Chính phủ đã ban hành Nghị định 168/2024 thay thế Nghị định 100 và Nghị định 123 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Điều đáng chú ý, nghị định mới có quy định điều chỉnh tăng mức xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm giao thông đường bộ.
Theo đó, rất nhiều hành vi vi phạm giao thông được điều chỉnh mức phạt lên rất cao, thậm chí là gấp hàng chục lần so với quy định cũ.
Trao đổi với PV VietNamNet về vấn đề trên, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng: Nghị định 168 tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm giao thông đường bộ có lỗi cố ý, nguy cơ gây tai nạn giao thông cao là cần thiết.
Theo ông Cường, nếu chỉ trông chờ vào các giải pháp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật thì không đạt hiệu quả tích cực; cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó kết hợp giữa giải pháp tuyên truyền giáo dục với biện pháp cưỡng chế, tăng mức chế tài xử lý.
Ông Cường nhấn mạnh, khi ý thức chấp hành pháp luật về một lĩnh vực nào đó chưa tốt, đã tăng cường các biện pháp giáo dục nhưng vẫn không hiệu quả, có nguy cơ gây bất ổn trong xã hội thì việc tăng mức chế tài là cần thiết.
Khi Nghị định 168 được ban hành, nhiều ý kiến cho rằng mức phạt cao sẽ tăng nguy cơ tiêu cực trong quá trình xử lý vi phạm giao thông; mức phạt tăng không phù hợp với thu nhập của người Việt Nam; hoặc mức phạt như thế có thể dẫn đến nhiều người bị phạt oan khi đèn tín hiệu bị hỏng…
Theo quan điểm của ông Cường, những ý kiến trên chỉ là lời biện minh cho những người thường xuyên có hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
Đối với ý kiến cho rằng khi đèn tín hiệu giao thông bị lỗi, người tham gia giao thông có thể bị xử phạt oan, ông Cường khẳng định, lo ngại này là thiếu cơ sở khoa học, vì theo quy định của pháp luật, cơ quan chức năng có trách nhiệm chứng minh hành vi vi phạm.
Nếu người tham gia giao thông vượt đèn đỏ do đèn tín hiệu bị hỏng, không hoạt động bình thường thì họ không có lỗi, khi đó sẽ không có căn cứ để xử phạt.
Nếu đã quy định mức xử phạt thì dù mức xử phạt thấp hay cao mà đèn tín hiệu bị hỏng, bị lỗi thì đều như nhau. Khi đó cơ quan chức năng sẽ phải chứng minh lỗi vi phạm trong điều kiện đèn tín hiệu hoạt động bình thường, lúc đó mới có căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính, bất kể mức xử phạt như thế nào.
Một số người cho rằng mức xử phạt quá cao, có những lỗi vi phạm bằng giá trị 1 chiếc xe hoặc hơn 1 tháng lương, trong khi người tham gia giao thông chỉ vượt đèn đỏ vài giây. Theo ông Cường, quan điểm này đưa ra là không phù hợp, vì những lỗi vi phạm có mức xử phạt tăng cao đều là những lỗi vi phạm cố ý và xảy ra thường xuyên trong đời sống xã hội.
Mức xử phạt vài triệu đồng, thậm chí vài chục triệu đồng sẽ không có ý nghĩa gì nếu như người tham gia giao thông có ý thức tuân thủ, hậu quả vi phạm và mức xử phạt là do người tham gia giao thông tự lựa chọn.
Vẫn theo luật sư Cường, về mặt lý luận, pháp luật là hình thái ý thức xã hội, nội dung của pháp luật sẽ phụ thuộc vào tồn tại xã hội. Theo đó, xã hội như thế nào, pháp luật sẽ như thế đó. Khi ý thức chấp hành pháp luật càng kém thì chế tài càng phải nghiêm khắc.
Ngoài ra, còn có mối liên hệ giữa chế tài hành chính và chế tài hình sự. Với một hành vi vi phạm mà chế tài hành chính xử lý ít nghiêm khắc, không đủ sức răn đe thì hành vi dễ gây ra hậu quả nghiêm trọng, khi đó chế tài hình sự sẽ được áp dụng phổ biến hơn.
Muốn giảm biện pháp xử lý bằng chế tài hình sự, tăng tính chất phòng ngừa thì cần tăng mức chế tài hành chính để răn đe và phòng ngừa chung.