Mời quý độc giả theo dõi video:
Với đặc điểm địa hình đa dạng và phức tạp, chia cắt và hiểm trở tạo ra những tiểu vùng khí hậu đặc thù, khu vực miền núi dễ bị tổn thương bởi thiên tai và các tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu.
Kết quả khảo sát chỉ ra, các loại thiên tai thường xuyên xảy ra tại khu vực miền núi phía Bắc bao gồm hoàn lưu bão ngập lụt, hạn hán, sạt lở đất, nắng nóng.
Trong đó, đại diện các địa phương nhận định chung rằng sạt lở đất có mức tăng nhiều nhất so với các loại hình thiên tai khác. Vấn đề lo ngại tiếp theo của các địa phương là nhiệt độ tăng, hạn hán thường xuyên diễn ra và có xu hướng tăng. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, mưa nhiều dẫn đến tình trạng ngập lụt cũng gia tăng.
Biến đổi khí hậu được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra nhanh, biểu hiện là mức tăng nhiệt độ trung bình năm là khoảng 2,2 độ C và lượng mưa có xu thế tăng với mức phổ biến trong khoảng 6 - 12%.
Trước diễn biến khó lường đó, Chính phủ đã sớm chủ động ban hành nhiều chính sách từ sớm, từ xa. Các địa phương theo đó căn cứ vào thực tiễn vùng, miền triển khai các cảnh báo, khuyến cáo, phòng, chống thiên tai.
Thanh Hóa là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Thời tiết diễn biến khó lường, gia tăng hiện tượng cực đoan, tăng tính khốc liệt của thiên tai về cường độ lẫn tần suất.
Tại vùng thượng du, vào các năm 2017, 2018 và 2019 liên tục xảy ra lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng, chia cắt huyện vùng cao biên giới Mường Lát dài ngày.
Lũ quét gây ra thảm họa, cướp đi sinh mạng của hơn 20 cán bộ, người dân các bản: Hắc, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh; Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn; lũ cuốn trôi, xô đổ nhà ở, tài sản của người dân bản Poọng, xã Tam Chung, huyện Mường Lát; sạt lở đất nghiêm trọng tại xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa.
Vừa mới đây, Thanh Hóa có 7 huyện nằm trong nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, gồm: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Thường Xuân. Các đơn vị khác như: Lang Chánh, Cẩm Thủy, Như Thanh, Như Xuân đang ở mức nguy cơ cao xảy ra các hình thức thiên tai nói trên.
Từ ngày 6 - 10/9, trên địa bàn huyện Bá Thước xảy ra mưa kèm theo dông lốc, gây ảnh hưởng và làm thiệt hại về nhà ở, đường giao thông, công trình thủy lợi và cây trồng. 138 hộ/583 khẩu phải sơ tán; 537,57ha cây nông lâm nghiệp bị ảnh hưởng; 25,5ha ao bị ngập; 15 điểm ngầm tràn giao thông bị ngập, đất đá bị sạt trượt, hư hỏng các tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ; sạt lở bờ sông, bờ suối... gây thiệt hại khoảng 18.110 triệu đồng.
Ngoài ra, huyện Bá Thước còn có 15 điểm giao thông bị nước lũ dâng cao, chia cắt cục bộ gồm: Lương Trung 2 điểm tại thôn Sơn Thủy và hang Khéo, thôn Quang Trung; Lương Nội 1 điểm tại tràn mó Tôm, thôn Ben; Thiết Kế 1 điểm tại đập suối Cha; Ban Công 3 điểm tại đường 521B đoạn qua khu vườn hoa thôn La Hán; khu suối đúc La Hán đi thôn Cả, tràn qua suối Khằm thôn Ba; Cổ Lũng 2 điểm tại tràn Nà Khà, tràn La Ca; Lũng Cao thôn Pốn Thành Công; xã Lũng Niêm tràn khu Ươi thôn Lặn Ngoài, Lặn Trong; Lương Ngoại 1 điểm tỉnh lộ 523B đoạn cầu Hón Uông thôn Giầu Cả; Hạ Trung 3 điểm tại đường 523D đoạn qua thôn Khiêng giáp xã Lương Nội; tràn Đồng Xong thôn Chiềng Ai; tràn Chông Bông thôn Cò Mu.
Để đối phó với các tình huống sau bão, ổn định đời sống cho Nhân dân, UBND huyện Bá thước đang tiếp tục chỉ đạo UBND xã, thị trấn trên địa bàn kiểm tra các khu vực xung yếu, trọng điểm để có phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản; khôi phục sản xuất nông nghiệp.
Huy động lực lượng chức năng khẩn trương di chuyển đồ cho hộ gia đình bị tốc mái và nguy cơ cao ảnh hưởng bởi thiên tai đến nơi ở an toàn; hỗ trợ các điều kiện thiết yếu để đảm bảo sinh hoạt cho các hộ phải tạm thời sơ tán.