Xà bông cô Ba lần đầu tiên được sản xuất trong một căn phố nhỏ theo lối tiểu công nghệ. Để có đủ nguyên liệu sản xuất, ông Trương Văn Bền đã xây dựng hợp tác xã có xã viên là những chủ vườn dừa ở Bến Tre và Mỹ Tho.
Lúc bấy giờ, thị trường xà bông ở Việt Nam chủ yếu là hàng Pháp nhập vào; gọi chung là xà bông Marseille. Xà bông trong nước rất ít, chỉ có một số cơ sở sản xuất nhỏ lẻ chiếm thị phần không đáng kể. Phần lớn họ sản xuất xà bông "đá" có mùi khó chịu, chỉ để rửa tay hay giặt giũ cho giới lao động. Ít ai dám mạo hiểm đầu tư vào mảng xà bông thơm để tắm gội.
Nhận thấy "vị trí khuyết" này của thị trường, với đầu óc kinh doanh nhạy bén, doanh nhân Trương Văn Bền đã nhảy vào sản xuất mặt hàng xà bông.
Hãng xà bông của ông tọa lạc trên đường Cambodge. Công ty của ông gọi là Trương Văn Bền và các con - Dầu và Xà bông Việt Nam (Truong Van Ben & fils - Huilerie et Savonnerie Vietnam). Xưởng dầu của ông ở Chợ Lớn mỗi tháng sản xuất khoảng 1.500 tấn dầu dừa và Hãng xà bông Trương Văn Bền sản xuất khoảng 600 tấn xà bông và 10 tấn glycerine trong năm 1943, vào thời kỳ khó khăn ở nhiều nước do Chiến tranh thế giới thứ hai. Đây là công ty quan trọng nhất sản xuất dầu và xà bông trên toàn cõi Đông Dương.
Sản phẩm tung ra thị trường, với chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, lại giá rẻ, sản phẩm xà bông của ông Trương Văn Bền đã đánh bại được xà bông nhập cảng và thâu tóm được thị trường toàn Đông Dương, xuất sang cả Hương Cảng, qua châu Phi và Tân Đảo (Thái Bình Dương).
Để có được thành công này, tác giả Nguyễn Đức Hiệp - chủ nhân cuốn sách "Sài Gòn Chợ Lớn ký ức đô thị và con người", cho biết, Trương Văn Bền luôn tìm hiểu, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất. Để làm ra xà bông chất lượng, ông đã gửi một kỹ sư giỏi qua Paris để tìm hiểu kỹ thuật làm xà bông với một người Pháp làm ở nhà máy xà bông Mazet. Lúc đó, ở Sài Gòn có hai nhà máy xà bông Pháp do các ông Mazet và Boris làm chủ.
Xà bông là sản phẩm mang lại cho ông nhiều tiếng tăm và tiếp cận nhiều người nhất. Tên của Trương Văn Bền gắn liền với xà bông Việt Nam, xà bông Cô Ba.
"Chiến lược" quảng cáo bất ngờ
Nổi tiếng vì mùi thơm là một lí do. Nhưng để thực sự chiếm được " ngôi hậu" trong thời điểm lúc bấy giờ doanh nhân Trương Văn Bền đã có một "chiếc lược" quảng cáo bất ngờ và hữu hiệu, đưa nhãn hiệu Xà bông này lan rộng nhanh chóng ở miền Nam lúc đó. Vào thời điểm mà quảng cáo vẫn là một hình thức chưa phổ biến ở nước ta thì ông Trương Văn Bền thực sự đã đi đầu, trở thành một "chiến lược gia truyền thông" mà đến bây giờ những bài học từ cách làm của ông vẫn còn giá trị.
Đầu tiên, ông vận động cho việc dùng hàng nội hóa. Các quảng cáo của ông thường ghi dòng chữ "Người Việt Nam nên xài xà bông của Việt Nam" để đánh vào lòng yêu nước, tự hào dân tộc.
