát nội bộ.
Bạn phamvanthangvd@... phân tích, việc xem xét cải cách tiền lương, tăng lương cho người có chức vụ tương xứng với chức trách, nhiệm vụ và đóng góp của họ với xã hội là điều nên làm.
"Song nếu cho rằng tăng lương cho người có chức quyền sẽ có tác dụng hạn chế hoặc phòng chống tham nhũng, thì điều này là thiếu cơ sơ sở. Biết tăng bao nhiêu cho vừa "cái nhu cầu tiền bạc" của con người? Đó là chưa nói đến nguy cơ bùng phát mạnh hơn nữa căn bệnh "mua chức, bán quyền" đang hoành hành ngay ở cái thời buổi mà mà lương của người có chức quyền còn chưa cao như hiện nay. Vì vậy, để ngăn chặn tham nhũng thì cơ chế kiểm soát thu nhập (thu nhập chứ không phải lương) mới là số một.
Độc giả ledohuy@... chia sẻ thêm, với đặc điểm của người Việt hiện nay, tuy có tăng lương nhưng lương tâm nghề nghiệp cũng không tăng. Thậm chí, như bài học của một số nước thì "việc tăng lương cao hơn thậm chí còn hút thêm cả những ai muốn cá kiếm bằng tham nhũng vào trong bộ máy nhà nước", độc giả này phân tích.
Theo bạn Hoàng Ngọc Sơn (hoangsonvptu@...), việc tăng lương để người có chức quyền có thu nhập khá nhằm hạn chế nạn tham nhũng như Chính phủ dự định là không căn bản. Bởi vì kéo theo đó lại là nạn chạy đua nhằm giành vị trí lãnh đạo để hưởng lợi, rồi hình thành vây cánh, ê kíp để tham nhũng.
Bạn Lê Thị Thanh Mai ở địa chỉ longsons@... dẫn thêm ví dụ. Trước kia vấn nạn giáo viên dạy thêm được mổ xẻ nhiều vì các lý do như điều kiện kinh tế khó khăn. Sau đó Nhà nước đã nâng cao phụ cấp lương, phụ cấp đứng lớp. Nhưng rồi tình trạng dạy thêm, tham nhũng và tiêu cực trong ngành giáo dục vẫn không giảm mà còn tinh vi hơn.
"Nay tăng thu
nhập cho các vị có chức có quyền liệu có giảm được tham nhũng và tiêu cực không?
Vài năm trước đây cũng với lý do như vậy mà có chế độ "dưỡng liêm" tăng thu nhập
của ngành thanh tra. Sao tiêu cực và tham nhũng vẫn cứ tăng đến chóng mặt?", bạn
Thanh Mai nêu nghi vấn.
Siết bằng luật pháp
Nhiều độc giả cũng đề xuất giải pháp để chủ trương cải cách tiền lương đạt hiệu quả cao hơn.
Bạn Hoàng Ngọc Sơn cho rằng nên tạo ra cơ chế để trừ được tham nhũng. Đó là phải thực hiện nghiêm túc việc kê khai tài sản cá nhân; công bố rộng rãi, minh bạch bản kê khai tài sản và kiểm soát chặt chẽ thu nhập của cán bộ có chức. Song song đó là công khai minh bạch các dự án đầu tư công và dự án sử dụng ngân sách. Thực hiện đấu thầu công khai rộng rãi theo thông lệ quốc tế; thực hiện cơ chế giám sát, kiểm toán độc lập trong suốt quá trình thực hiện dự án.
Bạn Thu Mai (thumai61@...) phân tích, chỉ e tăng lương cho đối tượng có chức, có quyền sẽ gia tăng khoảng cách giàu nghèo bởi lòng tham là không giới hạn trong khi xã hội chưa có cơ chế tốt để kiểm soát thu nhập. Do đó, theo bạn Thu Mai, phải siết chặt kỷ cương xã hội bằng pháp luật.
Cũng theo
nhiều độc giả, giải pháp tăng lương chỉ đạt hiệu quả khi song song với nó là
việc thực hiện tốt cơ chế giải trình. Khi đó, mọi thu nhập đều phải được công
khai, minh bạch.
Ngọc Lê