Đến đầu năm 2024, thị xã Tịnh Biên (An Giang) giảm số hộ nghèo về còn 762 hộ, chiếm tỷ lệ 2,5%; 342 hộ thoát nghèo, đạt tỷ lệ 1,1%, vượt mục tiêu Nghị quyết Thị ủy Tịnh Biên đề ra. Thị xã phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều thêm 0,5% vào cuối năm 2024; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số và xã đặc biệt khó khăn giảm từ 2 - 3%/năm. 

Thực hiện kế hoạch Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024, thị xã Tịnh Biên đặt mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Kết quả vượt bậc 

Thông tin tại buổi làm việc giữa Bí thư Thị ủy Tịnh Biên Nguyễn Hồng Đức với UBND thị xã về công tác thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại địa phương ngày 5/11 cho thấy, giai đoạn 2021-2024, UBND thị xã Tịnh Biên đã thực hiện Chương trình đạt kết quả tích cực.

Cụ thể, trong giai đoạn này, số hộ nghèo giảm từ 1.353 hộ (chiếm 4,41%) xuống còn 608 hộ (chiếm 1,99%), đạt mục tiêu tỉnh giao. Với hộ cận nghèo, thị xã giảm từ 982 hộ (chiếm 3,22%) xuống còn 628 hộ (chiếm 2,06%), xấp xỉ chỉ tiêu.

Cùng với đó, 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và mới thoát nghèo được hỗ trợ nhu cầu kết nối, tư vấn việc làm. Thực tế, khoảng 2.500 hộ nghèo, cận nghèo có người trong độ tuổi lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm. 106 người lao động được hỗ trợ tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ trước khi đi làm việc ở nước ngoài.

160 hộ nghèo, cận nghèo và 1.217 hộ mới thoát nghèo (tỷ lệ 100%) được xem xét vay vốn phát triển kinh tế. Đây là những "con số biết nói", hỗ trợ thiết thực vào quá trình thị xã bù đắp các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm) cho người dân.

Trên 98% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế mỗi năm; có 613 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn thị xã được hỗ trợ nhà ở an toàn, ổn định.

Đặc biệt tập trung thực hiện dự án, tiểu dự án có tác dụng trực tiếp đến đời sống hộ nghèo

Tại địa phương này, mục tiêu giảm nghèo được nêu ra rất cụ thể. Trên cơ sở kế hoạch, UBND thị xã chủ động phân bổ nguồn vốn thực hiện các dự án, tiểu dự án, tập trung vào địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, vùng núi, vùng biên giới.

Địa phương đặc biệt tập trung thực hiện dự án, tiểu dự án có tác dụng trực tiếp đến đời sống hộ nghèo, như: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững… Đây được xem là phương pháp hữu hiệu, căn cơ, nhằm trao “cần câu” để hộ nghèo phấn đấu vươn lên.

Năm 2024, thị xã Tịnh Biên được ngân sách Nhà nước phân bổ hơn 3,5 tỷ đồng để thực hiện Dự án 2 Đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và tiểu dự án 1 Dự án 3; ngoài ra còn có vốn huy động nhân dân đóng góp.

a8 bui dang son vv sxkd 2964.jpg
Nhiều địa phương tập trung các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất có tác dụng trực tiếp đến đời sống hộ nghèo.

Tổng cộng giai đoạn 2021 – 2024, thị xã giải ngân hiệu quả hơn 15,6 tỷ đồng để thực hiện dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, đạt 96% tổng nguồn vốn được phân bổ.

Điển hình, trong Dự án 2 Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, thị xã thực hiện 12 dự án chăn nuôi bò sinh sản và vỗ béo cho các xã, phường: Nhà Bàng, Văn Giáo, Vĩnh Trung, Tân Lợi, An Hảo, An Nông, An Cư, Núi Voi. Từ đó, 215 hộ thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia, với tổng vốn phân bổ gần 8,5 tỷ đồng.

Trong 2 năm trước đó, thị xã phân bổ và huy động tổng nguồn vốn hơn 6 tỷ đồng thực hiện Dự án 2. Hiện nay, 114 hộ, trong đó có 62 hộ nghèo, 48 hộ cận nghèo và 4 hộ thoát nghèo ở địa bàn 6 xã, phường: An Cư, Văn Giáo, Vĩnh Trung, An Hảo, Tân Lợi và Núi Voi đang triển khai mô hình nuôi bò sinh sản và bò vỗ béo thuộc dự án này đã được phê duyệt, giải ngân.

Đối với tiểu dự án 1 thuộc Dự án 3 Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, trong 2 năm trước, thị xã đã phê duyệt và phân bổ vốn 3 dự án chăn nuôi bò sinh sản và bò vỗ béo cho 50 hộ, trong đó có 22 hộ nghèo, 13 hộ cận nghèo và 17 hộ thoát nghèo ở địa bàn 3 xã: An Cư, Văn Giáo và An Nông. 

Với dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, địa phương tập trung mở lớp dạy nghề, phiên giao dịch việc làm, ngày hội tư vấn, hướng nghiệp cho người lao động, học sinh, sinh viên. Năm 2024, Ngày hội tư vấn, hướng nghiệp, học nghề, việc làm thu hút hơn 15.000 người tham dự, hơn 20 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động trong, ngoài tỉnh tham gia. 

Theo đánh giá, sự hỗ trợ của Nhà nước theo cách tiếp cận mới: thay vì "cho không" chuyển sang "hỗ trợ có điều kiện" đã khuyến khích, nâng cao ý thức, kỹ năng sản xuất của người dân và của cộng đồng. Quy trình thực hiện có tính khoa học, do vậy đến nay trên địa bàn chưa xảy ra trường hợp nào bị rủi ro. Công tác kiểm tra, giám sát của các ngành, địa phương được thực hiện thường xuyên từ đó góp phần có hiệu quả bước đầu khi triển khai các dự án. 

Bí thư Thị ủy Tịnh Biên Nguyễn Hồng Đức yêu cầu các ngành, địa phương tiếp tục đổi mới, năng động trong tư duy thực hiện công tác giảm nghèo. Theo đó, phải thực hiện thường xuyên, liên tục việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức khát vọng vươn lên trong cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp Nhân dân. Nêu rõ chính sách, điều kiện hỗ trợ, định hướng mô hình sinh kế cho người dân, đặc biệt là khuyến khích hoạt động phục vụ du lịch và xuất khẩu lao động…