Ngày 1/11, Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) TP.HCM (TT- TT TP. HCM) quyết định thu hồi cuốn sách Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông vì đã "truyền bá dâm ô".

TIN BÀI KHÁC

Cuốn sách Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông là tập truyện ngắn của Nguyễn Vĩnh Nguyên do công ty sách Phương Nam kết hợp với NXB Hội Nhà Văn xuất bản và có mặt trên thị trường từ tháng 4/2011. Tuy nhiên, sau hơn nửa năm phát hành, cuốn sách này lại bị Sở TT-TT TP. HCM thu hồi vì cho rằng nội dung trong đó truyền bá lối sống dâm ô đồi trụy, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Theo đó, công ty sách Phương Nam sẽ bị xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng, ngoài ra còn phải thu hồi sách trong vòng 10 ngày tới. Đơn vị này có quyền khiếu nại quyết định trên của Sở trong vòng 90 ngày, nhưng việc khiếu nại sẽ không làm đình chỉ quyết định xử phạt.

Bìa cuốn sách Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông

Tuy nhiên, quyết định mà Sở TT-TT TP. HCM đưa ra đã gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn.

Về phía NXB Hội Nhà Văn, ông Trung Trung Đỉnh đại diện cho biết trên Vnexpress, dự kiến ngày 8/11 tại Hà Nội, NXB Hội Nhà Văn sẽ tổ chức một cuộc thảo luận nghiêm túc để đánh giá cuốn sách ở góc độ chuyên môn.

Bản thân Nguyễn Vĩnh Nguyên - tác giả của cuốn sách cho rằng những nhận định trên của Sở TT- TT đã vượt quá tầm cuốn sách của anh và đồng thời mong muốn có hội đồng thẩm định uy tín để tác phẩm không bị rơi vào tình trạng "chết" oan ức. Còn nhà văn Tạ Duy Anh, người trực tiếp biên tập cuốn truyện ngắn này thì thẳng thắn bày tỏ bức xúc bởi theo nhà văn, Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông là một cuốn sách lành mạnh, rất đáng trân trọng, hơn nữa còn xứng đáng nhận giải của Hội nhà văn năm 2012.

Dư luận thời gian gần đây được dịp "dậy sóng" sau khi cuốn sách Sát thủ đầu mưng mủ bị ngưng phát hành và thu hồi. Phần lớn ý kiến cho rằng để xảy ra "sự cố" trên là do sự thiếu nhất quán trong các khâu thẩm định và phát hành ấn phẩm, để rồi khi sách đã len lỏi vào từng gia đình, thâm nhập vào đời sống của người dân rồi mới lại bị thu hổi, tranh cãi. Thiết nghĩ, cách làm "mất bò mới lo làm chuồng" như thế này quả thực rất lãng phí cả về thời gian, công sức và tiền bạc.

Thủy Anh (tổng hợp)