Trong suốt thời gian dài, hầu hết báo chí thời đó đều có đăng mục quảng cáo "Dùng xà bông xấu, mục quần áo" và "Người Việt Nam nên xài xà bông Việt Nam" của hãng Xà bông Trương Văn Bền.
Trong các cuộc triễn lãm được mở cửa hàng năm tại các tỉnh và Sài Gòn, bao giờ gian hàng của ông Bền cũng được thiết kế ấn tượng nhất với mô hình một cục xà bông to hơn gian hàng gây được sự chú ý và tò mò đặc biệt của người xem.
Chưa dừng lại ở đó, tại các gian hàng còn có bán xà bông gọi là chào hàng với giá rẻ hơn bên ngoài đến 25%.
Không chỉ quảng cáo trên áp phích, trên xe điện, xe hơi, trên áo cầu thủ bóng đá. Ông đưa cả vào các thể loại âm nhạc rất được ưa chuộng như ca vọng cổ, tuồng cải lương…
Ông Bền kể lại trong hồi ký: "Tôi phải kiếm cách ép mấy hàng tạp hóa mua xà bông Việt Nam về bán. Tiệm tạp hóa hầu hết chỉ mua các món đồ thông dụng, đem lại cho họ mối lợi hằng ngày.
Tôi bèn huy động một tốp người cứ lần lượt hằng ngày đi hết các tiệm tạp hóa hỏi có xà bông Cô Ba bán không. Hễ có thì mua một, hai xu, bằng không thì đi chỗ khác. Trước khi bước chân ra khỏi tiệm nói một câu: "Sao không mua xà bông Việt Nam về bán? Thứ đó tốt hơn xà bông khác nhiều.
Hết người này tới người khác rồi chủ tiệm cũng phải để ý. Phải hỏi lại chỗ bán xà bông Việt Nam, mua thử về bán".
Số xà bông bán qua hình thức này không chỉ nhiều mà còn khiến bà con ghi nhớ thương hiệu.
Sự thành công của xà bông Cô Ba khiến nhiều người khác cũng lao vào kinh doanh mặt hàng, như bà đốc phủ Mầu ra xà bông Con Cọp, ông Balet ra xà bông Nam-Kỳ cũng có biểu tượng người đàn bà Việt Nam như xà bông Cô Ba, ông Nguyễn Phú Hữu ra xà bông "3 sao" ở Cần Thơ… Nhưng tất cả họ đều không địch nổi.
Sau năm 1954, không còn xà bông Pháp, xà bông Cô Ba cạnh tranh với xà bông Mỹ, trong đó đáng kể nhất là xà bông Lifebuoy. Bởi vì đây là loại xà bông dành cho quân đội Mỹ, còn gọi là hàng PX (Post Exchange) bán miễn thuế cho lính Mỹ nên giá rất rẻ, lính Mỹ mua tuồn ra chợ đen, tương tự là xà bông quân tiếp vụ đóng trong hòm gỗ…
Ngoài ra còn có ông Trương Văn Khôi, chủ nhân của nhãn hiệu bột giặt Viso, cũng là một thế lực mạnh nhưng xà bông Cô Ba vẫn giữ được thị phần lớn.
Sau năm 1975, Công ty Trương Văn Bền và các con trở thành Nhà máy hợp doanh xà bông Việt Nam thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ.
Đến năm 1995 trở thành Công ty Phương Đông thuộc Bộ Công nghiệp liên doanh với Tập đoàn Procter & Gamble, thương hiệu xà bông Cô Ba được sử dụng lại nhưng không bán được nhiều bởi hơn vài chục năm đứt quãng đủ để một thương hiệu mai một trong tiềm thức người tiêu dùng.
(Theo Gia Đình và Xã Hội)
Thương hiệu vang bóng một thời: 'Cha đẻ' của huyền thoại Xà bông cô Ba là ai?
Từng là một trong những thương hiệu hàng Việt có tiếng nhất khu Sài Gòn – Chợ Lớn, xà bông cô Ba là thành tựu to lớn nhất gắn liền với sự nghiệp kinh doanh lẫy lừng của doanh nhânh tài ba Trương Văn Bền.