Ngay sau khi nhậm chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc được 20 ngày, ông Tập Cận Bình đã mời một nhóm 20 người nước ngoài từ 16 quốc gia tới gặp gỡ vào thảo luận.
Tân Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình |
Đây hầu hết là các chuyên gia nước ngoài đã sống và làm việc lâu năm tại Trung Quốc.
Các nhà phân tích nói rằng cuộc gặp gỡ này đã truyền đạt kế hoạch chi tiết về chính sách đối ngoại của lớp lãnh đạo mới lên thay của Trung Quốc, và gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ rằng Trung Quốc trân trọng quan hệ với các quốc gia và con người bên ngoài, và sẽ tiếp tục chặng đường mở cửa và hợp tác với thế giới bên ngoài.
"Chúng tôi mở cửa với thế giới và chúng tôi muốn học hỏi từ thế giới... Chúng tôi đã học được từ quá khứ và nhận ra rằng sẽ không thể nào có thành công khi phát triển đằng sau các cánh cửa đóng kín" - ông Tập nói trong cuộc gặp với các nhân sĩ trí thức nước ngoài.
Bắc Kinh cho rằng các chuyên gia và người nước ngoài sống và làm việc tại Trung Quốc là cầu nối giữa họ với thế giới.
Hiện nay, số chuyên gia nước ngoài làm việc tại đây đã tăng từ dưới 10.000 người vào cuối những năm 1980 lên 530.000 người vào cuối năm 2011.
Cũng trong cuộc gặp này, ông Tập đã nói về đường lối đối ngoại của Trung Quốc, và nói rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục chính sách nền tảng mở cửa của mình.
Ông cũng nói rằng không có quốc gia nào đứng một mình hoặc tỏa sáng hơn các quốc gia khác trong bối cảnh phức tạp của nền kinh tế và các vấn đề toàn cầu hiện nay.
Ông Tập nhấn mạnh rằng các quốc gia nên quan tâm tới các lo ngại chính đáng của các quốc gia khác khi họ theo đuổi lợi ích của riêng mình, cũng như thúc đẩy phát triển của tất cả các quốc gia khi họ theo đuổi pát triển của riêng họ.
Ông Tập còn nói thêm rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ phát triển mà làm phương hại đến các quốc gia khác, và nếu như Trung Quốc thắng thì điều đó cũng không có nghĩa là những người khác sẽ thua.
Chuyên gia tài chính người Nhật Tokuchi Tatsuhito nói rằng cuộc gặp của ông Tập diễn ra trong bối cảnh có nhiều quốc gia đang có cảm xúc trái ngược về Trung Quốc.
Tokuchi Tatsuhito nói rằng một số quốc gia cho rằng Trung Quốc đóng góp vào nền kinh tế toàn cầu trong khi những người khác lại băn khoăn không hiểu Trung Quốc sẽ đi theo con đường nào.
Ngay sau khi lớp lãnh đạo kế cận của Trung Quốc lên nắm quyền, các phân tích cũng như quan sát nước ngoài rất chú tâm tới chính sách đối ngoại và phát triển của Bắc Kinh trong giai đoạn tới.
Thông điệp của tân lãnh đạo Trung Quốc đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang có tranh cãi về chủ quyền với các quốc gia láng giềng ở biển Hoa Đông và biển Đông.
Tấm hộ chiếu 'lưỡi bò' mà Trung Quốc vừa đưa ra là động thái mới nhất chịu nhiều chỉ trích và quan ngại của các quốc gia có liên quan cũng như các cường quốc trong khu vực và trên thế giới.
- Lê Thu (theo China Daily/AO/ANN)