Sáng nay (1/6), nguồn tin của VietNamNet xác nhận, Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ vừa có thông báo số 26 kết quả kiểm tra hoạt động hóa chất đối với Cảng Việt Trì (Tổng Công ty vận tải thủy - CTCP). 

Sở Công Thương xác định, Cảng Việt Trì có hợp đồng xếp dỡ lưu huỳnh rời với Công ty cổ phần vận tải 1 TRACO. Đồng thời khẳng định, lưu huỳnh là hóa chất có đặc tính nguy hiểm dễ cháy. 

Liên quan đến việc tập kết lưu huỳnh, Sở Công Thương cho biết Cảng Việt Trì đã xây dựng biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cho quá trình bốc xếp, lưu kho và vận chuyển lưu huỳnh. Theo phương án được duyệt thì việc lưu giữ lưu huỳnh sẽ được lưu giữ trong kho.

Tuy nhiên, theo báo cáo của đơn vị và kết quả kiểm tra của Sở TN&MT, việc tập kết lưu huỳnh lộ thiên mà VietNamNet phản ánh là do sự cố thủng tàu. 

Lưu huỳnh tập kết lộ thiên tại cảng Việt Trì. Ảnh: Đoàn Bổng 

Vào thời điểm tháng 3/2023, khi xảy ra sự cố hoá chất, Cảng Việt Trì không báo cáo kịp thời đến Sở Công Thương theo quy định. Đáng chú ý, kho chứa hoá chất lại sử dụng không đúng mục đích (kho hóa chất đang lưu giữ gạch). 

Đoàn kiểm tra của Sở Công Thương chỉ rõ một số tồn tại liên quan đến hoạt động lưu giữ hoá chất tại cảng Việt Trì.

Cụ thể, đối với bãi lưu trữ lưu huỳnh tạm thời ngoài trời chưa đảm bảo về điều kiện an toàn (hướng giáp khu vực bãi quặng và lối vào khu vực bãi chứa không có tường bao, không có rãnh thu gom, không có mái che);

Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất chưa thực hiện bổ sung, chỉnh sửa biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo quy định của Luật hóa chất; Cảng Việt Trì không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và báo cáo đột xuất về tình hình hoạt động hóa chất khi có sự cố xảy ra.

Khi xảy ra sự cố hoá chất, kho chứa hoá chất của Cảng Việt Trì lại đang tập kết gạch. Ảnh: Đoàn Bổng 

Thông báo của Sở Công Thương cho biết, đoàn kiểm tra lập biên bản vi phạm hành chính số trong lĩnh vực hóa chất đối với Cảng Việt Trì tổng số tiền 34 triệu đồng. Quyết định xử phạt trên ban hành ngày 24/5, đến ngày 29/5, Cảng Việt Trì đã nộp tiền phạt vào Kho bạc Nhà nước tỉnh Phú Thọ.

Được biết, Cảng Việt Trì bị xử phạt với hai hành vi gồm: Hành vi không thực hiện bổ sung, chỉnh sửa biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong trường hợp có sự thay đổi trong quá trình đầu tư và hoạt động liên quan đến những nội dung đề ra;

Hành vi không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và báo cáo đột xuất về tình hình hoạt động hóa chất khi có sự cố xảy ra, vi phạm quy định tại khoản 2, Điều 29 của Nghị định số 71/2019/NĐ-CP ngày 30/8/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp. 

Với lưu huỳnh bột, không cho phép để lộ thiên

Từ cuối tháng 3 đến nay, báo VietNamNet liên tục phản ánh về thực trạng tập kết lưu huỳnh tại các cảng sông thuộc địa phận Hà Nội, Phú Thọ và một số địa phương. Với số lượng từ vài trăm tấn đến cả vạn tấn, lưu huỳnh khi cập cảng được tập kết ngoài trời trong nhiều ngày. 

Tại Cảng Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) vào cuối tháng 3/2023 tập kết lộ thiên gần 2.000 tấn lưu huỳnh ngay trong khuôn viên cảng. Số lưu huỳnh này được tập kết trong hơn 1 tuần và nhanh chóng được chuyển đi sau khi VietNamNet phản ánh, các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra. 

Cùng thời gian trên, tại bến Hòa Bình (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) xuất hiện bãi lưu huỳnh vài trăm tấn tập kết sát mép sông Cầu. Số lưu huỳnh này tập kết mà không hề được che chắn, vương vãi khắp mép sông. Tương tự, bãi lưu huỳnh này chỉ được dọn sau khi nhận được phản ánh từ báo chí.

Trả lời PV VietNamNet thời điểm cuối tháng 5/2023 liên quan việc nhiều địa phương có tình trạng tập kết lộ thiên lưu huỳnh tại các bến cảng, ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho rằng, vấn đề này đã có quy định rất cụ thể.

Theo ông Thanh, Bộ Công Thương có danh mục các hóa chất cần quản lý, mỗi một danh mục sẽ có những cách quản lý riêng. 

"Đối với lưu huỳnh bột, về nguyên tắc, yêu cầu quản lý phải để trong kho, có mái che, không được để lộ thiên", ông Thanh nhấn mạnh. 

Theo ông Thanh, bột lưu huỳnh trong quá trình vận chuyển có thể vận chuyển rời, không yêu cầu phải đóng bao theo quy cách. Tuy nhiên, phải đảm bảo không bị tác động bởi ngoại lực như mặt trời, mưa... cho nên lưu huỳnh phải chứa trong kho. 

Trước lý giải của đại diện một số cảng cho rằng, lưu huỳnh mà báo VietNamNet phản ánh là nguyên liệu sản xuất phân bón nên khi có bạt phủ sẽ không ảnh hưởng môi trường, ông Nguyễn Văn Thanh khẳng định: "Không có lưu huỳnh bột nào được sử dụng trực tiếp làm phân bón".