“Tái mặt” vì mất gần 200 triệu

Anh Phạm Viết Trường (32 tuổi) – nhân viên kinh doanh tại một đại lý ô tô (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, do công việc không quá bận rộn, lại thấy một số anh em cùng công ty rôm rả kể về thành quả có được từ những ngày “lướt sóng” chứng khoán, nên anh Trường đã rút tiền tiết kiệm để chuyển hướng sang lĩnh vực này.

{keywords}
Thị trường CK liên tục lao dốc, nhiều người than thở đã phải trả "học phí" quá đắt vì đầu tư quá đà

Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm và một phần có thể do chưa may mắn, anh Trường đã phải trả “học phí” với mức quá “chát”.

“Thấy anh em bàn bạc sôi nổi mỗi ngày về thị trường, tò mò tôi cũng thử theo dõi và tìm hiểu, tôi thấy khá thú vị. Nếu dành thời gian theo dõi, phân tích các mã ngành căn cứ theo biến động từ thế giới thì sẽ chắc thắng tới 70 – 80%. Sau khoảng một tháng, thời điểm cuối tháng 5 vừa qua tôi quyết định rút 200 triệu từ sổ tiết kiệm gửi ngân hàng để đầu tư” – anh Trường cho hay.

Anh Trường cho biết, với số vốn ban đầu là 200 triệu, sau 2 -3 tuần quỹ đã dương 40 triệu. Thấy thị trường liên tục xanh, lại thêm phần tự tin vì đã có chút kinh nghiệm, anh Trường quyết định dốc thêm 800 triệu tiền mặt, đồng thời vay margin 800 triệu với lãi suất 9,8%/tháng, tăng số quỹ lên thành 1,8 tỷ đồng.

Song, sau đó thị trường liên tiếp lao dốc. Sau phiên giao dịch của ngày thứ hai đầu tuần, tài khoản của anh Trường âm 90 triệu, phiên ngày hôm sau âm tiếp 30 triệu.

“Xuống tiền tham gia thị trường đúng thời điểm thuận lợi, mua mã nào cũng có ăn nên tôi rất ham. Với 200 triệu mà có những ngày tài khoản tôi tăng hơn 10 triệu.

Lần đầu tham gia chỉ dự định bỏ vốn khoảng 200 triệu nhưng thị trường cứ xanh liên tục, nên tôi quyết định bỏ thêm vào tài khoản 800 triệu từ lúc nào không hay. Ngay sau đó tôi lại vay margin 800 triệu, tuy nhiên sau đó thất bại thảm hại. Sau 3 tuần tham gia và chỉ qua mấy phiên tôi bay mất 40 triệu lãi trước đó và âm thêm 120 triệu, như vậy tổng thiệt hai lên tới 160 triệu, chưa kể những thiệt hại từ tiền lãi tiết kiệm ngân hàng và tiền lãi phải trả do tôi vay margin” anh Trường chia sẻ.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Nam (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, anh tham gia đầu tư từ thời điểm tháng 3. Thời điểm đó thị trường xuống đáy nên sang tháng 5 anh Nam đã có kha khá lợi nhuận. Tuy nhiên, trong khoảng hai tuần gây đây, tài khoản của anh đã “bay” gần hết số lợi nhuận đó.

“Với các bạn mới tham gia, hãy dành thời gian đầu tư kiến thức từ sách vở, học hỏi từ những người có kinh nghiệm, uy tín. Và chỉ nên sử dụng tối đa 60-70% tài sản vào chứng khoán. Đặc biệt, hãy tuân thủ kỷ luật cắt lỗ, nói không với margin, nói không với bình quân giá xuống và nói không với thị trường đầy biến động mà xác định vào chỉ là đánh bạc” – anh Nam bày tỏ.

