Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, giảm nghèo là một nhiệm vụ có ý nghĩa xã hội quan trọng hàng đầu và "mang đậm tình người". Đây cũng là một định hướng xã hội chủ nghĩa quan trọng của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Thoát nghèo với tinh thần tự cường dân tộc
Thủ tướng nhìn nhận, sau hơn 30 năm qua, Việt Nam là một trong những hình mẫu trên thế giới về thành tựu xóa đói giảm nghèo; là câu chuyện thành công, truyền cảm hứng cho bạn bè năm châu.
Đảng, Nhà nước luôn nhất quán quan điểm phát triển kinh tế gắn với xã hội, môi trường, trong đó luôn chú trọng giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội. Mặc dù còn nhiều khó khăn, Quốc hội, Chính phủ dành nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo gấp 2 lần so với giai đoạn trước với 21% ngân sách nhà nước dành cho phúc lợi xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
Đây là mức cao nhất của các nước trong khối ASEAN. Việt Nam đã hỗ trợ trực tiếp cho 13 triệu người từ ngân sách Nhà nước chịu tác động bởi Covid-19.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, tỷ lệ hộ nghèo còn dự kiến dưới 3% trong năm 2020, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích trước mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm nghèo.
Đến nay, 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm; 99% trung tâm xã và 60 % thôn có điện.... là cố gắng rất lớn của Đảng, Nhà nước.
"Xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam ngày trước đi bộ mất 9 tiếng đồng hồ mới đến, nay chỉ mất khoảng 30 phút đi ô tô". Xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn, cách TP Tuyên Quang 40 cây số với số 7.000 người khoảng 70 % hộ nghèo đến tháng 11/2019 đã có 280 lao động ở xã làm việc cho Samsung, Thái Nguyên, Bắc Ninh, mỗi người gửi về cho gia đình từ 5 đến 6 triệu đồng...", Thủ tướng dẫn chứng.
Sự chuyển đổi này cho thấy, cơ sở hạ tầng, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi của đông đảo doanh nghiệp trong và ngoài nước tạo ra việc làm cho người dân là giải pháp tốt nhất để xóa đói giảm nghèo bền vững...
"Những thành quả giảm nghèo của Việt Nam có được là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền Trung ương và địa phương; sự hưởng ứng nhiệt tình ủng hộ của nhân dân trong và ngoài nước", Thủ tướng đánh giá cao những địa phương vươn lên thoát nghèo với tinh thần tự cường dân tộc .
Giảm nghèo là công việc "cả trí tuệ và trái tim"
Bên cạnh đó, Thủ tướng lưu ý, công cuộc xóa đói giảm nghèo, chống tái nghèo sẽ luôn là một thách thức lớn. Cùng với đó, kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, dễ tái nghèo. Chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 5%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao. Thêm vào đó, tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19...
Vì vậy, công tác giảm nghèo trong thời gian tới là công việc "cả trí tuệ và trái tim". Thủ tướng đề nghị nghiên cứu trình Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các nghị quyết, chỉ thị về chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững đến năm 2030.
Các đại biểu dự hội nghị |
Đồng thời, trình Quốc hội ban hành nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bao trùm và phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 vì một Việt Nam không có đói nghèo.
“Tết này dân nghèo vui Tết ra sao, chỗ ăn chỗ ở thế nào, các đồng chí ở các địa phương này phải đi kiểm tra, phải lo cho dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng dẫn lời dạy của Bác Hồ: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi” và nhấn mạnh: "Chừng nào còn có người dân bị đói, rét hay không có tiền chữa bệnh, đi học là chúng ta có lỗi và chúng ta phải cố gắng khắc phục điều này".
Thủ tướng đề nghị cả nước triển khai phong trào mới: “Mỗi xã, mỗi huyện xây dựng một mô hình giảm nghèo tiêu biểu phù hợp với địa phương mình”, với cách làm sáng tạo hơn nữa, giảm nghèo bền vững bắt đầu từ trẻ em, cần đặc biệt quan tâm đến nguồn vốn con người.
Kết thúc bài phát biểu người đứng đầu Chính phủ nêu: "Lãnh đạo một xã hội mà tầng lớp trung lưu phát triển là đáng mừng nhưng quan trọng nhất là tuyệt đại bộ phận người dân phải có thu nhập, bảo đảm cuộc sống tốt, không còn đói, nghèo mới là lãnh đạo đúng”.
Qua 10 năm thực hiện, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm liên tục qua các năm trên phạm vi cả nước, các vùng miền. Năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam: 58,1%; năm 2015: 9,88%; năm 2019: 3,75%; năm 2020, dự kiến còn: 2,75%. Nguồn lực đã được bố trí, huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 là 93.000 tỷ đồng. Việt Nam là một trong số 30 quốc gia áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. Ngoài chỉ số về thu nhập, chuẩn nghèo có có 10 chỉ số để xác định mức độ thiếu hụt tiếp cận đối với 5 dịch vụ xã hội cơ bản bao gồm: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. |
Thu Hằng
Thủ tướng: Không chấp nhận có tiền mà không tiêu được, cứ chịu nghèo mãi
Sáng nay, 29/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.