Máy bay Sharklet thế hệ mới nhất của Airbus vừa bàn giao cho VietJetAir tại Orly, Paris (Pháp) sáng nay (27/9) đã về tới sân bay Tân Sơn Nhất, chở theo đoàn đàm phán mua máy bay gần 30 người của hãng.
Vượt một hành trình dài, chiếc máy bay mới của VietJetAir mang biểu tượng của ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) đã hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, trong sự chào đón hân hoan của các đồng nghiệp.
Tàu bay mang hình ảnh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đang lăn vào sân đỗ |
Chuyến đi Pháp lần này, thành công nhất của đoàn đàm phán là VietJetAir đã ký kết được thỏa thuận nguyên tắc về việc mua và thuê 100 chiếc máy bay. Đơn hàng khổng lồ này của hãng nhận được sự quan tâm đặc biệt của truyền thông trong nước và quốc tế, khi lần đầu tiên tại Việt Nam ghi nhận sự bứt phá ngoạn mục của một hãng hàng không non trẻ mới “tập tễnh” bước vào thị trường vốn cạnh tranh hết sức khốc liệt.
Phi hành đoàn đã đưa tàu bay vượt hành trình dài để về đến Việt Nam |
Những chiếc máy bay đầu tiên VietJetAir mua theo thỏa thuận này sẽ được giao hàng ngay trong năm tới, với trung bình từ 5 đến 10 chiếc mỗi năm.
Ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành VietJetAir, cho hay, những chiếc máy bay A320, A321 sẽ được trưng dụng để phát triển mạng đường bay nội địa, quốc tế của VietJetAir và các liên doanh ở nước ngoài. Số lượng máy bay này là hợp lý và được hãng cân nhắc thận trọng khi đặt bút ký hợp đồng. Thực tế, thời gian qua, hãng đã tăng từ 3 lên 10 chiếc vào cuối năm nay trong khoảng thời gian khoảng một năm rưỡi.
Tàu bay Sharklet đã đưa đoàn đàm phán về đến Việt Nam |
Theo ông Khánh, hiện dư địa để phát triển lượng khách đi máy bay tại Việt Nam còn nhiều. Và Đông Nam Á hiện là khu vực mà ngành hàng không phát triển năng động nhất thế giới. Tại Malaysia có 7 máy bay/1 triệu dân, Thái Lan có 2,5 chiếc, Philippines có 1,4 chiếc... , trong khi đó ở Việt Nam mới chỉ có xấp xỉ 1 máy bay trên một triệu dân.
Hân hoan chào đón tàu Sharklet về đến nhà |
“Giá vé máy bay hợp lý sẽ thúc đẩy giao thương, du lịch, đầu tư kéo theo lượng hành khách đi lại tăng nhanh. Hơn nữa, còn rất nhiều đường bay quốc tế mà chúng ta chưa khai thác hết tiềm năng. Chúng tôi tự tin với kế hoạch kinh doanh của VietJetAir, chắc chắn các chuyến bay của hãng sẽ tiếp tục được lấp đầy”, ông Khánh nói.
Trước đó, hãng hàng không VietJetAir và hãng sản xuất máy bay Airbus đã ký thoả thuận nguyên tắc (MOU) về đặt hàng tổng cộng 100 máy bay các loại dành cho VietJetAir.
Tàu Sharklet tại sân bay Tân Sơn Nhất |
Theo thỏa thuận giữa hai bên, Airbus sẽ giao hàng trong vòng 8 năm. Hãng sẽ thanh toán tiền rải đều theo kế hoạch nhận máy bay. Hiện VietJetAir đã xây dựng phương án thu xếp tài chính cụ thể và khả thi, trong đó chủ yếu làm việc với các định chế tài chính và các ngân hàng lớn của nước ngoài chuyên về lĩnh vực tài trợ mua máy bay. Đến nay, mọi việc đang diễn ra theo đúng kế hoạch, bao gồm các thỏa thuận thu xếp tài chính.
Đặt hàng này đảm bảo cho kế hoạch phát triển đội máy bay mới, hiện đại bậc nhất trong khu vực, phục vụ kế hoạch xây dựng tập đoàn hàng không đa quốc gia của VietJetAir. Với 14 đường bay nội địa và hai đường bay quốc tế từ TP.HCM và Hà Nội đến Thái Lan, thời gian tới, VietJetAir sẽ tiếp tục khai trương thêm các đường bay trong nước và quốc tế, kết nối đến các địa danh du lịch và kinh tế nổi tiếng của châu Á như Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia và Nhật Bản... , mang đến cho người dân và du khách thêm nhiều sự lựa chọn về chặng bay và thời gian bay.
Hà Vân