Cần biết tiết chế tâm lý

Theo các chuyên gia, gia nhập TTCK ở giai đoạn tăng điểm, những nhà đầu tư mới chưa từng trải qua giai đoạn khủng hoảng và đang được hưởng hương vị ngọt ngào của chiến thắng. Kiếm tiền quá dễ nhưng giữ tiền không dễ, nhất là khi cuộc chơi chứng khoán luôn có những yếu tố bất ngờ.

{keywords}
Theo các chuyên gia, các nhà đầu tư cần tiết chế tâm lý hưng phấn

“Bất kỳ đà tăng nào cũng sẽ phải có giai đoạn điều chỉnh. Dù chưa xảy ra, nhưng các nhà đầu tư cần tiết chế tâm lý hưng phấn và hạn chế dùng đòn bẩy trong giai đoạn hiện tại, hoặc có thể chốt lời một phần tỷ trọng cổ phiếu để đảm bảo tỷ suất sinh lời đã đạt được. Đồng thời, các nhà đầu tư cũng nên chú ý vào sự dịch chuyển dòng tiền để thay đổi chiến lược khi tình hình thay đổi”, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam khuyến nghị.

Tình trạng “của thiên trả địa” khi thị trường đảo chiều là bài học nhiều nhà đầu tư cũ đã trải qua. Vì thế, kiến thức đầu tư và sự cẩn trọng trong quản trị dòng tiền luôn là bài học nằm lòng để có thể đi lâu bền với TTCK.

Theo đánh giá của ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Sacombank, thị trường chứng khoán đang vận động theo cách hưng phấn quá đà, vượt xa các dự báo và phân tích, đánh giá về nền tảng cơ bản, kinh tế vĩ mô, chưa biết thời điểm kết thúc và gợi nhớ về những kỷ niệm thời kỳ 2006.

Bản chất của sự vận động này có lẽ tới từ sự dịch chuyển của dòng tiền nóng trong nền kinh tế, đó là tiền nhàn rỗi của người dân, tiền của doanh nghiệp chưa đổ vào sản xuất - kinh doanh do những khó khăn của nền kinh tế, thậm chí cả nguồn tiền từ các gói kích cầu…

Về xu hướng ngắn hạn, chỉ số vẫn tiếp tục vận động trong kênh giá lên, tuy nhiên hiện tại đã xuất hiện rất nhiều cổ phiếu bước vào vùng quá mua, do đó, áp lực chốt lời ngày càng mạnh (khiến thanh khoản gần đây luôn duy trì ở ngưỡng rất cao và liên tục lập đỉnh).

Thời gian qua, chưa có nhịp điều chỉnh nào đáng kể nên thị trường vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ điều chỉnh lớn và có thể đến bất cứ lúc nào.

Khả năng kiếm lợi nhuận, theo giới chuyên gia phân tích là vẫn còn, do dòng tiền nóng đang đổ vào thị trường là rất lớn nên chưa thể xác định được đâu là vùng đỉnh ngắn hạn. Tuy nhiên, việc tham gia vào thị trường ở thời điểm hiện tại giống như một cuộc phiêu lưu, nhà đầu tư không nên hưng phấn quá đà, mà cần chú trọng đến quản trị rủi ro để bảo vệ thành quả.

Theo Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, trong 3 tháng (tháng 3, tháng 4, tháng 5) có gần 100.000 tài khoản mở mới. Trong đó, tháng 3 là 31.949 tài khoản và tháng 4 là 36.721 tài khoản.

Đây là mức cao trong nhiều năm trở lại đây, phần lớn dòng tiền mới gia nhập thị trường mang tính chất đầu cơ ngắn hạn. Còn lãi thì ở lại, rủi ro thì quay đi. Trong khi đó, TTCK đã tăng mạnh kể từ tháng 4 đến nay khiến chỉ số tiệm cận các ngưỡng cản mạnh theo phân tích kỹ thuật. Nhiều dự báo cho rằng, TTCK có thể sẽ “rung lắc” trong ngắn hạn, khi dòng tiền đầu cơ rút dần ra khỏi kênh này.

(Theo Dân Việt)