Các doanh nghiệp trong nước sẽ được hưởng cơ chế, chính sách ưu tiên, được tạo điều kiện làm tổng thầu các dự án đầu tư hoặc cung cấp dịch vụ CNTT cho cơ quan nhà nước (CQNN).

{keywords}
Các DN CNTT nội sẽ được ưu tiên làm tổng thầu các dự án đầu tư, cung cấp dịch vụ cho CQNN. Ảnh: T.C

Đây là một trong những nội dung quan trọng được nêu rõ trong Chương trình Hành động của Chính phủ nhằm triển khai Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp CNTT còn được tạo điều kiện thuận lợi, áp dụng mức ưu đãi cao nhất về thuế, đất đai, tín dụng cho hoạt động nghiên cứu, sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ CNTT. Đặc biệt, Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ hình thành một số doanh nghiệp CNTT Việt Nam có tầm cỡ khu vực và thế giới trong thời gian tới.

Các sản phẩm, dịch vụ CNTT trọng điểm mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, các sản phẩm, dịch vụ CNTT sử dụng trong các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, Chính phủ điện tử, Quốc phòng an ninh, tổ chức kinh tế nhà nước trọng yếu nhằm bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cũng sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ đầu tư, R&D, phát triển.

Liên quan đến vốn cho CNTT, Chương trình Hành động khẳng định, các Bộ, ngành liên quan cần sớm sửa đổi và hoàn thiện các quy định về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ kinh phí, ưu tiên bố trí vốn cho CNTT, hoàn thiện quy định quản lý đầu tư, ứng dụng CNTT sử dụng vốn ngân sách. Luật Ngân sách Nhà nước cũng sẽ được rà soát, điều chỉnh, bổ sung để đảm bảo mức phân bổ đủ ngân sách hàng năm cho CNTT, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Để tăng tốc và đẩy mạnh ứng dụng CNTT, văn bản yêu cầu "ứng dụng, phát triển CNTT phải là nội dung quan trọng, bắt buộc phải có trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công, chương trình mục tiêu năm 2015 và giai đoạn 2016 - 2020, cũng như trong các đề án, dự án đầu tư của quốc gia, Bộ, ngành lẫn địa phương". Những mô hình tiêu biểu và điển hình tiên tiến trong ứng dụng, phát triển CNTT sẽ được xây dựng và nhân rộng. Người đứng đầu các cấp, các ngành sẽ phải chịu trách nhiệm chỉ đạo trực tiếp nhiệm vụ ứng dụng, phát triển CNTT.

Đồng thời, để tạo điều kiện cho các DN trong nước "nhảy" vào thị trường thuê ngoài dịch vụ CNTT mới mẻ, nhiều tiềm năng, Chương trình Hành động chỉ đạo Bộ TT&TT sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho dịch vụ CNTT, xây dựng các văn bản hướng dẫn triển khai các dự án, nhiệm vụ ứng dụng, phát triển CNTT theo hình thức đối tác công tư (PPP), xây dựng và vận hành (BO), xây dựng, vận hành và chuyển giao (BOT), nhằm huy động tối đa nguồn lực xã hội tham gia.

Phát triển Công nghiệp CNTT, kinh tế trí thức

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Chính phủ sẽ triển khai Chương trình mục tiêu phát triển ngành công nghiệp CNTT đến năm 2020, tầm nhìn 2025; đẩy mạnh triển khai Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp điện tử trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản; Ưu tiên nguồn lực để thực hiện các dự án trọng điểm về thúc đẩy ứng dụng CNTT, nhất là các dự án nâng cao năng lực hoạt động, cạnh tranh của các doanh nghiệp, tổ chức, cũng như dự án phát triển các sản phẩm, dịch vụ CNTT mà Việt nam có lợi thế cạnh tranh, có hàm lượng tri thức và công nghệ, giá trị gia tăng cao. Nhà nước sẽ tập trung hỗ trợ hoạt động R&D và thương mại hóa những sản phẩm này, tập trung phát triển hệ sinh thái công nghiệp, dịch vụ CNTT...

Bên cạnh đó, các dự án hỗ trợ phát triển các khu CNTT tập trung sẽ được đẩy mạnh, nhất là tại 3 thành phố lớn Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Sẽ đầu tư xây dựng, phát triển một số khu CNTT tập trung "có môi trường tốt, vị trí thuận lợi, hạ tầng hiện đại" - Hình thành nên chuỗi các khu CNTT tập trung, công viên phần mềm, các vườn ươm doanh nghiệp và trung tâm cung cấp dịch vụ đạt chuẩn quốc tế.

Đối với các dự án FDI, văn bản yêu cầu các Bộ, ngành liên quan cần "Rà soát, hoàn thiện chính sách thu hút có chọn lọc FDI về CNTT". Theo đó, sẽ ưu tiên thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp phần mềm, sản xuất nội dung số, công nghiệp bán dẫn, sản xuất vi mạch điện tử, kiểm tra, kiểm thử sản phẩm vi mạch, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho ngành công nghiệp phần cứng - điện tử.

Các doanh nghiệp Việt Nam khi muốn đầu tư mở cơ sở R&D, kinh doanh, phân phối sản phẩm, dịch vụ CNTT ở nước ngoài sẽ được khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi với mục đích tăng cường nhận chuyển giao công nghệ, thu hút chất xám và quảng bá cho thương hiệu Việt Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa thị trường ngoài nước, khai thác có hiệu quả các thị trường tiềm năng, chủ động tham gia vào mạng phân phối toàn cầu.

Về phần Nhà nước, sẽ tăng cường triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại để hỗ trợ DN CNTT nội, chú trọng những thị trường trọng điểm như Bắc Mỹ, châu Âu và Nhật. Song song với đó, thị trường nội địa cũng sẽ được mở rộng, theo hướng ưu tiên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ CNTT mang thương hiệu Việt, do trong nước phát triển và sản xuất.

Chính phủ giao Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để truyền thông, phổ biến về Chương trình Hành động, đồng thời tham mưu giúp Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT; phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT cân đối, bố trí ngân sách hàng năm cho hoạt động ứng dụng, phát triển CNTT....

Trọng Cầm

 Tin liên quan