Hưng Thịnh không phải là cái tên mới trong phân khúc bất động sản (BĐS) giá vừa túi tiền. Trong 20 năm hoạt động và đặc biệt sau giai đoạn thị trường khủng hoảng những năm 2008-2013, doanh nghiệp (DN) này đã cung cấp nhiều sản phẩm có giá vừa tiền, đáp ứng nhu cầu và phù hợp với điều kiện tài chính của số đông người mua nhà. 

Điển hình là chuỗi căn hộ 8X: 8X Đầm Sen, 8X Thái An, 8X Plus (TP.HCM)… với giá vừa túi, góp phần “giải bài toán” an cư cho thế hệ 8X sinh sống và lập nghiệp tại TP.HCM. 

Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh, ông Nguyễn Đình Trung cho biết, tập đoàn này xác định phát triển nhà ở vừa túi tiền là trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội. Với Hưng Thịnh đây cũng chính là hành trình của DN trong 20 năm qua, gắn liền với những dự án có giá thành vừa túi tiền, tạo nơi an cư cho hàng chục nghìn hộ gia đình. 

Theo ông Trung, một trong những bài toán lớn nhất của nhà ở xã hội là làm thế nào để cơ quan nhà nước và doanh nghiệp cùng đồng hành để có những giải pháp toàn diện, tạo điều kiện để có được nguồn cung. 

“Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ người dân có nhà, ngân hàng có chính sách cho vay, lãi suất thấp. Các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng từ nguyên vật liệu xây dựng, thiết kế, thi công, phát triển... liên kết lại với nhau để để tạo ra những ngôi nhà chất lượng, giá thành vừa túi tiền. Và quan trọng phải có những cơ chế mang tính đột phá, thông thoáng, tạo điều kiện để phát triển nguồn hàng”, ông Trung chia sẻ.

Dự án 8X Plus tại quận 12 TP.HCM của Tập đoàn Hưng Thịnh, nằm trong chuỗi dự án căn hộ vừa túi tiền dành cho giới trẻ 8X

Đại diện Hưng Thịnh cho biết, hiện tại DN đã tích lũy được quỹ đất tại TP.HCM và các tỉnh thành lân cận, đồng thời thúc đẩy chiến lược hợp tác mở rộng quỹ đất, xây dựng nguồn hàng để cung cấp nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền ngay tại vùng đô thị TP.HCM. Sự hợp lực của những DN trong chuỗi giá trị BĐS như nguyên vật liệu, thiết kế, xây dựng, phát triển… sẽ giúp tối ưu chi phí đầu vào, tạo ra những sản phẩm có chất lượng và giá thành phù hợp. Các thủ tục pháp lý và đề xuất chính sách từ góc độ DN cũng đang được đẩy mạnh, mục tiêu kêu gọi những giải pháp mang tính căn cơ, đồng bộ và thực tiễn cho bài toán an sinh - xã hội vốn đã tồn tại rất nhiều năm trên thị trường BĐS. 

Sự tham gia của DN vốn làm nên tên tuổi với dòng sản phẩm vừa túi tiền được cho là một tín hiệu tích cực giúp khơi thông nguồn cung nhà ở xã hội tại khu vực TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam. 

Được biết, tại Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp vào ngày 1/8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã nêu ra một số giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà công nhân trong thời gian tới; đồng thời đề xuất lập đề án đầu tư xây dựng một triệu căn hộ cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, giai đoạn 2022-2030.

Thế Định